Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam: Những thành công trong công tác dồn đổi ruộng đất

Các ngành kinh tế Nông - Lâm - Ngư nghiệp  
Hà Nam: Những thành công trong công tác dồn đổi ruộng đất
Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đã triển khai nhiều đề án trọng điểm về trồng trọt và chăn nuôi, trong đó xác định việc dồn đổi ruộng đất là một mắt xích quan trọng để tạo điều kiện sản xuất tốt hơn cho người dân, từ đó chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý, nâng cao năng suất lao động và cải thiện đời sống cho người dân nông thôn.
Hà Nam phấn đấu đến hết năm 2014 sẽ cơ bản hoàn thành công tác dồn đổi ruộng đất gắn với quy hoạch đồng ruộng. Từ năm 2011, tỉnh Hà Nam đã thí điểm thực hiện công tác này tại hai xã Vũ Bản (huyện Bình Lục) và Nhân Khang (huyện Lý Nhân).
Về thăm xã Vũ Bản, là một trong 2 địa phương được tỉnh Hà Nam chọn thí điểm thực hiện công tác dồn đổi ruộng đất. Trên những cánh đồng của xã, điều dễ nhận thấy nhất là những mảnh ruộng nhỏ lẻ trước đây với những bờ ruộng chằng chịt nay đã được thay thế bởi những mảnh ruộng vuông vắn, diện tích lớn. Thời điểm này, đang chuẩn bị thu hoạch vụ Đông Xuân, đây là vụ cấy thứ 2 trên những thửa ruộng mới, rộng lớn, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Ông Trần Bá Toàn, Chủ tịch UBND xã Vũ Bản cho biết, xã có gần 766 ha đất sản xuất nông nghiệp, bình quân đạt 1,8 sào/khẩu. Hiện toàn xã đã có 15/20 thôn hoàn tất việc dồn đổi ruộng đất. Đây là một thành công ngoài mong đợi, bởi khi bắt đầu triển khai địa phương đã gặp rất nhiều khó khăn như ruộng đất không bằng phẳng, xen canh, xen cư giữa các thôn; hệ thống đường giao thông thuỷ lợi nội đồng nhỏ hẹp lại bố trí không phù hợp đã gây lãng phí tưới tiêu, cản trở việc đưa máy móc nông nghiệp lớn vào sản xuất. Bên cạnh đó, việc một hộ có bình quân 6,3 thửa ruộng cũng là khó khăn rất lớn cho công tác dồn đổi ruộng đất và tổ chức lại sản xuất. Hơn nữa, dồn đổi ruộng đất sẽ có sự biến động về đất đai và liên quan trực tiếp đến quyền lợi, kinh phí đóng góp của nhân dân...
Xác định dồn đổi ruộng đất là công việc khó, đòi hỏi phải có quá trình vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương trong việc kiên trì thuyết phục người dân, Đảng uỷ, UBND xã đã nhiều lần họp bàn, xây dựng “Quy trình dồn đổi ruộng đất thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới” và xem như một cuốn cẩm nang cho công tác dồn đổi ruộng đất tại địa phương. Trên cơ sở đó, xã xác định công việc đầu tiên là phải quy hoạch mở rộng giao thông thuỷ lợi nội đồng và giảm tối đa số thửa ruộng/hộ, chia chỉnh lại ruộng trên cơ sở giữ nguyên số hộ. Ông Toàn tâm sự: Thực tế khi triển khai công việc đã gặp không ít khó khăn, chủ yếu là do phát sinh về tư tưởng còn lừng chừng trong nội bộ nhân dân. Ban chỉ đạo dồn điền đổi thửa xã và cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền cùng các đoàn thể tại địa phương đã nhiều lần phải về họp chi bộ, họp với nhân dân, cá biệt có nơi phải họp nhiều lần. Khi tư tưởng của người dân đã thông, Vũ Bản đã có thêm nhiều bước tiến quan trọng như vận động nhân dân hiến đất xây dựng, mở rộng giao thông thuỷ lợi và các công trình công cộng khác theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
 Đến nay, 15 thôn trong xã đã hoàn thành kế hoạch dồn đổi ruộng đất với tổng diện tích 615 ha của 2.250 hộ, trong đó phần lớn diện tích ruộng được chia chỉnh lại với tỷ lệ 1 hộ 1 thửa hoặc một hộ 2 thửa, cơ bản khắc phục được tình trạng 1 hộ nhiều thửa như trước đây. Một kinh nghiệm hay nữa phải kể đến của Vũ Bản là hoàn thiện được hệ thống giao thông nội đồng. Xã đã bố trí một cách khoa học đường giao thông nội đồng, xen giữa là máng tưới tiêu để bảo đảm tất cả các thửa ruộng đều ở cạnh đường, thuận lợi cho giao thông, đưa máy móc vào sản xuất nông nghiệp đại trà và được tưới tiêu trực tiếp từ hệ thống kênh mương. Để có hệ thống giao thông, thuỷ lợi bố trí khoa học như thế, Vũ Bản đã phải tập trung hơn 1 tháng cao điểm đào đắp, với khối lượng công việc lớn. Vì sức ép công việc đào đắp giao thông thuỷ lợi phải hoàn thành xong trước khi chia chỉnh ruộng nên xã đã phải huy động máy xúc, kết hợp với sức người để đào đắp, lúc cao điểm có hàng chục máy xúc làm việc suốt ngày đêm. Trong hơn 1 tháng, Vũ Bản đã làm hoàn thiện được 283 đoạn tuyến giao thông thuỷ lợi với tổng chiều dài 137 km.
Nối tiếp những thành công bước đầu trong công tác dồn đổi ruộng đất, thời gian tới đây Vũ Bản tiếp tục kế hoạch dồn đổi ruộng đất của 5 thôn còn lại, phấn đấu đến hết năm 2012 sẽ hoàn tất công tác này. Cùng với đó, Vũ Bản tiếp tục thực hiện nhiều công việc khác nhằm hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới như hoàn thiện hệ thống giao thông nông thôn, xây dựng khu tập trung rác thải, giải quyết việc làm cho người lao động...
 Trên cơ sở thí điểm thực hiện công tác dồn đổi ruộng đất đạt được những thành công nhất định, tỉnh Hà Nam phấn đấu đến hết năm 2014 sẽ hoàn tất công tác dồn đổi ruộng đất và tổ chức lại sản xuất. Đối với 28 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2015 sẽ phấn đấu hoàn thành công tác dồn đổi ruộng đất trong năm 2013 và đảm bảo sau dồn đổi ruộng đất nông nghiệp mỗi hộ chỉ còn 1 thửa, nơi có địa hình khó khăn 2 thửa/hộ. Theo đó, tỉnh yêu cầu các địa phương cần phải căn cứ vào tình hình thực tế của mình để xây dựng kế hoạch, phương án dồn đổi phù hợp; đảm bảo được tính công khai, dân chủ trong nhân dân.
 Với những kinh nghiệm hay đã được đúc kết và nhân rộng ra toàn tỉnh, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành chắc chắn việc dồn đổi ruộng đất của tỉnh Hà Nam sẽ hoàn thành đúng kế hoạch, tạo điều kiện tối đa cho người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, máy móc nông nghiệp lớn vào sản xuất, nâng cao chất lượng, năng suất cây trồng và cải thiện đời sống người dân, phù hợp với tiêu chí xây dựng nông thôn mới./.