Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường tại kỳ họp thứ mười sáu - kỳ họp cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa XIX (Trình tại kỳ họp thứ mười sáu, HĐND tỉnh khóa XIX)

Tin theo lĩnh vực Tài nguyên và môi trường  
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri về lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường tại kỳ họp thứ mười sáu - kỳ họp cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa XIX (Trình tại kỳ họp thứ mười sáu, HĐND tỉnh khóa XIX)
Cổng Thông tin điện tử tỉnh đăng tải toàn văn báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ mười sáu - kỳ họp cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa XIX.

1. Cử tri ý kiến
Cử tri phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý đề nghị tỉnh điều chỉnh giá đất áp dụng để tính thu thuế đất phi nông nghiệp cho phù hợp. Vì hiện nay, giá đất ngõ 145 đường Trường Chinh là: 21 triệu đồng/1m2, mà giá đất mặt tiền đường Quy Lưu là: 20 triệu đồng/1m2 là không phù hợp.


thongtn.png

​Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Chí Thống trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri
Trả lời

Sau khi UBND tỉnh ban hành quyết định số 1054/QĐ-UBND ngày 14/9/2023 về phê duyệt dự án điều chỉnh bảng giá đất tỉnh giai đoạn 2020-2024. Nội dung bất cập này sở đã có văn bản gửi UBND thành phố Phủ Lý để sửa đổi khắc phục bất cập này.
2. Cử tri ý kiến
Cử tri phường Hòa Mạc, thị xã Duy Tiên tiếp tục đề nghị các cấp quan tâm xử lý ô nhiễm nước sông Nhuệ, sông Châu Giang.

Trả lời

 Hàng năm, tỉnh Hà Nam tiếp nhận 10-15 đợt ô nhiễm nước sông Nhuệ (nồng độ chất ô nhiễm trên các sông trong các đợt ô nhiễm vượt nhiều lần giới hạn cho phép so với QCVN 08-MT:2015/BTNMT, QCVN 08:2023/BTNMT: Quy chuẩn quốc gia về chất lượng nước mặt) làm ảnh hưởng lớn nguồn cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe gây bức xúc trong nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu là do nước thải của thành phố Hà Nội đổ về (đây là nguyên nhân khách quan).
 Trong những năm qua, UBND tỉnh đã nhiều lần kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thành phố Hà Nội thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước sông Nhuệ Đáy (Ngày 16/9/2023, UBND tỉnh đã có Báo cáo số 2409/UBND-NN&TNMT về việc đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo số 278/BC-STN&MT ngày 23/10/2023 đề xuất tham mưu các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm với UBND tỉnh), như sau:
Giải pháp trước mắt:
 Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Sông Nhuệ điều chỉnh lại quy trình vận hành các đập Đồng Quan, Nhật Tựu (Đóng đập Đồng Quan, Nhật Tựu tất cả các ngày trong năm, chỉ mở đập khi nước sông Nhuệ trên báo động I và có thông báo lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai).
Bơm tiêu thoát nước của thành phố Hà Nội qua trạm bơm tiêu Yên Sở.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải không đạt tiêu chuẩn cho phép theo quy định ra sông Nhuệ - Đáy.
 Giải pháp lâu dài:
 Đề nghị Chính phủ chỉ đạo: Thành phố Hà Nội khẩn trương thực hiện các giải pháp, công trình thu gom triệt để và xử lý nước thải sinh hoạt, công nghiệp đạt cột A, QCVN 14:2008/BTNMT và QCVN 40:2011/BTNMT trước khi xả vào sông Nhuệ. Thực hiện đóng toàn bộ các cửa xả nước thải chưa qua xử lý vào sông Nhuệ. Vận hành thường xuyên trạm xử lý Yên Sở công suất 200.000 m3/ngày đêm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm với tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 thực hiện từ năm 2021-2025 để lấy nước từ sông Hồng với lưu lượng 70m3/s để cải tạo sông Nhuệ và phòng chống ngập úng.
 Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm thành lập Ủy ban bảo vệ môi trường các lưu vực sông trực thuộc Bộ để triển khai các giải pháp quyết liệt, đồng bộ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước trên các lưu vực sông. Phối hợp với thành phố Hà Nội và các bộ, ngành có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách đền bù thiệt hại cho các tỉnh chịu tác động, ảnh hưởng của nước thải ô nhiễm từ sông Nhuệ.
 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cải tạo, nạo vét toàn bộ tuyến sông Nhuệ để tạo nguồn nước cấp từ sông Hồng giảm thiểu ô nhiễm và phục vụ sản xuất nông nghiệp.
 Hỗ trợ kinh phí để Hà Nam thực hiện dự án khảo sát, đánh giá, xử lý ô nhiễm sông Nhuệ theo Thông báo số 33/TB-VPCP ngày 30/1/2020 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
 Đề nghị Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường – Quốc hội:
Thành lập Tổ giám sát thực hiện giám sát việc triển khai thực hiện các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường nước sông trên toàn quốc, trong đó có lưu vực sông Nhuệ Đáy.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Đoàn công tác của Cục Kiểm soát ô nhiễm - Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ ô nhiễm nước trên sông Nhuệ để đề xuất các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
3. Cử tri ý kiến
Cử tri xã Mộc Nam, phường Duy Minh, phường Hoà Mạc, phường Tiên Nội, thị xã Duy Tiên đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ khi thu hồi đất đa canh đã hết thời hạn thuê đất để giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án.

