Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tăng cường đưa giáo dục STEM vào trường học

Tin theo lĩnh vực Giáo dục  
Tăng cường đưa giáo dục STEM vào trường học
Ở tỉnh ta, việc dạy học theo phương pháp STEM đã bắt đầu được triển khai thực hiện từ năm học 2018-2019. Theo đó, song song với các phương pháp giáo dục truyền thống, giáo dục hiện hành, việc thực hiện dạy và học theo phương pháp giáo dục STEM đã dần khẳng định tầm quan trọng khi mang tới cho giáo viên và học sinh nhiều trải nghiệm hiệu quả. Trong hầu hết hoạt động giáo dục được tổ chức, yếu tố thực hành và vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề của thực tiễn đã được phát huy tích cực.

Chủ động triển khai thí điểm giáo dục STEM trong các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, đến nay, đã có 19/116 trường đăng kí thực hiện. Tại đây, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch triển khai bài học có ứng dụng STEM tích hợp trong kế hoạch dạy học một số môn học, trải nghiệm STEM cuối năm học. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động phương án tổ chức thực hiện giáo dục STEM tiếp cận theo yêu cầu trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đáp ứng các yêu cầu tăng cường áp dụng giáo dục STEM trong cấp tiểu học đưa nội dung giáo dục STEM vào kế hoạch giáo dục của nhà trường và tổ chức sinh hoạt chuyên môn, xây dựng các chủ đề giáo dục STEM phù hợp, hiệu quả; tăng cường hoạt động trải nghiệm STEM theo nhu cầu của học sinh, cha mẹ học sinh.

Tăng cường đưa giáo dục STEM vào trường học
Các sản phẩm được học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành sáng tạo qua việc học theo định hướng, phương pháp giáo dục STEM.

Đồng thời, các đơn vị quản lý, các cơ sở giáo dục còn chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm bố trí nguồn kinh phí, trang bị cơ sở vật chất để bảo đảm thực hiện hiệu quả giáo dục STEM trong các cơ sở giáo dục tiểu học trên địa bàn phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định; thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, cha mẹ học sinh, học sinh về vai trò của giáo dục STEM. Với giáo viên, mặc dù việc dạy học theo STEM bước đầu gặp một số khó khăn, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện đã có sự hỗ trợ tích cực về chuyên môn từ Sở GD&ĐT, các phòng GD&ĐT, khuyến khích tăng cường khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn học liệu số và các nguồn tài liệu, học liệu khác theo quy định.

Tăng cường đưa giáo dục STEM vào trường học
Từ việc tăng cường giáo dục STEM đã phát huy được tính sáng tạo của học sinh - nhiều dự án nghiên cứu KHKT của học sinh được đánh giá cao về tính ứng dụng.

Trên cơ sở những định hướng và chỉ đạo của Sở GD&ĐT, việc triển khai thực hiện giáo dục STEM trong các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Phủ Lý đã được thực hiện nghiêm túc. Thời gian qua, Phòng GD&ĐT thành phố đã tổ chức hội thảo, sinh hoạt chuyên môn cấp thành phố; 27 buổi cấp trường và 24 buổi cấp tổ; 100% cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn về giáo dục STEM do Sở GD&ĐT tổ chức. Với tinh thần chủ động, ở các trường tiểu học thực hiện điểm giáo dục STEM đã xây dựng và tổ chức được 47 bài học dạy thí điểm giáo dục STEM và 102 tiết dạy thí điểm giáo dục STEM. Cô giáo Phạm Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho biết: Giáo dục STEM là phương pháp giáo dục tích hợp liên môn kết hợp ứng dụng thực tế, giúp học sinh có thể học tập, trau dồi kiến thức và góp phần tạo hứng thú, khơi gợi niềm say mê học tập cũng như khám phá tiềm năng của bản thân, khám phá khoa học, công nghệ, phát huy tính tích cực, sáng tạo và vận dụng vào giải quyết vấn đề của học sinh.

Tăng cường đưa giáo dục STEM vào trường học
Ngay trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, các tiết học có ứng dụng giáo dục STEM cũng được nhiều giáo viên nghiên cứu, thực hiện.

