Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri về lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại kỳ họp thứ mười sáu - kỳ họp...

Tin theo lĩnh vực Nông, lâm nghiệp và thủy lợi  
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri về lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại kỳ họp thứ mười sáu - kỳ họp cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa XIX
Cổng Thông tin điện tử tỉnh đăng tải toàn văn báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp thứ mười sáu - kỳ họp cuối năm 2023, HĐND tỉnh khóa XIX.

1. Cử tri ý kiến

Cử tri xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân; xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý đề nghị tỉnh chỉ đạo có kế hoạch hỗ trợ kinh phí cho các mô hình mạ khay, máy cấy sản xuất trong năm 2023 sớm để động viên nông dân sản xuất các vụ tiếp theo.

thuyennn.png 

​Ông Lê Hoàng Thuyên - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri

Trả lời

Thực hiện Quyết định số 1340/QĐ-UBND ngày 06/7/2020 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2023"; Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND ngày 20/4/2022 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định chính sách hỗ trợ sản xuất NN&PTNT trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2597/KH-UBND ngày 27/9/2022 về việc hỗ trợ mở rộng diện tích cấy máy giai đoạn 2023-2025. Nội dung hỗ trợ: hỗ trợ một lần 30% chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và điều kiện được hỗ trợ là đảm bảo tối thiểu 5 ha, gọn vùng, tập trung.

Năm 2023, thực hiện Quyết định số 696/QĐ-UBND ngày 26/6/2023 của UBND tỉnh Hà Nam về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2023, Sở NN&PTNT đã giao Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện 6 mô hình cấy máy (25 ha/mô hình) vụ Xuân 2023 ở xã An Ninh, Đồng Du huyện Bình Lục; xã Nhân Mỹ, Đạo Lý huyện Lý Nhân; xã Đinh Xá thành phố Phủ Lý; xã Tiên Sơn thị xã Duy Tiên.

Với mục đích để đảm bảo tính thời vụ, Trung tâm Khuyến nông trực thuộc Sở NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch số 05/KH-KN ngày 07/4/2023 về việc tổ chức nghiệm thu hỗ trợ mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy, máy gieo hạt, máy cấy vụ Xuân 2023. Tuy nhiên, qua quá trình phối hợp với các địa phương, nội dung Kế hoạch số 05/KH-KN ngày 07/4/2023 chưa đủ điều kiện để hỗ trợ, nên ngày 20/4/2023 Trung tâm Khuyến nông đã ban hành Công văn số 10/KN-HCTH về việc đề nghị tạm dừng tổ chức nghiệm thu hỗ trợ mở rộng diện tích cấy lúa bằng máy, máy gieo hạt, máy cấy vụ Xuân 2023.

Ngày 13/10/2023, Sở Sở NN&PTNT đã ban hành Tờ trình số 115/TTr-SNN về việc đề nghị cấp kinh phí mô hình cấy máy thuộc Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy giai đoạn 2020-2023" cho năm 2023. Ngày 18/10/2023, Sở Tài chính đã ban hành Công văn số 2126/STC-QLNS về kinh phí hỗ trợ mô hình cấy máy thuộc Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy giai đoạn 2020-2023" năm 2023. Sau khi Sở Tài chính ban hành văn bản trên, đến nay có UBND huyện Bình Lục và UBND thị xã Duy Tiên đã chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát và còn dư nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ từ nguồn thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, đang làm thủ tục để hỗ trợ cho các xã thực hiện mô hình cấy máy vụ Xuân 2023 theo quy định.

Đối với huyện Lý Nhân và thành phố Phủ Lý (mô hình thực hiện ở xã Đinh Xá), đề nghị UBND huyện Lý Nhân, UBND thành phố Phủ Lý chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ từ nguồn thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Trong trường hợp nguồn kinh phí đã sử dụng hết theo kế hoạch dự toán đã giao năm 2023, không còn để hỗ trợ mô hình cấy máy vụ Xuân 2023 thuộc Đề án “Phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2023", đề nghị các địa phương có văn bản gửi Sở NN&PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Sở Tài chính hỗ trợ kinh phí cho các hộ tham gia Đề án đảm bảo theo đúng quy định.

Trong thời gian tới đề nghị UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ mở rộng diện tích cấy máy năm 2024; đồng thời đề nghị các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hưởng ứng tham gia.

2. Cử tri ý kiến

Cử tri huyện Lý Nhân có ý kiến: Về hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất: Cử tri và Nhân dân trong huyện tham gia đóng góp vào Quyết định số 52/2022/QĐ-UBND ngày 16/11/2022 của UBND tỉnh Hà Nam như sau:

Mục I (Cây trồng hàng năm):

 Khoản 7 (Cây gia vị dược liệu, hương liệu hàng năm). Hiện tại đã có đơn giá của cây ớt cay là: 48.000đ/m2. Đề nghị phân loại đơn giá cho cây ớt mới trồng vì đơn giá nêu trên với cây mới trồng là cao và không hợp lý khi bồi thường.