Trả lời

Việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo các quy định cụ thể của tỉnh:
 Bồi thường về đất: thực hiện theo Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 12/9/2014 quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Quyết định số 29/2023/QĐ-UBND ngày 22/6/2023 về sửa đổi một số điều của quy định kèm theo Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND;
 Đối với bồi thường về cây trồng, vật nuôi: thực hiện theo Quyết định số 52/2022/QĐ-UBND ngày 16/11/2022.
 Đối với bồi thường tài sản, công trình, vật kiến trúc: hàng năm UBND tỉnh ban hành quyết định, cụ thể đối với năm 2023 thực hiện theo Quyết định số 60/2022/QĐ-UBND ngày 22/12/2022.
Đề nghị UBND thị xã Duy Tiên chỉ đạo tuyên truyền để người có đất hiểu và chấp hành.
4. Cử tri ý kiến
Cử tri xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng phản ánh: Thực hiện các dự án trên địa bàn, khi thu hồi giải phóng mặt bằng có liên quan đến một số tài sản hình thành từ nguồn đóng góp của Nhân dân theo quy chế dân chủ nhưng hiện nay chưa có cơ chế bồi thường, hỗ trợ; đề nghị tỉnh có chính sách bồi thường hoặc hỗ trợ một phần cho người dân để cải tạo các công trình phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.

Trả lời

Bồi thường về đất:
Nguyên tắc bồi thường về đất thực hiện theo điều 74 Luật Đất đai; điều kiện được bồi thường về đất thực hiện theo quy định tại điều 75 Luật Đất đai.
 Bồi thường về thiệt hại về tài sản:
 Nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản được thực hiện theo quy định tại điều 88 Luật Đất đai: chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường.
 Việc bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng trên đất trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo quy định tại điều 89 Luật Đất đai.
 Việc bồi thường cây trồng, vật nuôi: thực hiện theo quy định tạo điều 90 Luật Đất đai.
Trên cơ sở quy định của Luật Đất đai, UBND tỉnh đã ban hành các quy định cụ thể để thực hiện trên địa bàn tỉnh, đó là: Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 12/9/2014 quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Quyết định số 29/2023/QĐ-UBND ngày 22/6/2023 về sửa đổi một số điều của quy định kèm theo Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND. Đối với bồi thường về cây trồng, vật nuôi, thực hiện theo Quyết định số 52/2022/QĐ-UBND ngày 16/11/2022.  Đối với bồi thường tài sản, công trình, vật kiến trúc, hàng năm UBND tỉnh ban hành quyết định, cụ thể đối với năm 2023 thực hiện theo Quyết định số 60/2022/QĐ-UBND ngày 22/12/2022.
Đề nghị UBND huyện Kim Bảng chỉ đạo tuyên truyền để người có đất hiểu và chấp hành.
5. Cử tri ý kiến
Cử tri thị trấn Quế, huyện Kim Bảng có ý kiến: Trên địa bàn huyện đang thực hiện thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội, trong đó có thu hồi đất ở của các hộ gia đình, cá nhân. Việc bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ được thực hiện theo Quyết định số 29 năm 2023 của UBND tỉnh Hà Nam, tuy nhiên vẫn còn tồn tại hạn chế:
 Tại điểm b, khoản 1 Điều 1 Quyết định số 29 quy định: “… Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo Quy định tại Điều 13 Quyết định 38 này mà hộ gia đình, cá nhân còn đất ở, nhà ở khác trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở bị thu hồi thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của UBND tỉnh phê duyệt tại thời điểm thu hồi đất. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng giao đất ở…". Trong khi hộ có 01 thửa đất thu hồi một phần vẫn còn đủ để ở thì không được bồi thường bằng đất do vậy xảy ra việc mất công bằng. Đề nghị tỉnh xem xét sửa đổi quy định.
 Đối với một số hộ ảnh hưởng dự án do bị thu hồi một phần, phần còn lại đủ điều kiện để ở, trong khi đó phần còn lại lại nằm trong dự án khác đã có chủ trương, như vậy sẽ thiệt thòi cho các hộ khi xét tái định cư. Đề nghị tỉnh xem xét cho phép việc xét giao tái định cư một lần cho toàn bộ diện tích đất ở của hộ vào dự án xây dựng tuyến đường bộ song hành Quốc lộ 21A, để người dân đỡ thiệt thòi khi thu hồi đất.

