Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Chuyển đổi số: Động lực đưa Hà Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình

Tin theo lĩnh vực Chuyển đổi số  
Chuyển đổi số: Động lực đưa Hà Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình
Xác định chuyển đổi số (CĐS) là xu thế tất yếu của sự phát triển, thời gian qua, với sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân, Hà Nam đã thực hiện công tác CĐS toàn diện với quyết tâm cao, lộ trình cụ thể, mục tiêu rõ ràng. Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh trong kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Xây dựng nền tảng vững chắc trên hành trình CĐS

Nhận thức rõ CĐS là xu thế tất yếu, là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/4/2022 về CĐS tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã chỉ đạo, xây dựng, ban hành Quyết định số 1516/QĐ-UBND ngày 09/8/2022 phê duyệt Đề án CĐS tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu chung: Xây dựng đồng bộ chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và hoạt động của cơ quan, đơn vị; góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và các ngành kinh tế; hình thành và phát triển các ngành, lĩnh vực mới; thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững.

Các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã kịp thời xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến mục đích, ý nghĩa của CĐS tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn.

VOCAL-(1).jpg

Công tác CĐS trên địa bàn tỉnh Hà Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng trên cả 03 trụ cột: Kinh tế số, chính quyền số, xã hội số

Để tạo hành lang pháp lý cho CĐS, Hà Nam luôn chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về CĐS. Bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ CĐS của tỉnh. Năm 2024, UBND tỉnh đã ban hành 04 Quyết định quy phạm pháp luật, 09 Kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành. Số lượng và nội dung các văn bản, chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua đã thể hiện quyết tâm chính trị và những giải pháp linh hoạt, sáng tạo của Hà Nam trong chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Xác định phát triển hạ tầng số là nền tảng để bứt phá trong CĐS, Hà Nam đã tập trung xây dựng hạ tầng số từng bước đồng bộ, hiện đại. Hiện nay, 100% các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố đều có mạng LAN và kết nối Internet. 100% các xã, phường, thị trấn có hạ tầng mạng cáp quang băng rộng đến tận thôn, tổ dân phố; 100% khu vực dân cư phủ sóng thông tin di động 4G; triển khai phủ sóng mạng 5G tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh; dự kiến năm 2025, triển khai trên toàn tỉnh. Bên cạnh đó, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến hoạt động thường xuyên, hiệu quả, giúp tiết kiện thời gian, chi phí. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành của các cấp chính quyền và hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở. 

Việc xây dựng, phát triển, kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu là yếu tố quan trọng trong CĐS, tạo ra giá trị mới, tỉnh Hà Nam đã và đang tích cực số hóa tài liệu giấy, làm giàu kho dữ liệu số phục vụ xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Toàn tỉnh có 43 hệ thống thông tin đã và đang triển khai, trong đó có 08 hệ thống thông tin dùng chung toàn tỉnh; 27 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được triển khai; 08 hệ thống thông tin đang triển khai. Ngoài ra, có khoảng 27 hệ thống thông tin do các bộ, ngành Trung ương triển khai cho các sở, ngành ở địa phương khai thác, sử dụng.

Song song với đó, nguồn nhân lực về CĐS tiếp tục được kiện toàn, bảo đảm số lượng, chất lượng. Năm 2024, toàn tỉnh đã tổ chức tập huấn, đào tạo về CĐS cho gần 5.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, UBND tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) tổ chức 03 lớp tập huấn về CĐS dành cho cán bộ chủ chốt của tỉnh.

Thúc đẩy CĐS toàn diện

Với quan điểm xuyên suốt: Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của CĐS. CĐS phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Thời gian qua, Hà Nam đã thực hiện CĐS toàn diện ở cả 03 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Qua đó, từng bước đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh; các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; lối sống, cách làm việc của người dân. Đặc biệt, tỉnh đã nỗ lực trong phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội; triển khai rộng rãi và hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến; đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chủ chốt trong các cơ quan nhà nước; phổ cập kỹ năng số cho người dân… Qua đó, tạo bước tiến vững chắc trên tiến trình CĐS của tỉnh.

Trên trụ cột chính quyền số: Đến nay, các hệ thống thông tin, nền tảng số, ứng dụng dùng chung quy mô cấp tỉnh được khai thác, vận hành ổn định. Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai bảo đảm liên thông 4 cấp chính quyền từ cấp xã đến huyện, tỉnh, Trung ương. 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn đã ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hà Nam cung cấp tất cả các dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình; cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính của tỉnh; công khai toàn bộ quy trình giải quyết, kết quả giải quyết. Hệ thống cung cấp tổng số 1.714 bộ thủ tục hành chính. Trong đó: 1.283 dịch vụ trực tuyến toàn trình; 407 dịch vụ công trực tuyến một phần và 24 dịch vụ công khác. Năm 2024, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 84,6%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 77,1%. Quý I/2025, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 79,1%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 64%. Hà Nam là một trong 08 tỉnh thuộc nhóm đầu tiên đủ điều kiện triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID và chính thức triển khai từ ngày 14/10/2024. Tỷ lệ cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID đạt trên 50%.

