Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắ...

Thông tin tuyên truyền, phổ biến Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch  
Kỷ niệm 45 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7-1-1979 / 7-1-2024) - trang sử vẻ vang của hai dân tộc - Bài 2: Việt Nam nhân ái
Một ngày của tháng 6-1977, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền Samdech Techo Hun Sen khi ấy là Trung đoàn trưởng đã cùng một số người Campuchia yêu nước băng rừng đào thoát sang Việt Nam để tìm kiếm sự giúp đỡ trước nguy cơ diệt vong của dân tộc mình. Và như lời ông kể, “Chúng tôi là những người may mắn vì gặp toàn người nhân ái”.

Bữa cơm giá trị

Theo Samdech Techo Hun Sen, ông và đồng đội đã chuẩn bị sẵn tinh thần sẽ bị phía Việt Nam bắt vì “một người nước này vượt qua biên giới nước kia trong khi đang xảy ra xung đột vũ trang do tập đoàn Pol Pot gây ra thì rất khó phân biệt”. “Thế nhưng, phía Việt Nam không làm gì chúng tôi cả...Việt Nam đã đối xử với người tị nạn và với chúng tôi vô cùng nhân đạo dù chưa biết chúng tôi là ai, bạn hay thù. Bạn hay thù còn chưa rõ nhưng phía Việt Nam đã đối xử với chúng tôi như vậy. Điều đó cũng đủ để hiểu rồi”, ông kể trong bộ phim tài liệu lịch sử “Marching towards national salvation” (Hành trình cứu nước) sản xuất năm 2017.

Ngay khi sang tới Việt Nam, Samdech Techo Hun Sen và đồng đội đã được lực lượng du kích và người dân địa phương đón tiếp, mời ăn cơm. Đó cũng là lần đầu tiên sau nhiều tháng, họ được ăn bữa cơm no bởi khẩu phần ăn hằng ngày ở Campuchia lúc bấy giờ chỉ toàn là cháo. “Chúng tôi hồi ấy không được ăn cơm đã hơn một năm rồi... Đối với tôi, một bữa cơm thời đó có giá trị bằng hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu tấn gạo của ngày hôm nay. Chính vì vậy nên tôi mới nói rằng: “Gian nan mới biết bạn hiền, hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”, Samdech Techo Hun Sen phát biểu tại lễ kỷ niệm 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pot”, tháng 6-2022.

<a title=" class="imgtelerik" src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2024/01/05/upload_2299/anhbai242194414am.jpg?dpi=150&quality=100&w=870" style="margin: 5px; padding: 0px; font-style: inherit; font-variant: inherit; font-weight: inherit; font-stretch: inherit; line-height: 2; vertical-align: baseline; background: 0px 0px; letter-spacing: 0px; list-style: none; display: block; max-width: 100%; overflow-wrap: break-word;">
Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia cùng Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào giải phóng thủ đô Phnom Penh, ngày 7-1-1979. Ảnh tư liệu 

Tuy Việt Nam lúc bấy giờ còn chưa kịp khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, song hiểu rõ tình thế khó khăn của cách mạng Campuchia, thực hiện tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp bạn là tự giúp mình”, đáp lại niềm tin, nguyện vọng của nhân dân và những người cách mạng chân chính của đất nước Campuchia anh em, Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam đã thể hiện tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, làm hết sức mình, hết lòng giúp đỡ, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cốt cán, xây dựng lực lượng cho cách mạng Campuchia. “Khi đó, Việt Nam mới giải phóng miền Nam, đất nước còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, vào những năm 1977, 1978 còn xảy ra thiên tai, nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ phải ăn ngô, khoai. Chúng tôi từ Campuchia sang cũng góp phần làm tình hình thêm trầm trọng. Cho nên, tôi ấn tượng nhất là cho dù đời sống khó khăn nhưng nhân dân Việt Nam vẫn chia sẻ với chúng tôi”, Đại tướng Sao Sokha của Quân đội Hoàng gia Campuchia, một thành viên của Đoàn 125-tiền thân của LLVT cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia do Samdech Techo Hun Sen làm chỉ huy trưởng, kể lại trong bộ phim “Marching towards national salvation”.

“Ngày sinh lần thứ hai” của nhân dân Campuchia

Với nỗ lực gây dựng lực lượng của các cán bộ cốt cán Campuchia và sự giúp đỡ hiệu quả của Việt Nam, ngày 12-5-1978, Đoàn 125 được thành lập. Tới ngày 2-12-1978, Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời, do Samdech Heng Samrin làm Chủ tịch, Samdech Techo Hun Sen làm Ủy viên. Đây là nòng cốt của lực lượng cách mạng và LLVT cách mạng, đánh dấu bước phát triển mới của cách mạng Campuchia.

Sau khi đập tan chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam của tập đoàn phản động Pol Pot, đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và xuất phát từ truyền thống đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai dân tộc, Việt Nam đã đưa quân tình nguyện sang kề vai sát cánh, không quản hy sinh, cùng với LLVT cách mạng và nhân dân Campuchia anh dũng chiến đấu, giải phóng Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, đưa đến chiến thắng ngày 7-1-1979. Tờ Khmer Times dẫn lời Samdech Techo Hun Sen khẳng định, ngày 7-1 là “ngày sinh lần thứ hai” của nhân dân Campuchia và việc Việt Nam đưa Quân tình nguyện sang cứu người dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot “đã được lịch sử khắc ghi”. “Chiến thắng ngày 7-1-1979 đã khép lại trang sử đen tối, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do, dân chủ và tiến bộ xã hội cho người dân Campuchia... Chiến thắng đó đã đi vào lịch sử như một dấu mốc về tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung giữa hai dân tộc Campuchia và Việt Nam, mở ra một trang mới trong mối quan hệ láng giềng hữu nghị giữa hai nước”, tờ Khmer Times nhấn mạnh.

(còn nữa)

HOÀNG VŨ

Theo Báo Điện tử Quân đội nhân dân

https://www.qdnd.vn/tu-lieu-ho-so/van-kien-tu-lieu/ky-niem-45-nam-ngay-chien-thang-chien-tranh-bao-ve-bien-gioi-tay-nam-cua-to-quoc-va-cung-quan-dan-campuchia-chien-thang-che-do-diet-chung-7-1-1979-7-1-2024-trang-su-ve-vang-cua-hai-dan-toc-bai-2-viet-nam-nhan-ai-759293