Trả lời

Việc bồi thường khi nhà nước thu hồi đất ở được quy định cụ thể tại điều 79 Luật Đất đai và điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014.
 Căn cứ theo quy định đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND ngày 12/9/2014 và Quyết định số 29/2023/QĐ-UBND ngày 22/6/2023 (sửa đổi Quyết định số 38/2014/QĐ-UBND). Tại Quyết định số 29/2023/QĐ-UBND đã tạo điều kiện về việc giao đất tái định cư khi thu hồi đất ở (không hạn chế như trước chỉ giao 01 suất tái định cư), tuy nhiên điều kiện được giao phải tuân thủ theo quy định tại điều 79 Luật Đất đai và điều 6 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP.
 Việc thu hồi đất thuộc thẩm quyền cấp huyện. Đề nghị UBND huyện Kim Bảng căn cứ vào điều kiện thu hồi đất, chủ trương đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định để thực hiện việc thu hồi đất theo đúng quy định của pháp luật để tuyên truyền giải thích cho người có đất được rõ và chấp hành.
6. Cử tri ý kiến
Cử tri xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng có ý kiến: Hiện nay việc phân loại xử lý rác thải tại nguồn đã được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhưng lượng rác thải sinh hoạt vẫn còn tăng nhiều so với định mức phát thải do vậy lượng rác tồn đọng tại các bể trung chuyển còn nhiều. Đề nghị tỉnh nâng định mức phát thải rác để đảm bảo 100% lượng rác sau phân loại được chuyển về nhà máy xử lý không để rác tồn đọng gây ô nhiễm môi trường mất mỹ quan, ảnh hưởng đời sống Nhân dân.

Trả lời

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị tư vấn đã thực hiện xong nội dung công việc điều tra, xác định mức phát thải rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như sau:

Đơn vị hành chínhMức phát thải đang áp dụng (Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 02/01/2020)Mức phát thải đề nghị ban hành
Phường thuộc thành phố: 0,620,68
Xã thuộc thành phố: 0,40,61
Thị trấn thuộc huyện, phường thuộc thị xã: 0,490,5
Các xã còn lại: 0,240,37

 
Ngày 06/9/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND tỉnh xem xét, ban hành mức phát thải rác sinh hoạt trên địa bàn tỉnh tại Tờ trình số 353/TTr-STN&MT. Hiện đang chờ UBND tỉnh xem xét, ban hành.
7. Cử tri ý kiến
Cử tri huyện Lý Nhân có kiến nghị: Để quản lý, sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích đảm bảo theo đúng quy định, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho các địa phương, đề nghị tỉnh có hướng dẫn và giải pháp cụ thể giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích trên địa bàn.

