Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam – Vùng đất hấp dẫn đầu tư

Toàn cảnh  
Hà Nam – Vùng đất hấp dẫn đầu tư
 

Hà Nam nằm ở tọa độ địa lý trên 20o vĩ độ Bắc và giữa 105o - 110o kinh độ Đông, phía Tây - Nam châu thổ sông Hồng, trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế Bắc Bộ.

Tỉnh Hà Nam cách thủ đô Hà Nội hơn 50 km (là cửa ngõ phía Nam của thủ đô), phía Bắc giáp với Hà Nội, phía Đông giáp với Hưng Yên và Thái Bình, phía Nam giáp Nam Định và Ninh Bình, phía Tây giáp Hòa Bình. Vị trí địa lý này tạo rất nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế và xã hội của tỉnh. Tỉnh Hà Nam bao gồm 6 đơn vị hành chính cấp huyện và thành phố: thành phố Phủ Lý (tỉnh lỵ của tỉnh), huyện Duy Tiên, huyện Kim Bảng, huyện Lý Nhân, huyện Thanh Liêm và huyện Bình Lục.

Góc phố thành phố Phủ Lý

Nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc - Nam, trên địa bàn tỉnh có Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam chạy qua với chiều dài gần 50km và các tuyến đường giao thông quan trọng khác như: Quốc lộ 21, Quốc lộ 21B, Quốc lộ 38. Hơn 4.000 km đường bộ bao gồm các đường Quốc lộ, tỉnh lộ cùng các tuyến giao thông liên huyện, liên xã, thị trấn đã được rải nhựa hoặc bê tông hóa. Hơn 200 km đường thủy có luồng lạch đi lại thuận tiện với 42 cầu đường đã được xây dựng kiên cố và hàng nghìn km đường giao thông nông thôn tạo thành một mạng lưới giao thông khép kín, tạo điều kiện thuận lợi về đi lại và vận chuyển hàng hóa cho các phương tiện cơ giới. Từ thành phố Phủ Lý có thể đi tới các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Vị trí chiến lược quan trọng cùng hệ thống giao thông thủy, bộ, sắt tạo cho Hà Nam lợi thế rất lớn trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật với các tỉnh trong vùng và cả nước, đặc biệt là với thủ đô Hà Nội và vùng trọng điểm phát triển kinh tế Bắc bộ.

Tài nguyên đất đai với địa hình đa dạng là nguồn lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế của tỉnh. Hà Nam có diện tích tự nhiên 851 km2 nằm trong vùng trũng của đồng bằng sông Hồng và giáp với vùng núi của tỉnh Hòa Bình và vùng Tây Bắc. Phía Tây của tỉnh là vùng đồi núi bán sơn địa với các dãy núi đá vôi, núi đất và đồi rừng. Đất đai ở vùng này rất thích hợp với các loại cây lâm nghiệp, cây công nghiệp và cây ăn quả. Vùng đồng bằng phía Đông của tỉnh được tạo nên bởi phù sa của các sông lớn như: sông Đáy, sông Châu, sông Hồng. Đất đai màu mỡ, thích hợp cho canh tác lúa nước, hoa màu, rau, đậu, thực phẩm. Những dải đất bồi ven sông đặc biệt thích hợp với các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, dâu, lạc, đỗ tương và cây ăn quả. Ngoài ra đây cũng là vùng thuận lợi cho việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và phát triển nghề chăn nuôi gia cầm dưới nước.

Núi đá vôi ở Kim Bảng

Đá vôi, nguồn tài nguyên khoáng sản chủ yếu của Hà Nam, có trữ lượng lớn tới hơn 7 tỷ m3. Đây là nguyên liệu quan trọng cho phát triển các nghành công nghiệp sản xuất xi măng, vôi, sản xuất bột nhẹ, làm vật liệu xây dựng. Phần lớn các tài nguyên khoáng sản phân bố gần trục đường giao thông, thuận tiện cho việc khai thác, vận chuyển và chế biến. Sản phẩm xi măng Bút Sơn của Hà Nam hiện đã có mặt trong hầu hết các công trình xây dựng lớn của đất nước. Với tiềm năng khoáng sản, trong tương lai, Hà Nam có thể trở thành một trong những trung tâm công nghiệp vật liệu xây dựng lớn ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Một đoạn Quốc lộ 1A qua Phủ Lý

Từ 2005 đến nay, kinh tế - xã hội của Hà Nam đã có những bước tiến vượt bậc và đạt được những thành tựu quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, nông thôn được đầu tư phát triển; các lĩnh vực văn hoá xã hội có nhiều tiến bộ mới; đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GDP) tăng bình quân 13%/năm, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của một số tỉnh trong vùng. Tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4%/năm, công nghiệp và xây dựng tăng 23,4%/năm và các ngành dịch vụ tăng 18,6%/năm. Việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giống mới, trồng cây xuất khẩu, sản xuất lúa giống và nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi như sản xuất trên vùng đất trũng, kinh tế trang trại, kinh tế vườn đồi... đang tạo cho kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: ngành công nghiệp và xây dựng tăng từ 39,68% năm 2005 lên 46,25% năm 2009, dịch vụ giảm từ 31,76% năm 2005 xuống còn 30,36% năm 2009, nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 28,55% năm 2005 xuống còn 23,39% năm 2009. Quá trình đổi mới theo hướng đa dạng hóa các hình thức sản xuất, kinh doanh làm cho hoạt động kinh tế trong mỗi ngành, mỗi lĩnh vực trở nên sôi động, đặc biệt là kinh tế hộ gia đình trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, kinh tế tư nhân, cá thể và các loại hình kinh tế khác trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Nhà máy xi măng Bút Sơn

Trong 5 năm, Hà Nam đã quy hoạch và được Chính phủ phê duyệt 8 khu công nghiệp với tổng diện tích 1.780 ha tại các vị trí thuận lợi giao thông. Hiện có 4 khu công nghiệp đã được đầu tư cơ sở hạ tầng thu hút trên 100 dự án đầu tư, trong đó có 35 dự án đầu tư nước ngoài. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho gần 20 nghìn lao động, nộp ngân sách Nhà nước gần 300 tỷ đồng/năm. Đến năm 2010, giá trị sản xuất trong khu công nghiệp chiếm 55% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

 Vị trí địa lý, sự đa dạng về đất đai, địa hình và thổ nhưỡng, điều kiện khí hậu thuỷ văn thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào, có trình độ văn hóa, có khả năng tiếp nhận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ, hạ tầng kinh tế - xã hội đã phát triển của Hà Nam là những yếu tố tích cực để phát triển một nền công nghiệp hiện đại, nông nghiệp tiên tiến và đa dạng, cả về chăn nuôi và trồng trọt, lâm nghiệp và thủy sản. Tiềm năng về phát triển kinh tế của tỉnh còn rất lớn, với sự đầu tư mạnh mẽ, khai thác và sử dụng một cách hợp lý sẽ thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng về kinh tế - xã hội trong tương lai.

Tin liên quan