Anh Hậu cho biết: Sở dĩ tôi chọn cây thuốc cà gai leo vì có khả năng mở rộng cả trong sản xuất và thị trường tiêu thụ. Các doanh nghiệp chế biến dược phẩm có thể mua hàng chục tấn sản phẩm/một lần xuất bán...
Cà gai leo, một vị thuốc nam phổ biến và được dùng chế biến tinh dầu, cao, khá dễ trồng, hầu như không có sâu, bệnh. Việc trồng cà gai leo được anh Hậu áp dụng theo phương pháp hữu cơ, chủ yếu sử dụng phân chuồng hoai mục bón lót. Luống trồng cà gai leo được phủ nilon nên hạn chế tối đa cỏ dại. Khâu thu hoạch đã được anh Hậu đầu tư máy cắt và máy thái nên giảm nhiều chi phí so với làm thủ công.
Theo anh Hậu, trồng cây cà gai leo chủ yếu chi phí giống, nilon phủ luống vụ đầu tiên, còn lại cây cho thu hoạch trong 3 vụ mới phải trồng lại. Trong khi đó, cà gai leo cho giá trị cao gấp 3 lần so với trồng ngô trước đây.
Hiện nay, việc tích tụ ruộng đất trồng cây dược liệu đã được thực hiện tại một số xã trong tỉnh, như tại xã Mỹ Thọ (Bình Lục) đã có một hộ thuê 3 ha đất trồng cây bạch chỉ. Đây là loại cây dược liệu có thể trồng được trên vùng đất trũng, cho giá trị cao hơn so với cấy lúa.
Hay tại xã Mộc Bắc (Duy Tiên), từ hàng chục năm nay đã có nhiều hộ thuê lại đất của xã để trồng cây húng quế. Thời gian cao điểm có hộ trồng đến 10 ha và hiện nay cả xã vẫn duy trì trồng 30 ha, trực tiếp trưng cất tinh dầu húng quế cung cấp cho thị trường. Bình quân một sào húng quế thu được 7 – 8 kg tinh dầu/năm, bán giá 800 nghìn đồng/kg, cho thu nhập khoảng 6 triệu đồng (chưa kể có thời điểm giá tinh dầu lên hơn 1 triệu đồng/kg). Từ cách làm của người dân Mộc Bắc, tại vùng bãi xã Nguyên Lý (Lý Nhân) đã có hộ áp dụng trồng húng quế lấy tinh dầu với diện tích gần 10 ha.
Ông Phạm Công Sứ, Giám đốc HTXDVNN Mộc Bắc cho biết: Việc người dân tích tụ ruộng đất trồng cây dược liệu húng quế lấy tinh dầu được duy trì và trở thành một trong hướng đi chủ lực trên vùng đất bãi của xã. Qua nhiều năm đã khẳng định, đây là loại cây trồng có sự ổn định khá cao cả về diện tích và hiệu quả sản xuất.
Qua thực tế tại những vùng trồng cây dược liệu cho thấy, các loại cây trồng này khá phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất lúa và cây màu truyền thống.
Tuy nhiên, việc trồng cây dược liệu chủ yếu là tự phát của người dân, nên chịu tác động rất lớn của thị trường tự do về giá cả. Ngay với cây húng quế mặc dù được trồng từ lâu nhưng giá bán tinh dầu khá bấp bênh theo từng vụ, từng thời điểm. Đã có giai đoạn một kg tinh dầu húng quế xuống thấp bằng 50 - 60% so với bình thường. Vì thế, cũng như các loại cây trồng khác, cây dược liệu rất cần có quy hoạch vùng sản xuất đủ lớn và liên kết cùng doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy, việc tích tụ ruộng đất trồng cây dược liệu mới thực sự đem lại hiệu quả và phát triển bền vững.
Mạnh Hùng