Trả lời

 Luật Đất đai năm 2013 (điều 132) đã quy định rõ về đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích (tỷ lệ tối đa đất công ích được để tại mỗi xã (không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản tại địa phương; quy định việc sử dụng đất công ích vào các mục đích sau (Xây dựng các công trình công cộng của xã, phường, thị trấn bao gồm công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí công cộng, y tế, giáo dục, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và các công trình công cộng khác theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Bồi thường cho người có đất được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng; Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương); quy định diện tích đất nông nghiệp mà các địa phương đã để lại quá 5% thì diện tích đó được sử dụng vào các mục đích (xây dựng hoặc bồi thường khi sử dụng đất khác để xây dựng các công trình công cộng của địa phương; giao cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại địa phương chưa được giao đất hoặc thiếu đất sản xuất); quy định nguồn đất để hình thành và bổ sung cho đất công ích (Đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi); quy định việc cho thuê đất công ích thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất; quy định thẩm quyền cho thuê đất công ích là UBND cấp xã; thời gian cho thuê đất công ích là không quá 05 năm.
 Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành 02 văn bản (Số 1761/STNMT-GĐ ĐGĐ ngày 30/9/2021; số 1766/STN&MT-GĐ ngày 20/7/2023) hướng dẫn các địa phương trong tổng hợp, xác định vị trí quỹ đất công ích; quỹ đất nông nghiệp do UBND cấp xã quản lý; hướng dẫn cụ thể việc cho thuê đất công ích chỉ được sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp trên cơ sở hiện trạng đất công ích.
Về trình tự đấu giá quyền sử dụng đất (trong đó đấu giá thuê đất công ích): UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 52/2019/QĐ-UBND ngày 31/12/2019 quy định việc đấu giá quyền sử dụng đất khi nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn tỉnh.
 Về thẩm quyền, trách nhiệm xác định giá đất để đấu giá quyền sử dụng đất (trong đó có xác định giá khởi điểm để đấu giá thuê đất công ích): UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 699/QĐ-UBND ngày 27/6/2023 về ủy quyền cho cấp huyện thành lập Hội đồng xác định giá đất cụ thể và phê duyệt giá đất cụ thể khi bồi thường, giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân).
Như vậy về các văn bản pháp lý để thực hiện cho thuê đất công ích đã đầy đủ, rõ ràng.
Đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã, các phòng, ban chuyên môn triển khai thực hiện theo quy định.
8. Cử tri ý kiến
Cử tri xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân kiến nghị: Trong công tác thu hồi đất nông nghiệp thuộc dự án đường nối hai Đền Trần trên địa bàn hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, hiện có một số hộ tự ý chuyển đổi, mua bán bằng hình thức tự thỏa thuận (có giấy viết tay) nên chưa thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước, vì vậy ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Trong thời gian tới trên địa bàn còn có nhiều dự án khác tiếp tục phải tuyên truyền vận động giải phóng mặt bằng. Đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tạo điều kiện, hướng dẫn cho các hộ tự mua bán, tự chuyển đổi được hoàn thiện các hồ sơ hợp pháp để sau nếu có phải thu hồi thì công tác tuyên truyền giải phóng mặt bằng được thuận lợi và đạt kết quả cao.

Trả lời

Điều kiện được bồi thường về đất được thực hiện theo quy định tại điều 75 Luật Đất đai. Một trong các điều kiện đó là phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được quy định cụ thể tại Bộ thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai, được niêm yết công khai trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, huyện và niêm yết tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa của cấp tỉnh, cấp huyện. Đề nghị UBND huyện Lý Nhân chỉ đạo UBND cấp xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tuyên truyền vận động, để người dân thực hiện theo quy định.
9. Cử tri ý kiến
Cử tri xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân kiến nghị: Khi thực hiện việc đo đạc, dồn đổi ruộng đất năm 2013 trên địa bàn xã, các hộ dân đã được cân đối diện tích trừ từ trong vườn ra ngoài đồng. Do vậy, một số hộ dân có diện tích đất trong khu dân cư tăng lên so với diện tích trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ đã được cân đối và trừ ở ngoài đồng. Tuy nhiên, khi nhân dân nộp hồ sơ để trích đo, cấp đổi thường xuyên thì diện tích đất tăng này lại không được công nhận mà lại cắt về đất ủy ban giao cho UBND xã quản lý. Đề nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền xem xét cấp cả phần diện tích tăng thêm này do đã cân đối trừ ở ngoài đồng để đảm bảo quyền và lợi ích của nhân dân.

