Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật trong trường học

Tin theo lĩnh vực Giáo dục  
Giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật trong trường học
Những năm qua, để từng bước đạt được các mục tiêu về giáo dục hòa nhập (GDHN), ngành Giáo dục đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo GDHN cho học sinh khuyết tật; chỉ đạo các địa phương, các đoàn thể, tổ chức xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về trách nhiệm chăm sóc, giáo dục cho người khuyết tật và tổ chức để đưa học sinh khuyết tật đến trường học. Tại các nhà trường có học sinh thuộc diện GDHN học tập đã thực hiện tốt các quy trình như  điều tra, xây dựng kế hoạch và cử cán bộ, giáo viên vận động học sinh khuyết tật trong độ tuổi đến trường.

Ở các cấp học, mỗi năm học đã huy động được hàng trăm học sinh khuyết tật học hòa nhập. Như với cấp tiểu học, trong tổng số hơn 300 học sinh khuyết tật học hòa nhập được huy động đến trường, các cơ sở giáo dục (CSGD) đã tạo điều kiện để trẻ khuyết tật có cơ hội tiếp cận giáo dục, trong đó có đánh giá đối với trên tỉ lệ 60% học sinh đủ điều kiện. Các CSGD cấp tiểu học tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch giáo dục người khuyết tật theo Luật Người khuyết tật 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục người khuyết tật, bảo đảm tất cả học sinh khuyết tật học hòa nhập được lập hồ sơ giáo dục cá nhân và điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với khả năng, nhu cầu của từng cá nhân.

Giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật trong trường học
Việc GDHN cho những trẻ thuộc diện GDHN đã được các trường mầm non quan tâm thực hiện tốt. Trong ảnh, hoạt động học của cô và trẻ Trường Mầm non Hòa Hậu (Lý Nhân).

Bên cạnh đó, các CSGD chủ động đánh giá mức độ khuyết tật của học sinh thuộc diện GDHN để linh hoạt điều chỉnh các hoạt động tổ chức dạy học và có phương pháp dạy học, đánh giá, xếp loại học sinh khuyết tật phù hợp, giúp học sinh có thêm cơ hội được học tập và tham gia vào các hoạt động của nhà trường. Đã có không ít nhà giáo có chung quan điểm: GDHN là một trong những mô hình được đánh giá tiến bộ, văn minh khi mang tới cho học sinh, trẻ mầm non yếu thế về trí tuệ, vận động sự bình đẳng và cơ hội học tập tốt trong hệ thống các nhà trường như mọi trẻ bình thường. Đồng thời, giúp cho trẻ và học sinh thuộc diện GDHN được phát triển trong môi trường tự nhiên, có thể tiếp cận và làm quen với nhiều kỹ năng, nhất là kỹ năng hòa nhập xã hội. Đồng thời, xây dựng môi trường GDHN, an toàn, chất lượng và hiệu quả cho học sinh khuyết tật.

Trên cơ sở nghiêm túc thực hiện các văn bản hướng dẫn về công tác GDHN cho học sinh khuyết tật, bảo đảm quyền lợi học tập cho người khuyết tật, các CSGD cấp trung học đã phối hợp thống kê số học sinh khuyết tật của từng địa bàn và tùy thuộc vào mức độ, dạng khuyết tật của học sinh trong độ tuổi để  động viên tham gia học hòa nhập tại các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh. Trong số học sinh khuyết tật được huy động học hòa nhập ở hai cấp THCS và THPT của tỉnh hầu hết là học sinh có các dạng tật như: khuyết tật vận động, khuyết tật nghe-nói, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật thần kinh, tâm thần và một số dạng khuyết tật khác. Đã có hơn 2.000 giáo viên của cả 2 cấp học được phân công trực tiếp thực hiện nhiệm vụ GDHN cho học sinh khuyết tật. Đội ngũ này được tham gia các lớp học và thực hành với nhiều nội dung về quản lý GDHN, phương pháp hướng dẫn và hỗ trợ học sinh khuyết tật.

Giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật trong trường học
Công tác GDHN được các nhà trường có kế hoạch thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế. Trong ảnh, giáo viên Trường Tiểu học Tràng An (Bình Lục) hướng dẫn học sinh học tập.

Nhiều năm qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo cho các đơn vị nhà trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nghiêm túc nghiên cứu các văn bản liên quan đến công tác GDHN học sinh khuyết tật, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm cá nhân đối với việc tham gia thực hiện nhiệm vụ này. Trong kế hoạch mỗi năm học, công tác GDHN học sinh được các nhà trường xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách đối với trẻ khuyết tật, quy định về GDHN cho người tàn tật, khuyết tật; huy động xã hội hóa cho trang bị cơ sở vật chất, thiết bị đặc thù phục vụ GDHN; huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường và bảo đảm học sinh khuyết tật học hoà nhập có hồ sơ quản lý theo quy định.

Cô giáo Hoàng Thị Hiếu, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Sơn (Phủ Lý) cho biết: Cùng với các hoạt động giáo dục trong chương trình chung, nhà trường còn tổ chức đa dạng các loại hình giúp học sinh khuyết tật trong học tập và sinh hoạt  tập thể như: hình thức đôi bạn học tập, nhóm cùng bạn đến trường, trao học bổng cho học sinh khuyết tật vượt khó vươn lên trong học tập, biểu dương các cá nhân, tập thể có việc làm tốt giúp học sinh khuyết tật trong trường, lớp. Đồng thời, quan tâm xây dựng quy trình GDHN cho học sinh khuyết tật theo các bước: tìm hiểu khả năng và nhu cầu của mỗi học sinh, xác định mục tiêu và lập kế hoạch học tập cụ thể, thực hiện điều chỉnh chương trình, thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với khả năng và nhu cầu của mỗi học sinh, đánh giá kết quả học tập.

Giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật trong trường học
Giáo viên Trường THCS Châu Sơn (Phủ Lý) linh hoạt trong việc tiếp cận, thực hiện các biện pháp GDHN tích cực.

Tuy nhiên, công tác GDHN hiện vẫn gặp không ít khó khăn làm ảnh hưởng tới chất lượng thực hiện nhiệm vụ này của các nhà trường khi tỉ lệ huy động học sinh khuyết tật ra lớp thực hiện các mục tiêu hòa nhập của tỉnh ta tương đối cao nhưng tỉ lệ học sinh hòa nhập thành công vẫn còn khá thấp. Trong đó, do chương trình giáo dục trong trường phổ thông hiện nay chưa có riêng một chương trình cho học sinh thuộc diện GDHN nên nhà trường phải chủ động giao việc tiếp nhận học sinh GDHN cho các giáo viên có kinh nghiệm, có kỹ năng tiếp cận và giáo dục, yêu cầu học sinh thuộc thể khuyết tật nào thì có phương pháp giáo dục ở thể đó. Bên cạnh đó, do tâm lý học sinh khuyết tật hay mặc cảm, tự ti, cơ sở vật chất và trang thiết bị đặc thù phục vụ cho GDHN chưa đáp ứng yêu cầu học tập và vận động của học sinh khuyết tật, đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo bài bản về GDHN cũng như kỹ năng giao tiếp, phương pháp dạy học và kèm cặp, giúp đỡ học sinh khuyết tật. Đặc biệt, có không ít phụ huynh còn có tâm lý sợ con bị kì thị nên không hợp tác lập hồ sơ xác nhận trẻ khuyết tật nên rất khó cho các CSGD trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh… Thực tế này đặt ra cho công tác GDHN những vấn đề cần được quan tâm hơn nữa.

 Thanh Hà

Theobaohanam.com.vn

https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/giao-duc-hoa-nhap-cho-hoc-sinh-khuyet-tat-trong-truong-hoc-109676.html​