Năm 2024, Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo" tỉnh Hà Nam đã chú trọng công tác tham mưu cho cấp ủy và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn đối với Ban Chỉ đạo cấp ủy các cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện nội dung phong trào thi đua “Dân vận khéo" gắn với các phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" trên các lĩnh vực xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh. Các nội dung chương trình, kế hoạch công tác đề ra được triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo" của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh. Các mô hình “Dân vận khéo" được chỉ đạo hướng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trọng điểm, những việc mới, việc khó, giải quyết những vấn đề bức thiết của địa phương, đơn vị mà cấp ủy, chính quyền đang tập trung chỉ đạo và đặc biệt đem lại lợi ích thiết thực, giải quyết được nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Đặc biệt, trong năm 2024, Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo" tỉnh đã chỉ đạo tổ chức thành công Hội thi “Dân vận khéo" tỉnh Hà Nam năm 2024 từ cấp huyện đến cấp tỉnh, tạo không khí thi đua phấn khởi trên địa bàn toàn tỉnh.

Ban Tổ chức trao Cờ lưu niệm cho các đội thi tại Hội thi “Dân vận khéo" tỉnh Hà Nam năm 2024
Về kết quả thực hiện phong trào thi đua, Ban Chỉ đạo Phong trào thi đua “Dân vận khéo" tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai xây dựng và nhân rộng thực hiện được 1.597 mô hình trên các lĩnh vực; trong đó, cấp tỉnh có 127 mô hình, cấp huyện và xã có 1.470 mô hình. Các mô hình “Dân vận khéo" trên các lĩnh vực đời sống xã hội tiếp tục phát huy được hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, đã chỉ đạo triển khai xây dựng, nhân rộng 27 mô hình trong năm 2024. Các mô hình “Dân vận khéo" đã tập trung vào công tác cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần, trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết đơn, thư khiếu nại tố cáo của công dân; phát triển đảng viên mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; vận động thành lập các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp và xây dựng tổ chức đoàn, hội trong sạch, vững mạnh… Tiêu biểu như mô hình “Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ" của UBND cấp huyện và cấp xã đã làm thay đổi mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khối chính quyền, đổi mới tư duy lấy người dân, tổ chức làm trung tâm để phục vụ, được Nhân dân ghi nhận đánh giá cao, nhất là đối với mô hình ở cấp xã. Mô hình “Tuyên truyền đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp" của Sở Tư pháp, đã tiếp nhận 7.811 hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC, trong đó: 2.728 hồ sơ được nộp trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Hà Nam (đạt tỷ lệ 35%), 1.067 hồ sơ nộp qua dịch vụ bưu chính công ích, đã giải quyết 7.574 hồ sơ, trong đó 7.411 hồ sơ đúng hạn (đạt tỷ lệ 98%)…
Trên lĩnh vực phát triển kinh tế đã xây dựng, nhân rộng thực hiện 40 mô hình mới trong năm 2024. Các mô hình được tập trung thực hiện trong lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi gắn với các chương trình, đề án của UBND các cấp về phát triển kinh tế nông thôn. Nhiều đơn vị, địa phương với những cách làm “Dân vận khéo" sáng tạo, đã thu hút được đông đảo đoàn viên, hội viên, Nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia như: Xây dựng mô hình trình diễn với cây trồng có giá trị kinh tế cao để Nhân dân làm theo; mở hội nghị đầu bờ về kinh nghiệm sản xuất; hỗ trợ giống, vốn vay kết hợp hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật theo phương châm “cầm tay chỉ việc"; thành lập câu lạc bộ, các hợp tác xã, tổ hợp tác, các chi, tổ nghề trong sản xuất, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tín chấp vay vốn, kêu gọi hỗ trợ vốn đầu tư cho các dự án, mô hình khởi nghiệp… Nhiều mô hình có cách làm hay, sáng tạo, tiêu biểu như: Mô hình “Sản xuất lúa an toàn theo VietGAP, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm" của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; mô hình “Trồng ổi Đài Loan" của Hội Phụ nữ xã Thanh Hương (huyện Thanh Liêm); mô hình “Tổ hợp tác nuôi ong mật" của Hội Nông dân xã Liên Sơn (thị xã Kim Bảng) với 35 hộ tham gia, năm 2024 ước đạt 9,8 tấn mật thu lợi nhuận trên 1,9 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 80 lao động; mô hình “Tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao" của Hội Nông dân xã Đồng Du (huyện Bình Lục) với 07 thành viên tham gia, diện tích canh tác 5 ha, đã có 04 sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap và 03 sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao cấp tỉnh, đem lại việc làm, thu nhập cho nông dân bình quân từ 85-90 triệu đồng/người/năm; mô hình “Trồng hoa thiên lý có giá trị kinh tế cao" của Hội Phụ nữ xã Đức Lý (huyện Lý Nhân),…
Phong trào thi đua “Dân vận khéo" trong lĩnh vực văn hóa - xã hội được thực hiện gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước do MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phát động, nhằm hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và đô thị văn minh. Các ban, ngành, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục triển khai xây dựng, nhân rộng mới 172 mô hình. Các mô hình tập trung hướng vào xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn, đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp; xã hội hóa, nâng cao chất lượng giáo dục; chăm sóc sức khỏe Nhân dân; thực hành tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống; phòng, chống dịch bệnh, tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường; công tác đảm bảo an sinh xã hội, từ thiện, nhân đạo. Tinh thần “Dân vận khéo" được thể hiện khi đã chọn đúng những nhiệm vụ cấp ủy đang tập trung chỉ đạo và vấn đề Nhân dân quan tâm để thực hiện.
Các mô hình “Dân vận khéo" trong lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, phong trào thi đua “Dân vận khéo" được gắn liền với phong trào “Thi đua quyết thắng", phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc", phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc" của lực lượng Công an, Quân sự. Các mô hình “Dân vận khéo" được lực lượng vũ trang trong tỉnh, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung triển khai thực hiện với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng. Đặc biệt, một số mô hình “Dân vận khéo" trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, hiến đất làm đường giao thông nông thôn được chỉ đạo nhân rộng đã phát huy tốt hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao của người dân nơi thực hiện dự án, hạn chế đơn thư, khiếu kiện, nhất là là sử dụng biện pháp cưỡng chế.
Qua tổ chức thực hiện, các mô hình đã sự có phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì thực hiện với các tổ chức, đơn vị, địa phương liên quan và huy động được cả hệ thống chính trị ở cơ sở cùng phối hợp tham gia thực hiện. Đã có nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, được cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân đồng tình ủng hộ, ghi nhận, đánh giá cao.
Những kết quả đạt được trong phong trào thi đua “Dân vận khéo" năm 2024 có ý nghĩa quan trọng, đóng góp thiết thực vào việc phát huy dân chủ, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội trong thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh./.
Minh Phương