Trả lời

Hộ gia đình, cá nhân đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ đã được cấp trước đây và cả phần diện tích tăng đã được cân đối và trừ ở ngoài đồng được thể hiện trong phương án dồn đổi ruộng đất đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết toán cần chuẩn bị:
 Đơn đề nghị cấp đổi sổ đỏ theo Mẫu số 10/ĐK đối với cấp đổi Giấy chứng nhận cũ; Mẫu số 4đ/ĐK đối với phần diện tích đã được cân đối và trừ ở ngoài đồng của từng hộ gia đình, cá nhân.
 Bản gốc sổ đỏ đã cấp hoặc bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất đối với trường hợp đất đang thế chấp tại tổ chức tín dụng.
 Văn bản thỏa thuận về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
 Phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất đã được UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phê duyệt.
 Biên bản giao nhận ruộng đất theo phương án dồn điền đổi thửa (nếu có).
Tuy nhiên trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính có một số hộ dân khi đề nghị cấp đổi lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khu vực dân cư đã cấp trước đây không đề nghị cấp cả phần diện tích tăng thêm do đã được cân đối tiêu chuẩn ngoài đồng vào khu dân cư cũng như cung cấp đầy đủ thành phần hồ sơ theo quy định để được hướng dẫn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có cả phần diện tích tăng như trên. Trong trường hợp người dân có nhu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà đề nghị cấp cả phần diện tích tăng do đã được cân đối và trừ ở ngoài đồng được thể hiện trong phương án dồn đổi ruộng đất đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, quyết toán thì liên hệ với UBND xã nơi có đất để được cung cấp hồ sơ có liên quan đến việc dồn đổi ruộng đất hoặc liên hệ trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Lý Nhân để được hướng dẫn.
10. Cử tri ý kiến
Cử tri xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân có kiến nghị: Hiện nay trên địa bàn huyện Lý Nhân, khi đo đạc tách thửa có diện tích đất ở thì diện tích đất ở phải quy về cùng một khối nhất định, mặc dù hồ sơ địa chính các thời kỳ trước đều không xác định vị trí cụ thể diện tích đất ở trong một thửa đất, điều này gây rất nhiều khó khăn cho các hộ gia đình có nguyện vọng tách đất ở cho các con khi lập gia đình riêng. Vậy cử tri đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xem xét tạo điều kiện để nhân dân được tách đất thổ cho con.

Trả lời

Trên địa bàn huyện Lý Nhân nói chung và xã Hòa Hậu nói riêng thì hầu hết trên hệ thống hồ sơ địa chính trước đây đều không thể hiện rõ vị trí đất ở. Tuy nhiên khi đo đạc cấp đổi đồng loạt theo Quyết định số 1446/QĐ-UBND ngày 23/11/2011 của UBND tỉnh Hà Nam “về phê duyệt tiểu dự án đo đạc địa chính, đăng ký quyền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, xây dựng hệ thống số đăng ký đất đai một huyện hoàn chỉnh, hiện đại" thì vị trí công trình chính (nhà ở) được đo đạc, định vị trên hệ thống hồ sơ địa chính. Điều 143 Luật Đất đai quy định: “Đất ở do hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng tại nông thôn gồm đất để xây dựng nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt". Như vậy phần diện tích đất ở là phần xây dựng nhà ở và các công trình phụ trợ phục vụ đời sống, khi đo đạc tách thửa phục vụ chuyển quyền sử dụng đất thì xác định vị trí đất ở theo hiện trạng đã có nhà ở và công trình phụ trợ (nhà bếp, sân, bể nước…) là phù hợp với quy định trên.
11. Cử tri ý kiến
Cử tri xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân đề nghị tỉnh xem xét tạo điều kiện cho các hộ dân khi phải thực hiện giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án mà có nhu cầu đổi đất của mình về các vị trí đất UBND xã quản lý nhỏ lẻ, xen kẹp trong khu dân cư phù hợp với quy hoạch của địa phương để canh tác thì được thực hiện đổi đất.

Trả lời

Theo quy định tại điều 74 Luật Đất đai (Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất) thì đề nghị của cử tri xã Hòa Hậu là phù hợp với quy định của Luật Đất đai.
Đề nghị UBND huyện Lý Nhân chỉ đạo UBND xã Hòa Hậu rà soát quỹ đất nhỏ hẹp do UBND xã quản lý, nếu còn quỹ đất mà phù hợp với quy hoạch thì khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, nếu người có đất đề nghị được bồi thường bằng đất nông nghiệp thì sẽ thực hiện việc giao đất cho các hộ theo quy định./.


Tin liên quan