Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kế hoạch thực hiện Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 203...

Tin theo lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và thủy lợi  
Kế hoạch thực hiện Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Nam
Ngày 15/11/2021, UBND tỉnh Hà Nam ban hành Kế hoạch số 3145/KH-UBND về thực hiện Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Hà Nam (theo Quyết định 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Mục đích của kế hoạch nhằm phát huy tính chủ động, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành và các địa phương, triển khai đồng bộ các chương trình, nhiệm vụ của Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản phải gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới và ứng dụng khoa học công nghệ. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của các chủ thể sản xuất, kinh doanh hàng nông sản thuộc các thành phần kinh tế; đồng thời nhà nước có những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nuôi, trồng nông nghiệp và thủy sản; xây dựng mô hình các chuỗi liên kết sản xuất phân phối tiêu dùng nhằm tạo lập và phát triển thị trường trong nước bền vững.

Kế thừa những điểm mạnh của các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản hiện có, giảm lượng nông sản tiêu thụ thông qua kênh tiêu thụ truyền thống (không liên kết) và tăng lượng nông sản tiêu thụ qua kênh liên kết và kênh hợp nhất gắn với việc ứng dụng thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc nông sản. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương; tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ và kết hợp lồng ghép với các đề án, chương trình, kế hoạch đã được ban hành.

Mục tiêu chung của Kế hoạch là phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và  truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường.

Mục tiêu cụ thể là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đúng quy hoạch và yêu cầu thị trường, trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản, gắn với đó là tổ chức thương mại trong và ngoài tỉnh theo hướng hiện đại. Củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã thương mại và dịch vụ như là một trung gian cần thiết giữa người nuôi, trồng với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối và ngân hàng, để tổ chức cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho nông dân. Xây dựng cơ chế ràng buộc, gắn kết giữa các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản, có chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các chủ thể liên kết hữu cơ với nhau từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm nông sản.

 Kế hoạch đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu như: Đẩy mạnh công tác truyền thông về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án và các chính sách về phát triển nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản và tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện. Tăng cường quản lý quy trình sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm nông sản, đảm bảo nông sản được tiêu thụ trong chuỗi giá trị đáp ứng đủ tiêu chuẩn không chỉ trong nước mà theo tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu trong ngắn hạn và dài hạn. Chú trọng hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản từng bước mở rộng thị trường trong nước; hạn chế việc lệ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu không chính ngạch giảm rủi ro. Đặc biệt, đẩy mạnh quảng bá nông sản của tỉnh trên các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, sàn giao dịch thương mại khác, các trang mạng xã hội (facebook, zalo,...).

Tổ chức các hoạt động kết nối đưa nông sản của tỉnh vào các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ, các bếp ăn tập thể, nhà hàng, siêu thị, chợ, cửa hàng bán nông sản an toàn..; tổ chức các hội thảo, diễn đàn kết nối, tiêu thụ quảng bá các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh ứng dụng phần mềm “Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc xuất xứ đối với các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Nam" để bảo đảm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất gia đình và cá nhân trên địa bàn tỉnh Hà nam bảo vệ thương hiệu, uy tín; bảo vệ người tiêu dùng tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản. Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại…

 Xem chi tiết nội dung Kế hoạch số 3145/KH-UBND tại đây!​ Kế hoạch TH Đề án Đổi mới PTKTTT Nông Sản.pdf