Thời gian gần đây, nhiều tổ chức quốc tế đã những báo cáo thiếu khách quan về tình hình nhân quyền và công tác bảo vệ quyền con người ở Việt Nam. Điển hình là ngày 29/5 vừa qua, Liên minh Châu Âu (EU) đã công bố Báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2023. Trong bản báo cáo này, EU đã đưa ra một số nhận định, đánh giá không đúng về việc bảo đảm thực thi quyền con người ở Việt Nam. Liên minh Châu Âu cho rằng, không gian xã hội dân sự ở Việt Nam ngày càng bị thu hẹp. Đồng thời, kêu gọi Việt Nam trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vì thực hiện quyền tự do ngôn luận.
Nội dung Báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2023 do Liên minh Châu Âu công bố đã đưa ra những nhận định thiếu khách quan và thiếu thiện chí đối với Việt Nam khi cho rằng: Các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm tôn giáo tiếp tục là nạn nhân của sự sách nhiễu của chính quyền. Báo cáo còn bày tỏ quan ngại về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, sự siết chặt không gian và môi trường làm việc đối với các tổ chức xã hội dân sự.
|
Quyền con người ở Việt Nam luôn được tôn trọng và bảo vệ. (Ảnh: TL). |
Trước đó, Báo cáo nhân quyền năm 2023 do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố vào cuối tháng 4/2024 cũng đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu khách quan về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Theo đó, Báo cáo này nhận định là “chính quyền Việt Nam vẫn không có tiến bộ về nhân quyền”; “Việt Nam vi phạm nhân quyền”;… Báo cáo này đề cập đến một số cá nhân mà họ gọi là “tù nhân chính trị”, “nhà hoạt động chính trị”,... Điển hình như Ngụy Thị Khanh, Lê Anh Hùng, Bùi Tuấn Lâm,… Song thực tế, đây lại là những đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật, đã bị bắt giữ, điều tra, xét xử và tuyên án phạt với những bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội.
Đặc biệt, Báo cáo nhân quyền năm 2023 còn thể hiện rõ cách nhìn phiến diện, một chiều khi cho rằng “Việt Nam hạn chế nghiêm trọng tự do internet”. Nhưng thực tiễn nhiều năm trở lại đây, internet ở Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tính đến đầu năm năm 2024, Việt Nam ghi nhận có khoảng 78,44 triệu người dùng internet; số lượng người dùng mạng xã hội là khoảng 72,70 triệu người, chiếm 73,3% dân số. Đặc biệt, số lượng kết nối di động tại Việt Nam đạt tới 168.5 triệu, tương đương 169.8% dân số. Nhờ đó, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới, đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Như vậy, internet ở Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Hoàn toàn không có việc “Việt Nam hạn chế nghiêm trọng tự do internet” như các nhìn nhận trong Báo cáo nói trên.
|
Người dân Việt Nam luôn được tạp điều kiện để tiếp cận internet. (Ảnh: Hoàng Chung). |
Ở góc độ tiếp cận khác, các chuyên gia cho rằng, nhân quyền là vấn đề mang tính phổ quát của toàn cầu. Tuy nhiên, với mỗi quốc gia, dân tộc, tùy theo đặc điểm văn hoá, lịch sử đều có những tiêu chuẩn, quy định riêng. Đối với Việt Nam, thực tế thời gian qua cho thấy, Việt Nam luôn tôn trọng, bảo vệ nhân quyền, quyền con người và có những hành động cụ thể thực thi quyền con người theo những công ước mà Việt Nam đã ký kết. Tiêu biểu là việc Bộ luật Hình sự năm 2015 tiếp tục bỏ án tử hình ở 8 tội danh; không áp dụng hình phạt tử hình với người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội. Tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế. So với nhiều nước, Việt Nam không thua kém về số lượng các công ước đã ký kết. Ngay cả nước Mỹ hiện nay vẫn là nước duy nhất trên thế giới chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về trẻ em năm 1989. Quốc gia này cũng chưa phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966.
Xin dẫn lời của Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no, và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, phát huy tối đa yếu tố con người” [1]. Đến nay, sau gần 40 năm đổi mới, Đảng, Nhà nước ta đã luôn luôn nhất quán chính sách “tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền, quyền và nghĩa vụ của công dân” [2]. Mọi quyết sách đều xuất phát từ con người; mọi thành quả phát triển đều hướng vào bảo đảm tốt nhất quyền con người. Chỉ tính từ năm 2019 đến nay, GDP bình quân ở Việt Nam đã tăng 25%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,5%/năm. Mạng lưới y tế dự phòng được tổ chức rộng khắp trên toàn quốc, gắn chặt với y tế cơ sở, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đã tăng từ hơn 81% năm 2016 lên mức 93,35% vào năm 2023; 85% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng… Và có lẽ, nhân quyền của con người ở Việt Nam được bảo đảm rõ nét nhất chính là trong quá trình chống đại dịch COVID-19. Khi mà Đảng, Chính phủ đã áp dụng mọi biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch.
Những nội dung ở trên đã cho thấy phần nào các thành tựu quan trọng trong bảo vệ, thực thi quyền con người ở Việt Nam. Những thành tựu đó đã được nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao. Minh chứng rõ nhất là Việt Nam lần thứ hai trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 (lần đầu là nhiệm kỳ 2014 - 2016). Điều này thể hiện sự tín nhiệm, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong bảo vệ và thực thi quyền con người.
Thành tựu bảo vệ, thực thi quyền con người ở Việt Nam là không thể phủ nhận. Thiết nghĩ, những nhận định phiến diện, thiếu khách quan, không chính xác về vấn đề quyền con người ở Việt Nam cần bị đấu tranh, lên án mạnh mẽ, qua đó đưa đến sự nhìn nhận khách quan, toàn diện, chính xác về những thành tựu trong bảo vệ và thực thi quyền con người ở Việt Nam hiện nay./.
Tài liệu tham khảo:
[1] Thủ tướng: Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc – https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-nhan-quyen-lon-nhat-o-viet-nam-la-lo-cho-100-trieu-dan-am-no-va-hanh-phuc-909797.vov.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, NXB. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, tr.71