Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thị xã Phủ Lý - Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010

UBND các huyện, thành phố Thành phố Phủ Lý  
Thị xã Phủ Lý - Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010

I. Các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội

Đổi mới toàn diện và đồng bộ kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phát triển công nghiệp và dịch vụ với tốc độ nhanh, bền vững: giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Giữ gìn ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển, từng bước xây dựng thị xã Phủ Lý thành đô thị loại 3, văn minh, hiện đại.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) giai đoạn 2001-2010 và đến 2020 đạt khoảng 13% năm, trong đó công nghiệp tăng 16-17% năm; nông nghiệp tăng trên 4% năm và dịch vụ tăng 12-13% năm. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đến năm 2010 đạt cơ cấu công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp là 45-46%; 48-49%; 6%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt từ 1.200 - 1.300 USD (giá hiện hành).

Bên cạnh đó, từ năm 2005, giữ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ổn định ở mức 1,0% năm; hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 1.300-1.500 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 3,0 - 3,5% năm 2005 và dưới 2% năm 2010; đến năm 2010, 100% dân cư nội thành và ngoại thị được dùng nước sạch: giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em xuống còn 20-22% năm 2005 và dưới 10% năm 2010.

II. Định hướng phát triển các ngành kinh tế

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

Khai thác tối đa các nguồn lực và lợi thế của địa phương, kết hợp với thu hút mạnh các nguồn lực từ bên ngoài để phát triển nhanh và vững chắc các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, là "khâu đột phá quan trọng" để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị xã. Ưu tiên phát triển các ngành, các lĩnh vực có ưu thế và các ngành có công nghệ cao, thu hút nhiều lao động. Phát triển và phân bố hợp lý các ngành sử dụng nguyên liệu tại chỗ, khuyến khích phát triển công nghiệp vừa và nhỏ.

Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho 2 cụm công nghiệp bắc Thanh Châu và Châu Sơn. Khôi phục và phát.triển các ngành nghề truyền thống, các làng nghề, phố nghề ở nội và ngoại thành, nhất là các nghề có khả năng xuất khẩu. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với phát triển kết cấu hạ tầng và quá trình đô thị hóa trong khu vực. Từng bước xây dựng một cơ cấu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phù hợp với điều kiện và lợi thế của thị xã, trong đó dệt - may, sản xuất hàng tiêu dùng là ngành chủ đạo, tiếp đến là sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, cơ khí sửa chữa, chế biển thực phẩm và tiểu thủ công nghiệp,...

Nông nghiệp

Nền sản xuất nông nghiệp ở Phủ Lý theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao và bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế trang trại và các mô hình sản xuất VAC, nhất là trong chăn nuôi, coi đây là khâu đột phá để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Mở rộng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, giảm bớt hộ nông dân thuần túy, tăng các hộ nông dân kiêm ngành nghề và dịch vụ. Đẩy mạnh nâng cao dân trí, từng bước xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại.

Thương mại - dịch vụ - du lịch

Khai thác tối đa lợi thế là đầu mối giao thông, gần thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để phát triển tổng hợp ngành kinh tế dịch vụ theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống, đưa ngành dịch vụ thành ngành kinh tế quan trọng của Phủ Lý. Từng bước phát triển ngành thương mại ở Phủ Lý đạt trình độ cao, đảm bảo lưu thông hàng hóa nhanh, thuận tiện, kích thích mạnh sản xuất. Trước hết, tập trung củng cố mạng lới thương nghiệp trong toàn thị xã, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại, dịch vụ. Đẩy mạnh các hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư, từng bước xây dựng Phủ Lý thành điểm hội tụ hàng hóa. một trung tâm phát tán luồng hàng chính trong khu vực.