Khoản 5 (Cây có hạt chứa dầu) và khoản 6 (Cây rau, đậu, hoa). Đề nghị xem xét tăng giá bồi bồi thường với đậu tương, lạc, vừng, đậu xanh, đậu đen, đậu lấy hạt khác (hiện tại đơn giá đậu tương: 6.000đ/m2; lạc: 6.500đ/m2; vừng: 6.000đ/m2; đậu xanh, đậu đen, đậu lấy hạt khác: 6.000đ/m2) vì đơn giá nêu trên là thấp không đáp ứng được chi phí sản xuất đặc biệt giá thị trường các loại hạt trên cao do vậy đơn giá 6.000-6.500đ/m2 là chưa phù hợp.

Mục II (Cây ăn quả):

Khoản 20 (Cây Thanh Long) quy định: Thanh long mới trồng (cây đã ra rễ, mầm): 24.000đ/khóm; Cây chưa có quả: 38.000đ/khóm; Cây có quả: 67.000đ/khóm; Đơn giá bồi thường/khóm nêu trên là thấp trong thực tế, đề nghị tăng giá bồi bồi thường đối với cây thanh long.

Trả lời

Nội dung của Quyết định số 52/2022/QĐ-UBND ngày 16/11/2022 của UBND tỉnh Hà Nam về việc ban hành Đơn giá bồi thường cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam được xây dựng trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các địa phương và được ban hành theo đúng quy định pháp luật. Cụ thể như sau:

Tại Mục I (cây trồng hàng năm)

Khoản 7 (cây gia vị dược liệu, hương liệu hàng năm):

Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 90 Luật Đất đai 2013: cây ớt là cây trồng hàng năm nên không phân loại đơn giá cho cây ớt.

Về cách tính đơn giá: Năng suất cao nhất của vụ trong 3 năm liền kề đạt 1,919 kg/m2 (đạt 191,9 tạ/ha vụ Xuân 2021) x 13.238 đ/kg (Giá so sánh 2010) x 191,01% (chỉ số giá năm 2023 của Cục Thống kê) = 48.521đ/m2. Vì vậy cây ớt đang có đơn giá bồi thường thấp hơn so quy định tại Quyết định số 52/2022/QĐ-UBND ngày 16/11/2022.

Vì vậy, đề nghị giữ nguyên đơn giá năm 2022 để phù hợp biến động thị trường.

 Khoản 5 (cây có hạt chứa dầu) và khoản 6 (cây rau, đậu, hoa):

 Về đơn giá các cây đậu tương, lạc, vừng, đậu xanh, đậu đen, đậu lấy hạt khác:

 Đối với cây đậu tương: Năng suất cao nhất của vụ trong 3 năm liền kề đạt 0,1912 kg/m2 (đạt 19,12 tạ/ha vụ Xuân 2023) x 12.002đ/kg (Giá so sánh 2010) x 149,1% (chỉ số giá năm 2023 của Cục Thống kê) = 3.421đ/m2.

Đối với cây lạc: Năng suất cao nhất của vụ trong 3 năm liền kề đạt 0,324 kg/m2 (đạt 32,4 tạ/ha vụ Xuân 2023) x 14.801 đ/kg (Giá so sánh 2010) x 150,08 % (chỉ số giá năm 2023 của Cục Thống kê) = 7.197đ/m2.

Đối với cây vừng: Năng suất cao nhất của vụ trong 3 năm liền kề đạt 0,113 kg/m2 (đạt 11,3 tạ/ha vụ Xuân 2023) x 24.265 đ/kg (Giá so sánh 2010) x 149,1 % (chỉ số giá năm 2023 của Cục Thống kê) = 4.088 đ/m2.

 Đối với đậu đen: Năng suất cao nhất của vụ trong 3 năm liền kề đạt 0,177 kg/m2 (đạt 17,7 tạ/ha vụ Xuân 2023) x 21.817 đ/kg (giá so sánh 2010) x 143,99 % (chỉ số giá năm 2023 của Cục Thống kê) = 5.560 đ/m2.

 Đối với đậu xanh: Năng suất cao nhất của vụ trong 3 năm liền kề đạt 0,1643 kg/m2 (đạt 16,43 tạ/ha vụ Xuân 2023) x 22.432 đ/kg (giá so sánh 2010) x 143,99 % (chỉ số giá năm 2023 của Cục Thống kê) = 5.306 đ/m2.

 Đối với đậu lấy hạt khác: Năng suất cao nhất của vụ trong 3 năm liền kề đạt 0,176 kg/m2 (đạt 17,6 tạ/ha vụ Xuân 2023) x 15.829 đ/kg (giá so sánh 2010) x 143,99 % (chỉ số giá năm 2023 của Cục Thống kê) = 4.011 đ/m2.

Như vậy, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo ngành chuyên môn điều chỉnh tăng đơn giá bồi thường cây lạc lên 7.200 đ/m2. Đối với các cây khác đang có đơn giá bồi thường thấp hơn so quy định tại Quyết định số 52/2022/QĐ-UBND ngày 16/11/2022, do đó đề nghị giữ nguyên đơn giá năm 2022 để phù hợp biến động thị trường.

 Tại Mục II (cây ăn quả)

Khoản 20 (cây thanh long) quy định:

 Đối với cây thanh long: Chỉ số giá năm 2023 đối với cây ăn quả giảm 1,83% so với 6 tháng đầu năm 2022; do vậy nếu tính sát đơn giá cây thanh long sẽ giảm hơn năm 2022, cụ thể: Mật độ trồng thanh long khoảng 5.000 cây/ha; năng suất cao nhất thống kê trong 3 năm gần đây: trung bình 2,2 kg/cây (109,2 tạ/ha). Đơn giá cây có quả = 2,2 kg/cây x 8.845 đ/kg (giá so sánh 2010) x 142,52 % (chỉ số giá năm 2023 của Cục Thống kê) + 38.000 đ (chi phí sản xuất từ trồng đến thu hoạch) = 65.732 đ/cây (Đây là mức giá không bao gồm trụ cọc).

