Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thành phố Phủ Lý: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp

Các ngành kinh tế Công nghiệp - Xây dựng - Giao thông  
Thành phố Phủ Lý: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp
Thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII “Về phát triển công nghiệp tỉnh Hà Nam đến năm 2015”, thành phố Phủ Lý chủ trương phát triển công nghiệp phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH - HĐH; tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh, sản xuất các sản phẩm xuất khẩu tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, giải quyết nhiều việc làm cho lao động, phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2015 giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định đạt trên 5.600 tỷ đồng; giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2011- 2015 trên địa bàn tăng trên 20%/năm; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong cơ cấu kinh tế đạt 49% vào năm 2015 gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Với định hướng, mục tiêu đó, thời gian qua, thành phố đã đa dạng hóa hình thức quảng bá, xúc tiến đầu tư, chú trọng đầu tư theo lĩnh vực, địa bàn đối tác cụ thể. Đến tháng 12/2011, toàn thành phố có 1.739 cơ sở sản xuất công nghiệp. Cùng đó, thành phố tiến hành rà soát hoạt động của các doanh nghiệp để có biện pháp tháo gỡ khó khăn. Năm 2011, trên địa bàn thành phố có 78 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 10 doanh nghiệp giải thể, 5 tháng đầu năm 2012 có 16 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 06 doanh nghiệp giải thể do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế. Chính vì vậy, thành phố đã tích cực rà soát tiến độ đầu tư, tình hình sản xuất của doanh nghiệp, đôn đốc, động viên doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; đồng thời kiên quyết xử lý các doanh nghiệp cố tình vi phạm. Mặt khác, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra đôn đốc các nhà đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất kinh doanh bảo đảm yêu cầu dự án đã được phê duyệt. Thời gian qua, thành phố đã tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp Nam Châu Sơn và một số doanh nghiệp có thuê đất trên địa bàn. Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Nam Châu Sơn cũng được đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng, cho phép 14 doanh nghiệp vào đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến nay, thành phố đã hoàn thành việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật các hạng mục như: Nền đường, rãnh thoát nước, bể chứa nước, hệ thống điện (phần cấp nước và một số hạng mục điều chỉnh bổ sung theo quyết định điều chỉnh chưa thi công); hoàn thiện cắm mốc chỉ giới quy hoạch, xây dựng ranh giới giữa các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp này.
Bên cạnh đó, thành phố chú trọng thực hiện mục tiêu tiếp tục phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề như: Tập trung đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng lao động địa phương và đào tạo tay nghề cho những lao động này, ưu tiên tuyển dụng đối với lao động nằm trong diện thu hồi đất nông nghiệp. Tiếp tục duy trì phát triển các làng nghề, làng có nghề. Hiện thành phố có 02 làng nghề, 05 làng có nghề đang hoạt động. Thành phố còn tập trung củng cố các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực. Ngành điện của thành phố thực hiện cải tạo chống xuống cấp bổ sung các trạm biến áp, chống quá tải lưới điện trung áp, chủ động, tích cực lập dự án, xây dựng các trạm biến áp, đường dây cấp điện đến chân hàng rào doanh nghiệp góp phần ổn định sản xuất. Cùng đó, tạo điều kiện cho các trường đại học, trung học chuyên nghiệp đa nghề, trung tâm dạy nghề đầu tư xây dựng theo quy hoạch đã được phê duyệt.
Có thể nói, thành phố đã chủ động tích cực trong triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp, từ đó, tạo sự tin tưởng đối với các doanh nghiệp trong việc tiếp tục chủ động đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm thị trường, khôi phục phát triển ngành nghề trong khu dân cư. Năm 2011, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng công nghiệp thành phố vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá cố định đạt gần 3 nghìn tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2010. 6 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất đạt trên 1.693 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển công nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, thành phố vẫn còn có những hạn chế và cả những khó khăn vướng mắc cần quan tâm tháo gỡ. Đó là sản xuất kinh doanh công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở các xã, phường trên địa bàn chưa phát huy được tiềm năng thế mạnh, chưa hình thành làng nghề, phố nghề do sản xuất kinh doanh còn nhỏ lẻ, chưa theo quy hoạch, chưa có sự liên doanh, liên kết. Việc đưa nghề mới vào nông thôn ở những nơi thu hồi đất nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả, rộng khắp. Chất  lượng lao động có tay nghề còn thiếu, đặc biệt là lao động tay nghề cao. Doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức cạnh tranh thấp, năng lực tài chính yếu, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao, đóng góp cho ngân sách còn hạn chế. Mặt khác, công tác quản lý và phối kết hợp quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố chưa thực sự hiệu quả…
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phát triển công nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy, những hạn chế, khó khăn nói trên cần được quan tâm khắc phục, giải quyết. Cùng đó, thành phố tiếp tục quán triệt phổ biến sâu rộng nội dung của nghị quyết để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân tạo sự đồng thuận cao để tiếp tục thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng đẩy nhanh tiến độ các dự án. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Mặt khác cần có cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả cho phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở địa phương./.