Tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam ông Nguyễn Đức Vượng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện các sở, ngành, địa phương...
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam
Năm 2023, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện. Tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Đặc biệt, sản phẩm gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới. Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao phát triển. Trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học được nâng cao… Trong năm, ngành đã ban hành và triển khai tổ chức có hiệu quả nhiều đề án, chương trình, cơ chế chính sách quan trọng cho phát triển nông nghiệp và nông thôn. Đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM.
Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; có gần 20.500 hợp tác xã nông nghiệp và 19.660 trang trại. Kết quả giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt trên 94,6%. Công tác xây dựng thể chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, được quyết liệt chỉ đạo; công tác chuyển đổi số, thực hiện Chính phủ số tạo chuyển biến tích cực; nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân được quan tâm tháo gỡ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để hoàn thành tốt mục tiêu, kế hoạch năm 2024, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường để gia tăng xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản ở trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm chuỗi cung ứng thị trường trong nước. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu. Phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai…/.
Phạm Nga