Như vậy, cây thanh long có đơn giá bồi thường thấp hơn so quy định tại Quyết định số 52/2022/QĐ-UBND ngày 16/11/2022, do đó đề nghị giữ nguyên đơn giá năm 2022 để phù hợp biến động thị trường.

3. Cử tri ý kiến

Cử tri xã Tiêu Động, huyện Bình Lục đề nghị tỉnh qua tâm có cơ chế hỗ trợ khuyến khích, khen thưởng các xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao để động viên Nhân dân.

Trả lời

Căn cứ Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 29/8/2022 của HĐND tỉnh về ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Nam, theo đó mức hỗ trợ cho các xã xây dựng nông thôn mới theo từng cấp độ đạt chuẩn cụ thể:

 Đối với xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới được hỗ trợ để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí với hệ số 0,5 của 80% trong tổng số nguồn vốn tỉnh đã bố trí.

 Đối với xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn 2021-2025 được hỗ trợ với hệ số 1,0 của 80% trong tổng số nguồn vốn tỉnh đã bố trí (trường hợp đã được hỗ trợ hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí, khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao được hỗ trợ bổ sung tối đa bằng hệ số 1,0).

 Đối với xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong giai đoạn 2021-2025 được với hệ số 1,5 của 80% trong tổng số nguồn vốn tỉnh đã bố trí (trường hợp đã được hỗ trợ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, khi đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu được hỗ trợ bổ sung tối đa bằng hệ số 1,5).

Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp, trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí hỗ trợ các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 theo quy định của Nghị quyết số 22/2022/NQ-HĐND ngày 29/8/2022 của HĐND tỉnh.Về nội dung khen thưởng: Căn cứ Kế hoạch số 1655/KH-UBND ngày 30/6/2022 về thực hiện Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025", hiện nay, Sở NN&PTNT đang tổng hợp trình Sở Nội vụ, Hội đồng Thi đua khen thưởng tỉnh xem xét, tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu đối với 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.

4. Cử tri ý kiến

Cử tri các xã, thị trấn: Quế, Khả Phong, Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng; phường Hòa Mạc, thị xã Duy Tiên; xã Công Lý, huyện Lý Nhân đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí tu sửa các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố không sáp nhập trên địa bàn và tăng mức hỗ trợ cho các nhà văn hóa thôn, tổ dân phố. Đồng thời hỗ trợ kinh phí đầu tư các thiết chế thể thao ngoài trời cho các thôn, tổ dân phố đối với các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới nâng cao.

Trả lời

Đối với hỗ trợ xây mới, sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa thôn sáp nhập thực hiện theo Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh Quy định mức hỗ trợ đầu tư xây dựng đối với nhà văn hoá thôn, tổ dân phố sau sáp nhập theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Riêng đối với các thôn không sáp nhập: Sở NN&PTNT đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ xây mới, nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa thôn không sáp nhập. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động các nguồn nội lực và huy động nguồn xã hội hóa để xây mới, nâng cấp nhà văn hoá thôn.

5. Cử tri ý kiến

Cử tri xã Khả Phong, huyện Kim Bảng đề nghị tỉnh hỗ trợ đầu tư xây dựng trạm bơm tiêu kênh Thống Nhất (vị trí cống Trại Cam, thôn Đoài) do Công ty Kỹ thuật công trình thủy lợi quản lý bị ảnh hưởng của dự án khu du lịch Tam Chúc.

Trả lời

Sau khi nhận được ý kiến của cử tri, Sở NN&PTNT đã kiểm tra, rà soát và báo cáo như sau:

Tuyến kênh Thống Nhất thuộc hệ thống kênh tiêu trạm bơm Ba Sao có chiều dài khoảng 2 km, kênh có nhiệm vụ tiêu nước cho trên 560 ha diện tích đất tự nhiên (đất sản xuất nông nghiệp 200 ha, dân cư 60 ha và dự án Khu du lịch quốc gia Tam Chúc 300 ha) của xã Khả Phong và Ba Sao, đơn vị quản lý tuyến kênh là Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Hà Nam (thuộc UBND tỉnh quản lý). Tuyến kênh đã được Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh Hà Nam tổ chức nạo vét năm 2021, hiện nay kênh vẫn đảm bảo tiêu nước trực tiếp ra sông Đáy qua cống Vườn Cam.

Tuy nhiên, khi mực nước sông Đáy dâng cao trên báo động cấp 3 thì phải đóng cống Vườn Cam và nước không tiêu được. Trước đây khi chưa có dự án Khu du lịch quốc gia Tam Chúc thì khi đóng cống Vườn Cam nước được dẫn từ kênh Thống Nhất qua hệ thống kênh Ba Sao (kênh B) về trạm bơm Ba Sao để bơm tiêu nước ra sông Đáy qua sông Ba Sao. Do dự án Khu du lịch quốc gia Tam Chúc đã san lấp toàn bộ các kênh nhánh thuộc hệ thống kênh Ba Sao để thực hiện Dự án và không chuyển nước được về trạm bơm Ba Sao. Bên cạnh đó, trạm bơm Ba Sao nằm trong quy hoạch của Dự án Khu du lịch quốc gia Tam Chúc sẽ thu hồi; vì vậy, trạm bơm Ba Sao sẽ phải di chuyển.

