Người dân ở thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục) vẫn còn bị ám ảnh vụ TNGT xảy ra tại tiểu khu 1, thị trấn Bình Mỹ giữa xe ô tô khách mang biển kiểm soát 18N-3015 do Nguyễn Ngọc Quý, sinh năm 1975 ở Xuân Trường (Nam Định) điều khiển với xe mô tô mang biển kiểm soát 90F8- 9352 đi ngược chiều. Vụ tai nạn khiến 2 người chết tại chỗ và 01 người bị thương nặng. Nguyên nhân vụ TNGT được xác định là do lái xe ô tô đã uống rượu lúc ăn trưa, khi điều khiển phương tiện đã không làm chủ được tay lái, lấn trái đường và đâm trực diện vào xe mô tô. Hay gần đây nhất vụ TNGT xảy ra tại tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa bàn xã Duy Minh (Duy Tiên). Chiếc xe mô tô biển kiểm soát 90H2-4006 do 3 thanh niên điều khiển. Vì uống rượu say, chạy quá tốc độ, lấn chiếm lòng đường đã đâm vào người đi cùng chiều, khiến người này chết tại chỗ, 02 trong số 03 thanh niên kia cũng bị thương… Đây chỉ là hai trong hàng trăm vụ TNGT có liên quan đến rượu bia đã xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Trước những tiềm ẩn TNGT do rượu bia gây ra, thực hiện chỉ đạo của giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã xây dựng kế hoạch tập trung kiểm soát, xử lý theo chuyên đề vi phạm nồng độ cồn trên phạm vi toàn tỉnh. Để phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm đạt hiệu quả, lực lượng CSGT đã tập trung tổ chức tuần tra, kiểm soát vào các giờ cao điểm, các buổi tối, các ngày nghỉ, ngày lễ. Cùng với biện pháp phạt tiền, tước giấy phép lái xe, các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đều bị lực lượng CSGT lập hồ sơ, gửi thông báo về địa phương, cơ quan, đơn vị người vi phạm. Đặc biệt, ngay từ đầu năm 2014, Phòng CSGT đã tham mưu cho giám đốc Công an tỉnh triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông và các quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, nhất là tác hại của việc sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông. UBND tỉnh cũng ban hành quy định về việc cấm cán bộ, công chức, viên chức sử dụng rượu, bia trong giờ hành chính và khi tham gia giao thông. Ban An toàn giao thông tỉnh tổ chức phát hàng nghìn tờ rơi, trưng treo khẩu hiệu, panô, áp phích có nội dung tuyên truyền về tác hại của rượu, bia và giao thông; thông báo rộng rãi mức xử phạt người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định 171 của Chính phủ. Thượng úy Nguyễn Xuân Hưng, cán bộ Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: Chuyên đề xử lý nồng độ cồn được coi là một trong những giải pháp tích cực, đồng bộ nhằm hạn chế những hành vi, vi phạm trật tự an toàn giao thông. Do vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường lực lượng cũng như phương tiện xử lý, tập trung vào các giờ cao điểm và ngày cao điểm như sau bữa ăn, trong các ngày cuối tuần, nghỉ lễ. Thời điểm đầu triển khai chuyên đề đã có khá nhiều lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định bị xử phạt. Nhưng sau một thời gian, người dân đã dần ý thức được vấn đề này, số người vi phạm giảm dần. Anh Nguyễn Thành Nam, trú ở Phường Lê Hồng Phong (thành phố Phủ Lý), người được kiểm tra nồng độ cồn, cho biết: Tôi rất ủng hộ việc kiểm tra nồng độ cồn thường xuyên của lực lượng CSGT. Bởi qua đó, những người sử dụng rượu, bia sẽ nâng cao được nhận thức, ý thức, không điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống bia, rượu. Đồng thời, có trách nhiệm, tự giác hơn trong việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông, hạn chế được TNGT.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chuyên đề xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông của lực lượng chức năng hiện đang gặp một số khó khăn nhất định từ chính sự thiếu hợp tác của những người vi phạm. Nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn vẫn thường xảy ra, có người cố tình lảng tránh khi bị yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn hoặc cố tình không chịu thổi. Đặc biệt, nhiều người do sẵn có hơi men trong người, không làm chủ bản thân đã có những lời nói quá khích, thiếu tôn trọng lực lượng thực thi nhiệm vụ… Song, để tăng cường tính răn đe đối với người vi phạm, lực lượng CSGT kiên quyết xử lý mọi đối tượng vi phạm theo đúng quy định. Trường hợp người vi phạm, lực lượng chức năng lập biên bản xử phạt mức 03 triệu đồng đối với người điều khiển xe mô tô và 15 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô. Bằng những biện pháp linh hoạt trong công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết trong xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, từ đầu năm 2014 đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã kiểm tra 5.092 trường hợp, phát hiện, xử lý 118 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, trong đó vi phạm tập trung chủ yếu ở người điều khiển xe mô tô.
Thượng tá Nguyễn Khánh Trường, Phó trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: Thời gian từ nay đến cuối năm, tình hình trật tựan toàn giao thông được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Bởi vậy, lực lượng CSGT trong tỉnh sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp nghiệp vụ, xử lý đối với người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn. Ngoài các tuyến đường trọng điểm như quốc lộ, tỉnh lộ, lực lượng công an sẽ tăng cường tuần tra, xử lý trên các tuyến từ thành thị đến nông thôn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, để góp phần hạn chế TNGT, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức chấp hành pháp luật của mỗi cá nhân. Cùng với đó, các tổ chức đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, từng bước hình thành thói quen “đã uống rượu bia thì không lái xe”. Đồng thời, mỗi người dân cũng cần nêu cao tính đồng thuận đối với việc cưỡng chế các đối tượng cố tình vi phạm quy định của pháp luật về sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông, từng bước xây dựng “Văn hóa giao thông” trên địa bàn./.