Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Tin tức - Sự kiện Tin tổng hợp  
Hà Nam thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp
Năm 2024, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức…; nhất là hậu quả nặng nề của cơn bão số 03 (Yagi) và hoàn lưu sau bão gây ngập lụt trên địa bàn tỉnh đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân. Nhưng với tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo; dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của tỉnh và sự nỗ lực của các doanh nghiệp, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo đà cho tăng trưởng toàn ngành.

Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt 248.253,3 tỷ đồng, tăng 17,54% so với năm 2023, đạt 109,6% kế hoạch năm; tốc độ tăng trưởng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh đảm bảo đạt kế hoạch năm và tăng cao so với cùng kỳ. Trong đó, thiết bị điện, điện tử tăng 56,9%, dây điện các loại tăng 33,5%, sữa tăng 14,1%...

Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, duy trì thực hiện có hiệu quả 10 cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư trên cơ sở kế thừa và có sự đổi mới, sáng tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Cùng với đó, để thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp, năm 2024, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng phục vụ. Đến nay, đã có 8/16 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động với diện tích trên 2.515 ha và tỷ lệ lấp đầy đạt 82,14%, hiện có 4 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư hiện đang đầu tư hạ tầng. UBND tỉnh đã chỉ đạo tăng cường công tác giới thiệu, quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của tỉnh bằng nhiều hình thức; tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức kinh tế - thương mại, ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam và của Việt Nam tại nước ngoài, các nhà đầu tư đã thành công để giới thiệu về môi trường đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư.

Công tác thu hút đầu tư tiếp tục được tỉnh quan tâm và chỉ đạo thực hiện. Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh thu hút được 79 dự án (bằng 149 so với cùng kỳ năm 2023); thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư cho 62 dự án (bằng 188 so với cùng kỳ năm 2023) với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 555,6 triệu USD (bằng 120,5% so với cùng kỳ năm 2023) và 12.411,9 tỉ đồng (bằng 145% so với cùng kỳ năm 2023). Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 1.249 dự án đầu tư còn hiệu lực (trong đó: 409 dự án FDI và 840 dự án trong nước) với tổng số vốn đăng ký là 6.599,8 triệu USD và 182.031,4 tỉ đồng. Toàn tỉnh hiện có 9.817 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký là 192.525,5 tỉ đồng (trong đó có khoảng 6.200 doanh nghiệp đang hoạt động).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng quan tâm đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. UBND tỉnh đã triển khai bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và công nhận nghệ nhân thợ giỏi năm 2023. Đồng thời, triển khai thu thập thông tin các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh theo nhiệm vụ điều tra thống kê quốc gia năng lực sản xuất của sản phẩm công nghiệp năm 2024 của Bộ Công thương.

Với những kết quả đã đạt được trong năm 2024, Hà Nam phấn đấu năm 2025, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 280.715,7 tỉ đồng; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 11.620 triệu USD, giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 10.200 triệu USD. Để đạt được những mục tiêu này, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo và dịch vụ phục vụ phát triển công 2030. Tổ chức lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu xây dựng Khu Công nghệ cao Hà Nam sau khi Đề án thành lập Khu Công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, duy trì thực hiện hiệu quả 10 cam kết của tỉnh đối với các nhà đầu tư trên cơ sở kế thừa và có sự đổi mới, sáng tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025. Tập trung xây dựng hạ tầng, thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu, cụm công nghiệp; triển khai có hiệu quả phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tập trung thu hút các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn trong nước trong các lĩnh vực theo định hướng đổi mới đầu tư phát triển của tỉnh; thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng xã hội, các dịch vụ phục vụ hoạt động của các khu công nghiệp; tạo điều kiện cho người lao động ổn định gắn bó lâu dài với doanh nghiệp và với tỉnh Hà Nam./.

Minh Phương​