Để đảm bảo việc tiêu thoát nước chung cho trên 560 ha đất tự nhiên của xã Khả Phong và Ba Sao, Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh trước mắt khơi thông tuyến một số tuyến kênh hiện có trong khu vực và nghiên cứu di chuyển trạm bơm Ba Sao thuộc dự án Khu du lịch quốc gia Tam Chúc ra vị trí thích hợp để đảm bảo tiêu nước cho khu vực Dự án và diện tích đất sản xuất nông nghiệp và dân sinh xung quanh khu vực Dự án.

6. Cử tri ý kiến

Cử tri xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng đề nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công công trình trạm bơm Tân Sơn 2 và kênh tiêu PK10, để phục vụ tiêu úng mùa mưa lũ khu vực sân golf Thiên Đường và vùng ngoại đê của xã.

Trả lời

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam (Chủ đầu tư dự án).

Dự án: Xây dựng trạm bơm Tân Sơn 2 và hệ thống kênh dẫn trên địa bàn huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam được HĐND tỉnh Hà Nam phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 84/NQ-HĐND ngày 09/12/2022.

Chủ đầu tư đã lựa chọn nhà thầu tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Đơn vị Tư vấn đã hoàn thiện hồ sơ, Chủ đầu tư đã báo cáo UBND tỉnh có văn bản số 2000/UBND- NNTNMT ngày 17/10/2023  gửi Bộ NN&PTNT thôn; Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đề nghị xin ý kiến về quy mô, giải pháp kỹ thuật các hạng mục liên quan đến phạm vi hành lang bảo vệ đê điều, trên khu vực bãi sông theo quy định của pháp luật Đê điều (Gồm các hạng mục: Cống xả qua đê tả sông Đáy (tại K91+680 đê tả sông Đáy); Đường vào nhà trạm bơm (tại K91+704 đê tả sông Đáy); Kênh xả; Cống tưới tiêu kết hợp trên kênh xả).

Ngày 15/11/2023, UBND tỉnh Hà Nam có Quyết định số 1326/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị, du lịch, dịch vụ phía Tây (PK5) thuộc Quy hoạch chung đô thị Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Trong đó theo quy hoạch thoát nước mưa Tiểu lưu vực 2: Việc vận hành tiêu tiêu của trạm bơm Tân Sơn và Tân Sơn 2 được thay đổi cho phù hợp quy hoạch đô thị, Kênh PK10 có vị trí xây dựng mới hoàn toàn; kênh PK10-3 giảm quy mô chiều dài…

Thực hiện Quyết định số 1326/QĐ-UBND ngày 15/11/2023, Ban Quản lý dự án đầu tư Xây dựng tỉnh triển khai phối hợp với tư vấn, các đơn vị liên quan đang rà soát, điều chỉnh quy mô  hướng tuyến theo quy hoạch, tính toán lại tổng mức đầu tư, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, dự án đầu tư phù hợp với các quy hoạch có liên quan tại địa phương, đảm bảo phạm vi dự án đầu tư không trùng lắp với phạm vi của các dự án khác.

Đề Nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Nam (Chủ đầu tư dự án) đẩy nhanh tiến độ sớm phê duyệt dự án để thực hiện.

7. Cử tri ý kiến

 Cử tri xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên đề nghị tỉnh chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền thực hiện nạo vét, khơi thông dòng chảy cống Mộc Nam (đã được xây dựng từ những năm 1960) để thuận lợi cho việc thoát nước mặt.

Trả lời

Sở NN&PTNT đã phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam trực thuộc UBND tỉnh kiểm tra thực tế và nhận thấy ý kiến của cử tri là đúng. Sở NN&PTNT đã đề nghị Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam kiểm tra, rà soát và đưa vào kế hoạch sửa chữa thường xuyên tài sản kết cấu hạ tầng thuỷ lợi năm 2024.

8. Cử tri ý kiến Cử tri xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý đề nghị tỉnh có biện pháp phân luồng, nâng công suất hoạt động của trạm bơm Đinh Xá, trạm bơm Bà Kiêu vì hiện nay trạm bơm không đáp ứng đủ cho nhu cầu tưới, tiêu nước.

Trả lời

Đơn vị quản lý, vận hành trạm bơm Đinh Xá là Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam trực thuộc UBND tỉnh; trạm có công suất 12 máy x 4.000 m3/h, phục vụ tưới cho 790 ha và tiêu 1.500 ha của các xã Đinh Xá, Trịnh Xá và 1 phần xã Đồn Xá. Hiện nay, trạm bơm Đinh Xá vẫn đang vận hành 12/12 máy, đảm bảo tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn.

Trạm bơm Bà Kiêu cử tri phản ánh hiện tại do Hợp tác xã Dịch vụ nông  nghiệp Đinh Xá quản lý, khai thác sử dụng, có công suất 1 máy x 1.000 m3/h. Đây là trạm bơm chủ yếu phục vụ hỗ trợ tiêu cục bộ cho 45 ha diện tích đất dân sinh của xã Đinh Xá.

