Đồng chí Nguyễn Đức Vượng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hà Nam
Đại biểu dự chương trình tại điểm cầu Hà Nam
Dự chương trình tại điểm cầu Hà Nam có đồng chí Nguyễn Đức Vượng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh; đồng chí Vũ Tiến Tiệp - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh; lãnh đạo: Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, VNPT Hà Nam, Viettel Hà Nam, Bưu điện tỉnh; thành viên Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh; các Tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) tiêu biểu...
Theo báo cáo tại chương trình, trong 9 đầu năm 2024, công cuộc CĐS tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả quan trọng như: Về phát triển hạ tầng số, đến nay, tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng thông rộng đạt 82,2% (tăng 2,6% so với cuối năm 2023); Việt Nam có 87% dân số sử dụng điện thoại thông minh; các nhà mạng đã triển khai việc tắt sóng 2G, giúp người dân dịch chuyển sang sử dụng các dịch vụ băng rộng 4G, 5G với chất lượng cao hơn.
Về nền tảng số, dữ liệu số, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối và chia sẻ dữ liệu cho 18 bộ, ngành, 63 địa phương, 04 doanh nghiệp, phục vụ hơn 1,3 tỷ lượt yêu cầu tra cứu, 537 triệu lượt đồng bộ thông tin; ứng dụng định danh điện tử VNeID đã có hơn 20 triệu lượt sử dụng căn cước điện tử, 8 triệu tài khoản định danh đăng nhập cổng dịch vụ công và hơn 14 triệu thông tin công dân tích hợp vào sổ sức khoẻ điện tử; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình của cả nước đạt 43,8%; doanh thu công nghiệp, công nghệ số trong 9 tháng năm 2024 đạt 118 tỷ USD (tăng 17,78% so với 9 tháng đầu năm 2023); hàng trăm mặt hàng nông sản Việt Nam được bán trên những sàn thương mại điện tử.
Về xã hội số, Bộ Công an đã cấp hơn 87 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp, thu nhận 75,7 triệu hồ sơ định danh điện tử; trên 87% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử; hơn 10 triệu chữ ký số đã được cấp. 100% các tỉnh, thành phố đã thành lập Tổ CNSCĐ với 93.524 tổ và gần 457.820 thành viên. Là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về CĐS từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, tổ, đội, các Tổ CNSCĐ đã trực tiếp đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà, hướng dẫn từng người để đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình CĐS.
Tại chương trình, các doanh nghiệp tiêu biểu trong thực hiện CĐS và các thành viên tiêu biểu Tổ CNSCĐ đã tham luận với các nội dung: Giải pháp CĐS ngành dệt may; Giải pháp nông nghiệp thông minh; Giải pháp thanh toán trực tuyến; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quản trị, giúp doanh nghiệp gia tăng năng suất và lợi thế cạnh tranh; Tổ CNSCĐ giúp người dân đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Hà Giang phát triển kinh tế số trong hoạt động du lịch cộng đồng; Đóng góp của Tổ CNSCĐ cơ sở trong thực hiện CĐS, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025 định hướng đến năm 2030… Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cũng đối thoại, tọa đàm với các doanh nghiệp và thành viên tiêu biểu Tổ CNSCĐ.
Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS phát biểu kết luận chương trình
Phát biểu kết luận chương trình, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị - Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS nhấn mạnh: Quan điểm xuyên suốt trong CĐS là lấy người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu, làm trung tâm. Do đó, CĐS phải hướng tới nâng cao đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân; phải thực chất và hiệu quả, gắn với chuyển đổi xanh, đổi mới và sáng tạo. 4 ưu tiên chính của CĐS quốc gia trong năm 2024 gồm có: Ưu tiên phát triển dữ liệu số, đây là yếu tố sản xuất then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế số; ưu tiên quản trị số, đảm bảo cho sự phát triển nhanh chóng và lành mạnh của nền kinh tế số; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, đây sẽ là ngành công nghiệp chủ đạo cung cấp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, giải pháp, nội dung số cho phát triển kinh tế số; ưu tiên số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động xã hội, sản lượng, quản lý và đổi mới sáng tạo - đây là mặt trận chính cho sự phát triển của nền kinh tế số, mở ra không gian phát triển mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không lơ là, chủ quan, cần tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại; tăng cường tuyên truyền nhằm đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng số, dữ liệu số. Các chỉ tiêu khó hoàn thành cần nỗ lực triển khai thực hiện nhằm hoàn thành bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đầu tư phải trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực, vấn đề ưu tiên và phải thực hiện trên tinh thần: Tích cực, chủ động, quyết tâm, quyết liệt. Tiếp tục truyền tải tinh thần CĐS một cách toàn diện, sâu rộng, thực chất và hiệu quả với sự tham gia, đồng hành của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chú trọng xây dựng hạ tầng số, hoàn thiện thể chế số, đào tạo nhân lực số.../.
PN