Đối với giáo dục trung học, các mục tiêu của giáo dục STEM được hướng tới đẩy mạnh triển khai giáo dục STEM với các hình thức: bài học STEM, trải nghiệm STEM, nghiên cứu khoa học kỹ thuật; tổ chức tốt và động viên học sinh  tích cực tham gia Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học các cấp. Hằng năm, cuộc thi cấp trường (đối với học sinh THPT) có khoảng trên 300 dự án tham gia; cuộc thi cấp huyện (đối với học sinh THCS) có hơn 100 dự án tham gia. Từ các cuộc thi cấp trường, cấp huyện, các dự án tiêu biểu sẽ được tham gia cuộc thi cấp tỉnh và tiếp tục lựa chọn dự án xuất sắc tham gia Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Số lượng bài học STEM được thực hiện tại các trường mỗi năm học tương đối dày dặn, phong phú với khoảng 554 bài học cấp THPT và 1.369 bài học cấp THCS; có hơn 70 trường đã tổ chức được ngày hội STEM dành cho giáo viên và học sinh tham gia.

Tăng cường đưa giáo dục STEM vào trường học
Học sinh các trường tiểu học trên địa bàn thành phố Phủ Lý được tiếp cận tích cực với giáo dục STEM.

Giáo dục STEM khi được ứng dụng trong quá trình giảng dạy cơ bản đều phải được tổ chức thông qua cách giảng dạy tích hợp, liên môn nên chỉ cần giáo viên có sự chủ động, sáng tạo trong giảng dạy, tổ chức được các hoạt động giáo dục có tính ứng dụng, thực hành cho học sinh tham gia. Theo thầy giáo Phạm Văn Kiêm, Trường THCS Mộc Nam (Duy Tiên), để giáo dục STEM thực sự phát huy được hiệu quả, ngoài yếu tố người dạy, cũng rất cần một yếu tố “đối ứng” là sự đam mê nghiên cứu, khám phá, sáng tạo khoa học của học sinh. Trong hầu hết hoạt động giáo dục được tổ chức, như học lý thuyết trên lớp, học thực hành, hoạt động sáng tạo ngoại khóa…, yếu tố thực hành và vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề của thực tiễn đã được phát huy tích cực. Theo đó, nhiều học sinh có cơ hội thể hiện ưu thế nổi bật về kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ, toán học, khả năng sáng tạo, tư duy logic. Đối với đội ngũ giáo viên, trong quá trình giảng dạy đã trở thành người thiết kế hoạt động phù hợp với học sinh, có khả năng tích hợp, lồng ghép các kiến thức có liên quan để học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý, mà còn có thể áp dụng, thực hành, tạo ra được những sản phẩm hữu ích. Việc học theo phương pháp STEM trên thực tế là một cách học tổng hòa nhiều dạng kiến thức trong một thể tích hợp, vừa giúp học sinh có thái độ học tập tích cực, vừa có thể tạo ra khá nhiều tác dụng tích cực tới việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Một điểm mạnh khi áp dụng STEM vào giảng dạy là giáo viên đã trao quyền chủ động tổ chức các tiết học cho học sinh, tiệm cận từng bước tới mục tiêu học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình. Tất cả những yếu tố giáo dục này hoàn toàn phù hợp với các yêu cầu đổi mới của Chương trình GDPT 2018 hiện nay. Được biết, những năm gần đây, việc triển khai thực hiện dạy học theo định hướng giáo dục STEM trong nhà trường được ngành Giáo dục các địa phương coi là nhiệm vụ quan trọng trong việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục. Theo đó, Phòng GD&ĐT các huyện, thành phố, thị xã đã chỉ đạo các trường học, cấp học tăng cường triển khai thực hiện giáo dục STEM để hướng tới mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Theo đánh giá từ thực tế, giáo dục STEM hiện được các nhà trường đón nhận và triển khai nền nếp, hiệu quả. Việc dạy học chủ đề theo định hướng giáo dục STEM ở cấp THCS chủ yếu đối với các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ; 100% trường triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học và thành lập câu lạc bộ STEM. Quá trình triển khai đưa giáo dục STEM vào thực tế dạy và học cho thấy, các nhà trường đã có sự linh hoạt, chủ động tổ chức nhiều hoạt động giáo dục STEM có tính đa dạng, phù hợp với điều kiện nhà trường và đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của học sinh, góp phần hình thành và phát triển các năng lực, phẩm chất cần thiết cho học sinh.

Do có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục STEM trong việc phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh, đội ngũ giáo viên của các nhà trường, cấp học đã coi đây là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng thực tiễn. Trên cơ sở nội dung các bài học của từng môn học, các tổ chuyên môn đã xây dựng được các chủ đề dạy học STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề; khuyến khích học sinh được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra.

 Thanh Hà

Theo baohanam.com.vn

https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/tang-cuong-dua-giao-duc-stem-vao-truong-hoc-108550.html​