Do trạm bơm được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, không đảm bảo tiêu thoát nước cho khu dân cư trên địa bàn. Sở NN&PTNT đề nghị UBND thành phố Phủ Lý chỉ đạo UBND xã Đinh Xá và Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đinh Xá cân đối các nguồn lực của địa phương bố trí kinh phí để nâng cấp, cải tạo trạm bơm Bà Kiêu đảm bảo phục vụ tiêu thoát nước của khu vực.

9. Cử tri ý kiến

Cử tri thôn Phù Lão, xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý đề nghị tỉnh cho xử lý, nạo vét kênh A4-9 đoạn chảy qua xã do các doanh nghiệp xây dựng nhiều nên khi mưa xuống gây ngập úng, tiêu thoát nước chậm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Trả lời

Đoạn kênh mà cử tri phản ánh trên hệ thống công trình thủy lợi là kênh tiêu A3-4-9 thuộc hệ thống kênh tiêu A3-4 dẫn tiêu về Trạm bơm Trân Châu, đơn vị quản lý tuyến kênh là Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam. Đây là tuyến kênh đất, có chiều dài 1.500 m. Qua kiểm tra kênh bị ách tắc chủ yếu do bèo, rác, cây cối làm cản trở dòng chảy, mặt khác các cống qua kênh là đường vào của các doanh nghiệp có kích thước nhỏ, cao trình đáy cống cao mật độ dày làm ảnh hưởng đến dòng chảy.

Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức phát quang thu dọn bèo, rác vật cản, cây cối trên bờ kênh đồng thời nâng cấp các cống qua kênh có kích thước nhỏ, đáy cống cao không đảm bảo tiêu thoát nước.

10. Cử tri ý kiến

Cử tri xã Chân Lý, huyện Lý Nhân đề nghị tỉnh chỉ đạo đơn vị có liên quan khảo sát, sửa chữa, nâng cấp cống luồn từ T4 qua C2 miền Chân Lý và Cống luồn T6 qua C2 miền Tân Lý vì hiện nay hai vị trí cống này không đảm bảo tiêu thoát nước khi có mưa lớn và gặp khó khăn trong sản xuất nông nghiệp.

Trả lời

Sở NN&PTNT đã rà soát hiện trạng quản lý, khai thác 2 cống T4, T6, cụ thể như sau:

Hạng mục cống luồn trên kênh T6 qua kênh C2: Ngày 26/10/2023 Sở NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 154/QĐ-SNN phê duyệt Kế hoạch sửa chữa thường xuyên tài sản kết cấu hạ tầng thuỷ lợi năm 2024 của Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam, trong đó có hạng mục sửa chữa, nâng cấp cống luồn T6 qua kênh C2 sẽ thực hiện trong năm 2023.

Hạng mục cống luồn trên kênh T4 qua kênh C2: Sở NN & PTNT đã chỉ đạo Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam rà soát, đưa vào kế hoạch sửa chữa thường xuyên tài sản kết cấu hạ tầng thuỷ lợi năm 2024 của Công ty.

11. Cử tri ý kiến

Cử tri xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân đề nghị tỉnh chỉ đạo ngành thủy nông cho nạo vét kênh tiêu T5-8, kênh phục vụ tưới tiêu cho xã Nhân Mỹ và xã Trần Hưng Đạo.

Trả lời

Kênh T5-8 thuộc hệ thống kênh tiêu trạm bơm Như Trác, kênh có chiều dài 800 m do HTX Nhân Hưng quản lý vận hành khai thác.

Ngày 01/11/2023 Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản 2136/UBND-NNTNMT chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch làm thủy lợi Đông Xuân năm 2023-2024. Đề nghị UBND huyện Lý Nhân chỉ đạo UBND xã Trần Hưng Đạo, Hợp tác xã Nhân Hưng rà soát, bố trí nguồn kinh phí và đưa hạng mục nạo vét kênh tiêu T5-8 vào kế hoạch làm thủy lợi Đông Xuân 2023-2024.

12. Cử tri ý kiến

 Cử tri xã Tiên Hải, thành phố Phủ Lý đề nghị tỉnh chỉ đạo Công ty Thủy nông Duy Tiên thực hiện nâng cấp, cải tạo các tuyến kênh mương do Công ty quản lý. Vì hiện nay, các tuyến kênh, mương đã xuống cấp, ảnh hưởng đến việc đi lại, thu hoạch, tưới tiêu trên địa bàn xã.

Trả lời

Việc thực hiện cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương để điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và công tác phòng chống lụt bão là hết sức cần thiết.

Nội dung cử tri phản ánh hiện nay, hàng năm từ nhiều nguốn vốn khác nhau Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam đã thực hiện nâng cấp, cải tạo các tuyến kênh do Công ty quản lý vận hành khai thác. Tuy nhiên, do hệ thống kênh mương do Công ty quản lý tương đối lớn, được xây dựng đã lâu, nguồn kinh phí hạn hẹp và tập trung cho các công trình đầu mối nên việc thực hiện nâng cấp, cải tạo đồng bộ các tuyến kênh mương do Công ty quản lý cần có lộ trình và thực hiện từng bước. Sở NN&PTNT sẽ chỉ đạo Công ty Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hà Nam rà soát hệ thống công trình thủy lợi cần cải tạo, nâng cấp trên địa bàn xã Tiên Hải lập kế hoạch để thực hiện.

