Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Những kết quả tích cực trong việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” tại Hà Nam

Tin theo lĩnh vực Giáo dục  
Những kết quả tích cực trong việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” tại Hà Nam
Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” được ban hành tại Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ xác định mục tiêu tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập, bảo đảm đến năm 2030 mọi người dân đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại với nhiều mô hình, phương thức và trình độ đào tạo, góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế.

Thực hiện đề án, thời gian qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Hà Nam đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND cấp huyện tích cực triển khai thực hiện và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao trình độ dân trí, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện

Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, thực hiện các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ GD&ĐT về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 tỉnh Hà Nam; ban hành Kế hoạch số 481/KH-UBND ngày 25/02/2022 triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Với trách nhiệm là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo, Sở GD&ĐT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, địa phương triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tích cực xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030. Đến nay, 6/6 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030; 109/109 xã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập. Các cơ quan, đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã tích cực phối hợp, triển khai thực hiện Đề án kết hợp với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp, lồng ghép với các nhiệm vụ chính trị được giao.

Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện đề án đã góp phần tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ, công chức và Nhân dân về chủ trương và nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, công tác khuyến học, khuyến tài. Công tác khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội học tập được các cấp ủy Đảng và chính quyền đưa vào nghị quyết, chương trình hành động để tổ chức thực hiện. Các mô hình học tập như công dân học tập, đơn vị học tập và cộng đồng học tập không ngừng được đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời.

Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập các cấp đóng vai trò chủ đạo trong việc tham mưu với UBND các cấp chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp hoạt động giữa các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan trong việc xây dựng xã hội học tập; lồng ghép, phối hợp việc thực hiện nội dung xây dựng xã hội học tập với thực hiện các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những kết quả quan trọng

Sau hơn 03 năm triển khai, công tác xây dựng xã hội học tập trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt được một số kết quả quan trọng. Mạng lưới cơ sở giáo dục được củng cố, phát triển về quy mô, số lượng, chất lượng, góp phần nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực có chất lượng và chất lượng cao cho phát triển xã hội. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ trên địa bàn toàn tỉnh tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt được. Tính đến tháng 11/2024, 100% huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 4 tuổi, 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục năm 2024 đã đạt mục tiêu của kế hoạch đến năm 2025.

Việc trang bị năng lực cơ bản, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề cho người lao động trên địa bàn tỉnh được quan tâm triển khai. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2025, dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt trên 50%. Trong đó, trên 12% dân số có trình độ đại học trở lên, Hà Nam đã triển khai nhiều chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Cán bộ, công chức, viên chức được tham gia các lớp bồi dưỡng để trang bị, cập nhật kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm xử lý các tình huống thực tế, nâng cao trình độ quản lý nhà nước… Lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ sản xuất; các chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động cũng được triển khai nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp, sáng tạo và ngoại ngữ… đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giáo dục và đào tạo tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư nâng cấp. 100% Trung tâm học tập cộng đồng có phòng làm việc kết hợp với nhà văn hóa. Các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giảng dạy và quản lý. Việc sử dụng các nền tảng trực tuyến như email, cổng thông tin điện tử, kho bài giảng e-Learning ngày càng trở nên phổ biến, đáp ứng tốt hơn như cầu tự học và học tập suốt đời của người dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập một số địa phương, đơn vị chưa được đổi mới nên hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp giữa các ngành, tổ chức chính trị - xã hội tại một số địa phương chưa được quan tâm. Hình thức tổ chức hoạt động học tập cho người dân tại các Trung tâm học tập cộng đồng chưa linh hoạt, chưa đa dạng và phù hợp với điều kiện sống và người học ở từng địa phương. Kinh phí đầu tư cho các Trung tâm học tập cộng đồng để triển khai các hoạt động học tập cộng đồng chưa đảm bảo...

Để thực hiện hiệu quả đề án giai đoạn 2025-2030, thời gian tới, ngành GD&ĐT Hà Nam tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về xây dựng xã hội học tập. Triển khai thực hiện các nội dung, chính sách về xây dựng xã hội học tập. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức các hoạt động học tập suốt đời. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng; rà soát, đánh giá việc thực hiện hệ thống chính sách hiện có; xem xét điều chỉnh, bổ sung kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ các Trung tâm học tập cộng đồng./.

Thu Thảo​