Uống rượu, bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ bị kích động thần kinh, chạy xe với tốc độ cao; người lái xe có thể ngủ gật trong khi điều khiển xe. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe; làm giảm khả năng điều khiển tự chủ dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông. Lạm dụng rượu, bia là nguyên nhân gia tăng số vụ tai nạn giao thông. Tăng cường phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu, bia là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) trong giai đoạn hiện nay của Chính phủ Việt Nam cũng như Chương trình “Thập kỷ hành động vì ATGT đường bộ toàn cầu” do Liên hợp quốc phát động.
Hà Nam là một trong 5 địa phương (cùng với Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc) thực hiện thí điểm hiệu quả việc kiểm tra nồng độ cồn thân thiện. Với phương pháp này sẽ có một lượng lớn người điều khiển phương tiện được kiểm soát, qua đó sàng lọc những người vi phạm với ưu điểm là không mất thời gian, giảm thiểu các thủ tục khác. Ở Hà Nam, thực hiện chỉ đạo của giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã tập trung kiểm soát, xử lý theo chuyên đề vi phạm nồng độ cồn trên phạm vi toàn tỉnh. Để phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm đạt hiệu quả, lực lượng CSGT đã tập trung tổ chức tuần tra, kiểm soát vào các giờ cao điểm, các buổi tối, các ngày nghỉ, ngày lễ. Cùng với biện pháp phạt tiền, tước giấy phép lái xe, các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đều bị lực lượng CSGT lập hồ sơ, gửi thông báo về địa phương, cơ quan, đơn vị người vi phạm. Đặc biệt, Công an tỉnh triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông và các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, nhất là tác hại của việc sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. UBND tỉnh cũng ban hành quy định về việc cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng rượu, bia trong giờ hành chính và khi tham gia giao thông. Ban ATGT tỉnh tổ chức phát hàng nghìn tờ rơi, trưng treo khẩu hiệu, panô, áp phích có nội dung tuyên truyền về tác hại của rượu, bia và giao thông; thông báo rộng rãi mức xử phạt người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 171 của Chính phủ. Để tăng cường tính răn đe đối với người vi phạm, lực lượng CSGT kiên quyết xử lý mọi đối tượng vi phạm theo đúng quy định. Trường hợp người vi phạm, lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt mức 03 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô và 15 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ của cộng đồng, vừa qua, Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện Chương trình cổ động tuyên truyền về kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tại các tỉnh, thành phố trên cả nước với các thông điệp: “Tính mạng con người là trên hết”; “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”. Thực hiện chương trình, Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông, Vụ Thông tin cơ sở, Trung tâm Dịch vụ thông tin và truyền thông đã phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện in băng rôn, phướn treo trên các tuyến đường nhằm tuyên truyền về kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Tại Hà Nam, chương trình được triển khai hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; từng bước hình thành thói quen không điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sau khi sử dụng rượu, bia nhằm giảm các vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ.
Thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho bản thân và cộng đồng, nhân dân tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục tích cực thực hiện, tuyên truyền, vận động, ngăn chặn đối với những người thường xuyên sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn khi tham gia giao thông; thực hiện đúng quy định của pháp luật “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững./.