Từ ngày 30/10/2024, Hà Nam triển khai thí điểm sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID. Ngành Y tế đã triển khai tại tất cả các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Trong triển khai phát triển đô thị thông minh, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh đã tích hợp, kết nối 10 hệ thống thông tin của các sở, ngành. Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố Phủ Lý thu thập, phân tích, chuẩn hóa dữ liệu về camera an ninh, camera giao thông trên địa bàn; hệ thống phản ánh kiến nghị (App Công dân thành phố Phủ Lý) phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của thành phố.

z6491407654321_a709673728d2ae7f2d2b5a30f2b3e0b6.jpg
Năm 2024, Hà Nam đứng đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Trên trụ cột kinh tế số: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 140 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, tập trung chủ yếu tại thành phố Phủ Lý và trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã triển khai hóa đơn điện tử. Toàn tỉnh đã triển khai 02 sàn thương mại điện tử chính (Buudien.vn và santhuongmaihanam.vn); thu hút gần 70 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp tham gia, trên 3.300 sản phẩm được đưa lên sàn, số lượng giao dịch trên sàn thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh là trên 15.360 giao dịch. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại; các hình thức thanh toán trực tuyến ở các loại hình dịch vụ công thiết yếu, như điện, nước, học phí, viện phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính...được triển khai rộng rãi. Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nam đạt 13,68%, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố.

z6491407672382_ae1b2d2553405b7b67e3b2bb3e594f58.jpg
Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của Hà Nam đạt 13,68%, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố

Trên trụ cột xã hội số: Hà Nam đã và đang xây dựng môi trường thuận lợi để hình thành cộng đồng công dân số. Các Tổ công nghệ số cộng đồng được thành lập tại 100% các xã, phường, thị trấn, các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh với gần 7.900 thành viên, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân về Đề án 06, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, cài đặt sử dụng ứng dụng VNeID và các tiện ích, ứng dụng số khác. Hoạt động của người dân trên môi trường mạng cũng ghi nhận sự tăng trưởng cả về số lượng người sử dụng và thời lượng sử dụng. Số lượng tài khoản giao dịch của cá nhân và tổ chức mở tại các tổ chức tín dụng đạt trên 1,2 triệu tài khoản. Tỷ lệ người dân ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt khoảng 30%. Tỷ lệ người dân biết kỹ năng về công nghệ thông tin và truyền thông ước tính khoảng 70%.Việc triển khai các hệ thống tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân qua hình thức trực tuyến: Chuyên mục Hỏi đáp trên Cổng Thông tin điện tử, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã góp phần thúc đẩy sự tham gia của người dân trong việc giải quyết các vấn đề của chính quyền. 

Thực hiện lộ trình tắt sóng 2G, các doanh nghiệp viễn thông đã ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến mại và hỗ trợ điện thoại thông minh cho người dân chuyển đổi lên thuê bao 4G. Đến nay, đã tặng gần 9.200 điện thoại 4G cho khách hàng; hỗ trợ giảm giá điện thoại, ưu đãi tặng gói data, phút gọi cho gần 12.600 khách hàng khi mua điện thoại 4G.

Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy CĐS toàn diện, công tác CĐS của Hà Nam năm 2024 đã đạt được những kết quả nổi bật, quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Hà Nam đứng đầu cả nước về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình; xếp thứ 5 toàn quốc về tiến độ giải quyết thủ tục hành chính; là địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành kết nối Trung tâm điều hành thông minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; là đơn vị đứng thứ nhất toàn quốc về kết quả bồi dưỡng, tập huấn CĐS trên nền tảng học trực tuyến; là một trong hai tỉnh được Chính phủ chọn triển khai thí điểm thành công và nhân rộng toàn quốc 2 nhóm dịch vụ công liên thông...

Vững vàng bước vào kỷ nguyên mới

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia đã xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS là “đột phá quan trọng hàng đầu", tạo động lực mạnh mẽ để đất nước phát triển.

Ngày 28/02/2025, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Chương trình hành động số 135-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW với mục tiêu tổng quát: Tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS; nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh; phát triển mạnh mẽ kinh tế số, xã hội số dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, CĐS và nhân lực chất lượng cao, góp phần xây dựng tỉnh Hà Nam trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và là trung tâm hàng đầu của vùng Đồng bằng sông Hồng về văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS.

Năm 2025, bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và thực hiện chủ đề CĐS quốc gia năm 2025 “CĐS toàn diện để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế", tỉnh Hà Nam xác định tiếp tục từng bước đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phục vụ của các cơ quan dựa trên công nghệ số; phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số. Sử dụng công nghệ số để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, xác định các chỉ tiêu chủ yếu như: 100% dịch vụ công đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình; 100% tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt thông qua định danh điện tử VNeID. 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 95% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 80% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng…

Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS, ngày 01/3/2025, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 441/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ và Chương trình hành động số 135-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Kế hoạch gồm 32 chỉ tiêu, 84 nhiệm vụ dài hạn và năm 2025 gồm 47 nhiệm vụ, tập trung vào xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và đô thị thông minh, như: Triển khai thực hiện hiệu quả bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; chú trọng thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến; xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh giảm phí “0 đồng" đối với giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến; tập trung phát triển Khu Công nghệ cao Hà Nam để ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số; xây dựng cơ sở dữ liệu quy hoạch, đô thị liên thông trên địa bàn tỉnh Hà Nam...

Tin tưởng rằng, với những giải pháp đồng bộ cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, doanh nghiệp và người dân, công cuộc CĐS trên địa bàn tỉnh Hà Nam thời gian tới sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật, quan trọng, tạo bước đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đưa Hà Nam phát triển bứt phá, vươn mình trong kỷ nguyên mới./.

​Đào Tuyền - Thu Thảo