Dự hội thảo có đồng chí: Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Nam; các đồng chí: ĐặngThanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Anh Chức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Thế Phiệt, Phó Viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc; đại diện lãnh đạo Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển (Hội Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Viêt Nam; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố; các đồng chí Thường vụ Huyện ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện Lý Nhân và xã Trần Hưng Đạo..
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lê Dũng
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Chức nhấn mạnh: Đây là hoạt động khoa học có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục bồi đắp, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước. Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân đã luôn quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích đền Trần Thương và lễ hội tại di tích; qua đó khẳng định những giá trị tiêu biểu, đặc sắc, những nét riêng của di sản.
Đoàn chủ tọa Hội thảo
Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập phát triển kinh tế hiện nay, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đền Trần Thương cũng đang đối mặt với những thách thức, khó khăn và bất cập trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và khai thác đáp ứng mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh hy vọng, thông qua hội thảo sẽ làm sáng tỏ hơn và khẳng định giá trị nổi bật đền Trần Thương, chỉ ra những tồn tại bất cập cần khắc phục, qua đó đưa ra các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị của di tích trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.
Đồng thời, qua hội thảo sẽ giúp những người làm công tác quản lý, nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, lịch sử của Hà Nam có thêm kiến thức, kinh nghiệm, tham mưu đưa ra những giải pháp để quy hoạch, bảo tồn, phát huy tốt hơn nữa giá trị Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương.
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Chức phát hiểu tại hội thảo
Trong đề dẫn hội thảo, TS Nguyễn Minh San, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam nêu vấn đề: Có kho tàng của nhà Trần đặt ở Lý Nhân để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai không? Tại sao lại chọn Lý Nhân? Ai là người chỉ huy triển khai xây dựng? Tính thiêng của đền Trần Thương; ý nghĩa cụm từ “thác Trần Thương"; các hình thức thờ trong cụm Di tích đền Trần Thương; các lễ hội tại đền Trần Thương. Việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vât thể tại Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương… Đây là những nội dung các nhà nghiên cứu và đại biểu quan tâm thảo luận.
Đồng chí Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Để làm rõ hơn về nội dung hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Doan nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, di tích và lễ hội là của dân, phải làm sao cho dân được hưởng nhiều nhất, phấn khởi nhất, dân được tham gia và thụ hưởng nhiều nhất. Hy vọng sau hội thảo lễ hội ở đền Trần Thương sẽ được tổ chức tốt hơn, phát huy giá trị di sản văn hóa tâm linh ở di tích quốc gia đặc biệt này.
Hội thảo đã nhận được 32 bài tham luận, trong đó có 6 bài tham luận tham gia trực tiếp tại hội thảo.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết trình bày ý kiến tham luận tại Hội thảo
Tổng kết Hội thảo, TS Phạm Việt Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Văn hóa và Phát triển nhận xét: Đền Trần Thương là một di tích linh thiêng, là nơi ký thác của tiền nhân với hậu thế nhằm giữ gìn truyền thống dân tộc cần được bảo tồn nguyên gốc. Tính thiêng của đền là một trong những yếu tố bảo đảm an ninh tinh thần. Các biện pháp quản lý, bảo vệ môi trường đã được thực hiện quả.
TS Phạm Việt Long tổng kết Hội thảo
Các di tích liên quan đến Kho lương nhà Trần tại đền Trần Thương là những di tích quan trọng, là nguồn thông tin quý giá về văn hóa, lịch sử, kiến trúc nghệ thuật thời kỳ đó. Người dân đã có ý thức bảo vệ kho tàng này, đây là minh chứng cho lòng yêu nước và trung thành của nhân dân Việt Nam.
Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương cũng là một điểm du lịch hấp dẫn. Các ý kiến đã đưa ra các giải pháp sáng tạo để tạo ra trải nghiệm du lịch phong phú, đồng thời bảo vệ di tích khỏi những tác động tiêu cực. Một khía cạnh được thảo luận là chuyển đổi số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Hội thảo cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên kết du lịch với phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống người dân địa phương. Nhiều bài tham luận đã làm nổi bật những khía cạnh quan trọng và đa chiều của Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương. Sự đồng thuận trong giữ gìn và phát huy giá trị của đền, cùng với những đề xuất phát triển là nền tảng để xây dựng một tương lai tươi sáng cho nơi này; đồng thời làm giàu thêm văn hóa, lịch sử cho cộng đồng và du khách./.
Chu Bình
https://baohanam.com.vn/van-hoa/hoi-thao-khoa-hoc-di-tich-quoc-gia-dac-biet-den-tran-thuong-bao-ton-phat-huy-gia-tri-lich-su-van-hoa-gan-voi-phat-trien-du-lich-110122.html.