13. Cử tri ý kiến

Cử tri phường Châu Sơn, thành phố Phủ Lý đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng cho cải tạo, nạo vét hệ thống tiêu thoát nước thải, đoạn từ Khu công nghiệp tới kênh trạm bơm Thịnh Châu. Vì hiện nay, do cây mọc và rác thải bị ách tắc, nên nước không thoát được, gây ô nhiễm môi trường.

Trả lời

Nhận được ý kiến của cử tri, Sở NN&PTNT đã phối hợp với địa phương kiểm tra thực tế và nhận thấy ý kiến cử tri là đúng.

Hệ thống tiêu thoát nước thải của khu dân cư tổ dân phố Nam Sơn, phường Châu Sơn đang thoát nước thải sinh hoạt trực tiếp ra rãnh thoát nước tiếp giáp đất cây xanh của Khu Công nghiệp Châu Sơn tại vị trí lô G, lô F, dọc đường D6; sau đó chảy ra kênh B1, đến trạm bơm Thịnh Châu nằm trong phạm vi quản lý của Khu công nghiệp Châu Sơn do Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và Công ty TNHH một thành viên VPID Hà Nam làm chủ đầu tư.

Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh phối hợp Công ty TNHH Một thành viên VPID Hà Nam có phương án xử lý, giải quyết tình trạng ách tắc dòng chảy và ô nhiễm môi trường rãnh thoát nước khu vực trên theo ý kiến phản ánh của cử tri.

14. Cử tri ý kiến

Cử tri xã An Ninh, huyện Bình Lục đề nghị tỉnh xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ thủy lợi phí cấp bù vì hơn 10 năm nay vẫn giữ nguyên mức hỗ trợ đó, ảnh hưởng đến việc quản lý, hoạt động của các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp.

Trả lời

Luật Thủy lợi có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018; Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/2018/NĐ-CP ngày 30/6/2018 quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi.

Trên cơ sở Luật Thủy lợi, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi và Khung giá tối đa giá sản phẩm dịch thủy lợi của Bộ Tài chính ban hành, trong những năm qua tỉnh Hà Nam đã xây dựng khung giá dịch vụ thủy lợi công ích ở mức giá tối đa theo quy định của Bộ Tài chính và làm cơ sở cho việc chi trả cho các đơn vị khai thác công trình thủy lợi và các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp.

Tiền hỗ trợ sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi được ngân sách Nhà nước đảm bảo thực hiện theo pháp luật về ngân sách Nhà nước. Theo từng thời kỳ, căn cứ khả năng ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi.

Trong những năm tới, khi Bộ Tài chính có thông báo mức giá tối đa sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi Sở NN&PTNT sẽ có kiến nghị, đề xuất về giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi phù hợp với tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

15. Cử tri ý kiến

Cử tri thị trấn Quế, huyện Kim Bảng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư kè hai đoạn triền Đê ven sông Đáy địa phận thị trấn Quế (Đoạn từ trường THPT Kim Bảng A xuống đến Trạm bơm trục đứng và đoạn từ Đình thôn tổ 7 qua lò gốm truyền thống đến địa phận giáp ranh với thôn Đanh Xá - xã Ngọc Sơn).

Trả lời

Sông Đáy đoạn qua thị trấn Quế đã được đầu tư xây dựng kè bảo vệ bờ với chiều dài 1,1 km/tổng số 2,2 km bờ sông. Qua công tác theo dõi, từ sau khi xây dựng xong hệ thống kè (năm 2012) đến nay bờ sông Đáy trên địa bàn thị trấn Quế không xảy ra hiện tượng sạt lở.

Trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế, tỉnh Hà Nam đang tự cân đối ngân sách, vì vậy cần ưu tiên đầu tư kè chống sạt lở cho các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở cao và các công trình thi công dở dang, công trình trọng điểm. Do đó, mong cử tri chia sẻ những khó khăn chung của tỉnh.

Về lâu dài, trong trường hợp có nhu cầu về đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị, đề nghị UBND huyện Kim Bảng rà soát quy hoạch và các quy định có liên quan, các điều kiện của địa phương để nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến kè.

16. Cử tri ý kiến

Cử tri xã Trịnh Xá, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý đề nghị tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra đầu tư xây dựng kè một số đoạn sông Châu Giang qua địa bàn các xã đã bị sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân nhất là mùa mưa lũ.

Trả lời

Khu vực cử tri có ý kiến, kiến nghị có tuyến đê Nam Châu Giang và tuyến đê bối Đinh Xá là các tuyến đê cấp IV và cấp V thuộc trách nhiệm quản lý của UBND thành phố Phủ Lý (theo quy định về quản lý và hành lang bảo vệ đê cấp IV, cấp V, đê bối tỉnh Hà Nam được UBND tỉnh quy định tại Quyết định số 29/2011/QĐ-UBND ngày 29/11/2011). Đề nghị UBND thành phố Phủ Lý kiểm tra, rà soát tình hình bờ sông Châu Giang (đoạn qua xã Đinh Xá). Trường hợp xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng như ý kiến của cử tri, đề nghị thành phố Phủ Lý cân đối, bố trí nguồn vốn của địa phương để xử lý sạt lở hoặc báo cáo UBND tỉnh khi cần hỗ trợ từ nguồn ngân sách của tỉnh.

