Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả thực hiện chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn 6 tháng đầu năm 2014

Các ngành kinh tế Nông - Lâm - Ngư nghiệp  
Kết quả thực hiện chương trình, đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn   6 tháng đầu năm 2014
Thực hiện chương trình công tác, ngay từ đầu năm 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xây dựng chương trình công tác và cụ thể hoá nhiệm vụ cho từng tháng, quý, năm. Các chương trình, đề án trong năm cơ bản đã hoàn thành được UBND tỉnh, Bộ NN&PTNT phê duyệt và đã triển khai thực hiện trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, đê điều và phòng, chống lụt bão. Sở phối hợp với các sở, ngành, huyện, thành phố tổ chức thực hiện các chương trình, đề án giai đoạn 2011 - 2015 đạt kết quả cao như:

1. Chương trình Xây dựng nông thôn mới

Hiện nay, sở đã đôn đốc các xã xây dựng nông thôn mới đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình. Kiểm tra rà soát 14 xã đăng ký hoàn thành năm 2014 tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới và kế hoạch thực hiện, trong đó thành phố Phủ Lý 03 xã (Kim Bình, Liêm Tiết, Phù Vân), huyện Thanh Liêm 02 xã (Thanh Lưu, Thanh Nguyên), huyện Kim Bảng 02 xã (Lê Hồ, Thanh Sơn), huyện Lý Nhân 02 xã (Xuân Khê, Nhân Nghĩa), huyện Duy Tiên 03 xã (Yên Bắc, Châu Giang, Mộc Bắc), huyện Bình Lục 02 xã (An Đổ, Tiêu Động).

Đôn đốc các xã khẩn trương thực hiện dồn đổi ruộng đất gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, triển khai thực hiện các biện pháp giải quyết vấn đề môi trường ở nông thôn. 6 tháng đầu năm dồn điền đổi thửa 10.901,2 ha, trong đó huyện Bình Lục 1.890,1 ha, huyện Thanh Liêm 3.863,4 ha, huyện Lý Nhân 1.324,8 ha, huyện Duy Tiên 1.324,8 ha, huyện Kim Bảng 2.230,1 ha và thành phố Phủ Lý 268,8 ha. Đến thời điểm này toàn tỉnh có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 01 xã đạt chuẩn 17 tiêu chí; 07 xã đạt chuẩn 15 tiêu chí; 11 xã đạt chuẩn 14 tiêu chí; 07 xã đạt chuẩn 13 tiêu chí; 12 xã đạt chuẩn 12 tiêu chí; 12 xã đạt chuẩn 11 tiêu chí; 20 xã đạt chuẩn 10 tiêu chí và 22 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân cả tỉnh đến nay là 11,4 tiêu chí/xã.

2. Đề án Xây dựng khu chăn nuôi tập trung giai đoạn 2011 - 2015

Thực hiện Đề án Xây dựng khu chăn nuôi tập trung, 6 tháng đầu năm 2014, ngành NN & PTNT đẩy mạnh đôn đốc dự án xây dựng khu chăn nuôi tập trung xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng để nghiệm thu; khảo sát, hướng dẫn chủ đầu tư các xã chuẩn bị hồ sơ, thủ tục cần thiết dự kiến trình UBND tỉnh bổ sung vào quy hoạch khu chăn nuôi tập trung, gồm các dự án: Dự án Xây dựng khu chăn nuôi tập trung xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân với quy mô 1.000 con lợn thịt/lứa và Dự án Xây dựng khu chăn nuôi tập trung xã Nhân Mỹ, huyện Lý Nhân với quy mô 10.000 con gà thịt/lứa.

3. Đề án Phát triển nước sạch nông thôn giai đoạn 2011 - 2015

Tổ chức kiểm tra tiến độ, khối lượng thực hiện các công trình cấp nước tập trung như: Công trình cấp nước xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm; xã Nguyên Lý, xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân; xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên và công trình cấp nước Đồng Tâm, xã Thanh Phong, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm. Hiện tại công trình cấp nước tập trung xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, xã Nguyên Lý, xã Nhân Bình huyện Lý Nhân và công trình cấp nước tập trung xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên đã thực hiện lắp đồng hồ nước cho các hộ dân.