17. Cử tri ý kiến

Cử tri thôn Kim Thượng, xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý đề nghị tỉnh quan tâm xây dựng, cải tạo, nâng cấp bờ kè chắn sóng Sông Đáy, đoạn từ khu dân cư xóm 2 thôn Kim Thượng đến khu dân cư xóm 18 thôn Kim Thanh, xã Kim Bình do hiện nay, có nhiều đoạn bị sạt lở, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho các hộ dân sinh sống ven sông.

Trả lời

Vị trí cử tri có ý kiến, kiến nghị thuộc khu vực bãi sông, nằm ở phía bờ tả của sông Đáy, tương ứng đoạn từ K102+338-K103+330 đê tả Đáy, hiện trạng bãi sông là khu dân cư. Qua công tác quản lý, theo dõi, bờ sông Đáy vị trí nêu trên những năm vừa qua không có hiện tượng sạt lở, gây nguy hiểm, tuy nhiên tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với UBND thành phố Phủ Lý thường xuyên kiểm tra tình hình hiện trạng bờ sông khu vực này.

Về lâu dài, trong trường hợp có nhu cầu về đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị đề nghị UBND thành phố Phủ Lý rà soát quy hoạch và các quy định có liên quan, cũng như điều kiện của địa phương để nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến kè.

18. Cử tri ý kiến

Cử tri thôn 3 xã Đinh Xá, xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý; xã Bắc Lý, xã Đạo Lý huyện Lý Nhân đề nghị tỉnh chỉ đạo sớm đấu nối nước mặt từ sông Hồng vào các nhà máy nước để đảm bảo nước sạch phục vụ nhân dân, đặc biệt nước sạch phục vụ cho các làng nghề.

Trả lời

Hiện nay Nhân dân các xã Bắc Lý và Đạo Lý huyện Lý Nhân đang sử dụng nước từ Nhà máy nước sạch liên xã Chân Lý, Bắc Lý, Đạo Lý, Nhân Hưng, Nhân Đạo; nhà máy nước sạch này đang lấy nguồn nước mặt từ sông Hồng để sản xuất  cung cấp nước sạch.

Về ý kiến của cử tri thôn 3 xã Đinh Xá, xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý: Hiện nay Nhân dân các xã Đinh Xá, Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý sử dụng nước từ Nhà máy nước sạch liên xã Đinh Xá, Trịnh Xá, Liêm Phong, Liêm Cần, Liêm Thuận; nhà máy nước sạch này đang lấy nguồn nước mặt từ sông Châu để sản xuất nước sạch.  

Có những thời điểm nguồn nước sông Châu ô nhiễm rất nặng, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nước đầu ra. Theo Quy hoạch cấp nước vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030, Nhà máy nước sạch Đinh Xá chuyển đổi sang nguồn nước sông Hồng giai đoạn 2018-2023 từ nhà máy nước Đạo Lý.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành đã tích cực kêu gọi, tìm kiếm nhà đầu tư nhà máy nước sạch Đạo Lý và đã lựa chọn Công ty Cổ phần nước sạch TDG Hà Nam. Hiện nay, nhà đầu tư đang khẩn trương tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng dự án. Ngày 04/8/2023 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 872/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 nhà máy nước sạch Đạo Lý. Hiện tại, dự án đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở.

 

19. Cử tri ý kiến

Cử tri thôn Đồng Tiến, xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý đề nghị tỉnh chỉ đạo nhà máy nước sạch Kim Bảng cung cấp nước sạch cho Nhân dân phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Phối hợp với địa phương, khắc phục kịp thời sự cố do ảnh hưởng các dự án trên địa bàn để cấp nước kịp thời cho nhân dân, vì có thời điểm Nhân dân bị mất nước nhiều ngày, công ty khắc phục chậm.

Trả lời

Thôn Đồng Tiến, xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý thuộc vùng cấp nước của Nhà máy nước sạch tập trung thay thế nguồn nước ngầm ô nhiễm Arsen, nước mặt ô nhiễm bởi sông Nhuệ thuộc 7 xã ven sông Nhuệ, huyện Kim Bảng (Nhà máy nước 7 xã).

Chất lượng cung cấp nước sạch được xác định thông qua các chỉ tiêu hóa lý, để cung cấp nước đảm bảo chất lượng trách nhiệm trước hết thuộc về các đơn vị cung cấp nước sạch. Việc kiểm tra giám sát chất lượng nước đối với các nhà máy sản xuất nước sạch sinh hoạt được Sở Y tế thực hiện trực tiếp là Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu kiểm tra phân tích theo qui chuẩn tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Hàng tháng kiểm tra công bố kết quả nhóm A (8 chỉ tiêu) và hàng năm 02 lần kiểm tra đánh giá kết quả nhóm B (41 chỉ tiêu). Ngoài ra còn có các cuộc kiểm tra chất lượng nước đột xuất do Ban văn hoá xã hội của HĐND tỉnh tổ chức. Theo thống kê kết quả phân tích cập nhật hàng tháng các nhà máy nước trên địa bàn tỉnh năm 2023 đều thực hiện nghiêm chế độ nội kiểm theo quy định (Các kết quả xét nghiệm chất lượng nước của Nhà máy nước 7 xã đều đạt).