Đôn đốc đơn vị thi công xây dựng 06 tiểu dự án: Tiểu dự án cấp nước sạch xã An Lão, huyện Bình Lục; xã Nhân Thịnh, huyện Lý Nhân; xã Khả Phong, huyện Kim Bảng; công trình cấp nước tập trung liên xã Liêm Tuyền, Liêm Tiết, huyện Thanh Liêm; liên xã Chuyên Ngoại, Trác Văn và thị trấn Hòa Mạc, huyện Duy Tiên; liên xã Châu Sơn, Tiên Hải, Tiên Phong, huyện Duy Tiên.

4. Đề án Giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng công nghệ sinh học trong chăn nuôi lợn giai đoạn 2011 - 2015

Tập trung chỉ đạo, theo dõi, đánh giá các mô hình chăn nuôi lợn trên nền đệm lót. Kết quả đến ngày 24/7/2014 đã triển khai xây dựng được 666 mô hình đệm lót sinh học, đạt 33,3% kế hoạch với tổng diện tích 12.597 m2. Trong đó huyện Kim Bảng 205 mô hình, huyện Lý Nhân 40 mô hình, huyện Bình Lục 197 mô hình, huyện Thanh Liêm 145 mô hình, huyện Duy Tiên 59 mô hình và thành phố Phủ Lý xây dựng được 20 mô hình.

5. Kết quả thực hiện Đề án Phát triển chăn nuôi bò sữa

Ngành NN & PTNT đã phối hợp với các sở, ngành, huyện, thành phố hoàn thành quy hoạch khu chăn nuôi bò sữa tập trung tại xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân với diện tích 11 ha; cơ bản hoàn thành khu chăn nuôi bò sữa tập trung xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên với diện tích 54 ha. Đang quy hoạch các khu chăn nuôi bò sữa tập trung tại các xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên; xã Chân Lý, xã Nhân Đạo, xã Nhân Bình, xã Xuân Khê ,huyện Lý Nhân. Tổ chức đi thăm quan mô hình và học tập kinh nghiệm trong quản lý, chăn nuôi bò sữa tại Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu. Tổ chức tập huấn cho 185 hộ trên địa bàn huyện Lý Nhân đăng ký nuôi 1.084 con bò sữa. Chuẩn bị triển khai tập huấn cho các hộ chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện Duy Tiên.

Ngân hàng NN & PTNT đã giải ngân cho nông dân vay mua bò sữa: Xã Mộc Bắc có 28 hộ vay tổng số 3,921 tỷ đồng mua 73 con, xã Chuyên Ngoại 07 hộ vay 750 triệu đồng mua 13 con, xã Mộc Nam 01 hộ vay 150 triệu đồng mua 03 con, Trác Văn 5 hộ vay 850 triệu đồng mua 17 con,  Yên Nam 01 hộ vay 300 triệu đồng mua 05 con. Trong 6 tháng đầu năm, các hộ chăn nuôi đã mua mới 123 con bò sữa, tổng đàn bò sữa hiện nay trên địa bàn tỉnh có 698 con với tổng sản lượng sữa 4,6 tấn/ngày.

6. Đề án Phát triển lúa gieo thẳng tỉnh Hà Nam năm 2014 (vụ Xuân)

Vụ Xuân năm 2014, thực hiện kế hoạch của Đề án, ngành NN & PTNT đã chỉ đạo triển khai 09 mô hình gieo thẳng, tổng quy mô 135 ha (quy mô 15 ha/mô hình) với tổng số 571 hộ tham gia. Toàn tỉnh có 100/112 xã, phường có diện tích gieo thẳng trong đó có 55 xã, phường đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Diện tích gieo thẳng toàn tỉnh vụ Xuân 12.220,5 ha, đạt 98% kế hoạch.

Hiệu quả của lúa gieo thẳng hơn lúa cấy từ 280.000 - 300.000đ/sào. Trong đó giảm chi phí chủ yếu là nhân công lao động khoảng 170.000 - 190.000đ/sào, năng suất tăng khoảng 8 - 10% tương đương 110.000đ/sào. Như vậy với trên 135 ha gieo thẳng, vụ Xuân năm 2014 nông dân đã được lợi hơn so với lúa cấy khoảng 11 tỷ đồng.        