Trên cơ sở ý kiến phản ánh của cử tri, Sở NN&PTNT đã phối hợp với địa phương xác minh, tìm hiểu nguyên nhân và đôn đốc nhà máy nước 7 xã thực hiện nghiêm quy trình vận hành nhà máy, vệ sinh sạch sẽ cụm lắng lọc, giám sát chặt chẽ chất lượng nước đầu ra…

Theo phản ánh của người dân, tại một số thời điểm có xảy ra hiện tượng nước vẩn đục hoặc có mùi; nguyên nhân có thể do đường ống bị nứt vỡ rò rỉ, ảnh hưởng của việc thi công các công trình liên quan. Sở NN&PTNT đã đề nghị Công ty Cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật Hà Nam khẩn trương khắc phục, súc rửa vệ sinh đường ống khi xảy ra sự cố, tăng cường hoá chất sử lý nước đảm bảo chất lượng nước đầu ra theo tiêu chuẩn; tuyên truyền nhận thức cho Nhân dân trong việc bảo vệ nguồn nước, sử dụng nước sạch và các dụng cụ chứa nước đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ.

Về việc phối hợp với địa phương, khắc phục kịp thời sự cố do ảnh hưởng các dự án trên địa bàn để cấp nước kịp thời cho nhân dân (vì có thời điểm Nhân dân bị mất nước nhiều ngày, công ty khắc phục chậm), theo báo của Công ty Cổ phần xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật Hà Nam việc phản ánh như trên là có xảy ra. Tuy nhiên, đây là sự phối hợp có thời điểm chưa nhịp nhàng giữa đơn vị cấp nước, chủ đầu tư dự án và chính quyền địa phương.   

 

20. Cử tri ý kiến

Cử tri xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân có ý kiến: Dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch xã Nhân Thịnh được đầu tư xây dựng với tổng nguồn vốn trên 31 tỷ đồng, trong đó 10% giá trị công trình là do các hộ sử dụng nước đóng góp. Tại thời điểm thực hiện dự án số hộ đăng ký đấu nối là trên 2.000 hộ, kinh phí đóng góp chia đều cho các cụm đồng hồ với mức thu là 1.298.000 đồng/ hộ; đến nay Nhà máy nước đấu nối cấp nước cho cả nhân dân xã Nhân Mỹ. Cử tri muốn được làm rõ: công suất nhà máy, chất lượng nước có đảm bảo cung cấp cho 2 xã không? Đến nay trên địa bàn xã Nhân Thịnh số hộ sử dụng nước sạch có thể đã tăng hơn số lượng ban đầu đăng ký và đấu nối thêm cho các hộ dân của xã Nhân Mỹ. Vậy các hộ đấu nối đó có phải nộp tiền vốn góp 10% không, số tiền này nếu có thu quản lý và sử dụng như thế nào?

Trả lời

Tiểu dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân thuộc Hợp phần Cấp nước Chương trình Nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tỉnh Hà Nam nguồn vốn vay WB hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 6/2015. Do nhu cầu cấp nước trên địa bàn các xã lân cận, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Công văn số 2480/UBND-NN&TNMT ngày 21/10/2016 “Về việc lập dự án đầu tư xây dựng hệ thống đường ống cấp nước sạch từ nhà máy nước sạch Nhân Thịnh để cấp nước sạch cho xã Nhân Mỹ và từ nhà máy nước sạch Hòa Hậu để cấp nước cho xã Tiến Thắng huyện Lý Nhân". UBND tỉnh đã giao Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường trực thuộc Sở NN & PTNT làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện.

Với câu hỏi của cử tri xã Nhân Thịnh liên quan đến 02 dự án, thời gian thực hiện đã lâu (gần 10 năm) và Trung tâm nước sạch và Vệ sinh môi trường là đơn vị chủ đầu tư đã giải thể từ năm 2019, vì vậy Sở NN&PTNT sẽ tổ chức rà soát tổng thể hiện trạng cấp nước cho các xã Nhân Thịnh, Nhân Mỹ và trả lời cử tri bằng văn bản.

21. Cử tri ý kiến

Cử tri xã Trịnh Xá, thành phố Phủ Lý đề nghị tỉnh chỉ đạo Nhà máy nước Mỹ Đà kiểm tra và đấu nối lại đường ống nước, vì hiện nay, đường ống nước bị rò, rỉ, nước chảy ra đường, gây ảnh hưởng vệ sinh môi trường.

Trả lời

Nhận được ý kiến phản ánh của cử tri, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Công ty TNHH xây dựng Mỹ Đà (đơn vị quản lý nhà máy nước sạch Đinh Xá đang cấp nước cho khu vực xã Trịnh Xá) và UBND xã Trịnh Xá kiểm tra, xác minh, tìm hiểu nguyên nhân và đôn đốc Nhà máy nước sạch Đinh Xá rà soát các tuyến ống trên địa bàn toàn xã Trịnh Xá.

Sau khi kiểm tra khẳng định tại thời điểm hiện nay, trên địa bàn xã Trịnh Xá không có vị trí nào đường ống nước bị rò rỉ, nước chảy ra đường. Nội dung cử tri phản ánh thời điểm trước đây có hiện tượng trên, tuy nhiên Công ty đều kiểm tra và khắc phục ngay sau khi có phản ánh để tránh gây ảnh hưởng vệ sinh môi trường trong khu vực, đồng thời giảm thiệt hại cho doanh nghiệp do thất thoát nước khi bị rò rỉ./.