7. Đề án Phát triển sản xuất nấm ăn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2012 – 2015

Hiện nay, toàn tỉnh đã có 45 hộ trồng nấm rơm với 109 tấn rơm nguyên liệu, 15 hộ trồng nấm sò bằng rơm với 61 tấn rơm nguyên liệu và 10,5 vạn bịch nấm sò bằng mùn cưa. Trong đó huyện Lý Nhân có 07 hộ trồng nấm rơm và 10 hộ trồng nấm sò với số lượng rơm là 100 tấn, huyện Duy Tiên có 06 hộ trồng nấm rơm với số lượng rơm là 11 tấn, huyện Bình Lục có 06 hộ trồng nấm rơm với số lượng rơm là 16 tấn, huyện Kim Bảng có 10 hộ trồng nấm rơm và 01 hộ trồng nấm sò với số lượng rơm là 18 tấn, huyện Thanh Liêm có 07 hộ trồng nấm rơm và 03 hộ trồng nấm sò với số lượng rơm là 44 tấn, thành phố Phủ Lý có 09 hộ trồng nấm rơm và 01 hộ trồng nấm sò với số lượng rơm là 28 tấn.

8. Đề án Xây dựng mô hình cánh đồng mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2013 - 2015

Bước đầu làm thay đổi tư duy sản xuất của nông dân gắn với ký kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp có sự giúp đỡ tích cực của chính quyền các cấp.

Kết quả tập huấn: Tổ chức tập huấn, tuyên truyền nội dung, chủ trương chính sách, các biện pháp tổ chức chỉ đạo và giải pháp thực hiện Đề án cho cán bộ và nông dân trực tiếp tham gia xây dựng mô hình điểm cho 900 người.

Kết quả xây dựng mô hình: Phối hợp với Công ty Phân bón Hoa Tín, Công ty TNHH Nam Dương, Công ty Giống cây trồng trung ương, Công ty Giống cây trồng Hà Nam, Công ty Giống cây trồng Ninh Bình xây dựng 06 mô hình điểm cánh đồng mẫu với tổng diện tích 198,5 ha (mỗi huyện, thành phố là 01 mô hình điểm từ 30 ha trở lên/cánh đồng/xã). Cụ thể như sau: Mô hình sản xuất giống lúa Nếp 97 với diện tích 30 ha tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên; mô hình sản xuất giống lúa Bắc Thơm số 7 với diện tích 37,5 ha tại xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng; mô hình sản xuất giống lúa Bắc Thơm số 7 với diện tích 34 ha tại xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân; mô hình sản xuất giống lúa A126 với diện tích 32 ha tại xã An Ninh, huyện Bình Lục; mô hình sản xuất giống lúa Khang Dân 18 diện tích 30 ha tại xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm và mô hình sản xuất giống lúa Ải 32 tại xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý.

Kết quả mua máy cơ giới hóa nông nghiệp: Các địa phương đã tổ chức mua 03 máy làm đất, 18 công cụ sạ hàng và 01 máy gặt đập liên hợp phục vụ Mô hình “Cánh đồng mẫu”. Cụ thể xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên mua 01 máy làm đất; xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng mua 01 máy làm đất; xã An Ninh, huyện Bình Lục mua 06 công cụ sạ hàng; xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm mua 06 công cụ sạ hàng và 01 máy gặt đập liên hợp; xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý mua 06 công cụ sạ hàng và 01 máy làm đất.

Mô hình “Cánh đồng mẫu” nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các địa phương, các xã đã chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt việc gieo cấy cùng giống, đồng trà, bảo vệ tốt, chăm sóc và bón phân kịp thời nên lúa sinh trưởng phát triển tốt, độ đồng đều cao. Có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp ký thực hiện hợp đồng sản xuất, tiêu thụ lúa giống, lúa chất lượng cao. Hiệu quả kinh tế tăng hơn so với đại trà khoảng từ 8 - 15%.