Khái lược về gia đình đồng chí Nguyễn Hữu Tiến
Ông nội đồng chí Nguyễn Hữu Tiến - cụ Nguyễn Hữu Điều (1858 - 1925) sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước, được ăn học đầy đủ, đỗ Sinh Đồ và được phong chức Ấm Sinh. Cụ Ấm Điều được thừa hưởng gia tài của cha là Nguyễn Trọng Nhiêu nên có cuộc đời nhàn tản, không chịu phục tùng giai cấp thống trị đương thời, cụ mở lớp dạy chữ Nho cho con cháu trong làng và thường giao du với các nhà khoa bảng nghèo như Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, cụ Kép Trà.
Cha của đồng chí là Nguyễn Hữu Lập (1880 - 1924), là một công chức nhỏ (chức Thông sự) của chính quyền thuộc địa từ những năm cuối thế kỷ XIX ở phủ Nghĩa Hưng (Nam Định). Ông Nguyễn Hữu Lập kết duyên với bà Bùi Thị Mền (1882 - 1908) sinh được 4 người con: 2 người con trai là Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Tiêm, 2 người con gái là Nguyễn Thị Hỹ và Nguyễn Thị Lãng. Năm 1908, bà Bùi Thị Mền qua đời. Do các cháu còn thơ dại không có người trông nom nên năm 1909, cụ Ấm Điều lo liệu cho ông Lập cưới bà Ứng Thị Vũ (tức Ứng Thị Chọn 1887 - 1971) để quán xuyến việc gia đình. Bà Vũ và ông Lập sinh được 1 trai, 2 gái là: Nguyễn Thị Yên, Nguyễn Hữu Uẩn và Nguyễn Thị Bút.
Ông Nguyễn Hữu Lập sống cuộc đời thanh bạch, tính tình khẳng khái và nhiều lần chống lại bọn tri huyện gian lận trong việc chia lại công điền, công thổ của nhân dân. Vì vậy bọn thống trị thù ghét, chuyển ông đi làm thông sự ở châu Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, sau lại chuyển đến huyện Tiên Lãng, rồi huyện An Lão, tỉnh Kiến An (nay thuộc quận Kiến An, thành phố Hải Phòng). Năm 1922, chúng đổi ông lên châu Thạch An (nay là huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng), hơn một năm sau, ông lâm bệnh nặng, về nhà một thời gian thì mất.
Noi gương đồng chí, người anh cả trong gia đình yêu nước và cách mạng, các em trai, em gái của đồng chí đều là những người sớm giác ngộ cách mạng và tham gia trong các tổ chức yêu nước từ những ngày đầu thành lập Đảng. Em trai Nguyễn Hữu Tiêm (1906 - 1936), tham gia hoạt động cách mạng, bị địch bắt đày ra Côn Đảo, bị tra tấn dã man, cực hình và hy sinh tại Côn Đảo. Em trai út Nguyễn Hữu Uẩn (1918 - 1985), tham gia cách mạng từ năm 1931, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính; Bí thư Huyện ủy huyện Đại Từ; Trưởng Ty Công an; Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên, Phó Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương. Em gái Nguyễn Thị Yên cũng tham gia cách mạng từ năm 1930 - 1931.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến kết hôn với bà Nguyễn Thị Hào sinh được 2 người con, con trai là Nguyễn Hữu Bộ (1926 - 1932), con gái là Nguyễn Thị Xu (1929 - 2015). Bà Xu kết hôn với ông Phạm Văn Tiện (mất 1989) sinh được 7 người con, 5 trai, 2 gái là: Phạm Văn Thử (đã mất), Phạm Văn Thách, Phạm Văn Thư, Phạm Văn Thái (đã mất), Phạm Văn Kha, Phạm Thị Nhất (đã mất), Phạm Thị Nhị. Hiện nay nhà Lưu niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến tại phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên do người cháu ngoại là Phạm Văn Thách (sinh năm 1955) trông coi.
Tấm gương sáng về sự hy sinh anh dũng đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Hà Nam
Năm 1927, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cùng Trần Tử Yến và Vũ Hưng (tức Uyển) người làng Thận Tu thành lập Chi hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại đình Lũng Xuyên. Đây là Chi hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đầu tiên ở Hà Nam, do đồng chí Nguyễn Hữu Tiến làm Bí thư Chi hội. Đồng chí lãnh đạo Chi hội tìm cách phân hóa, cô lập bọn đầu sỏ, tuyên truyền, giáo dục những người có khuynh hướng tiến bộ, tạo điều kiện cho các cơ sở cách mạng hoạt động được dễ dàng; đồng thời vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu trong làng như khao vọng, mê tín dị đoan. Những việc làm đó được quần chúng đồng tình ủng hộ. Do vậy, nhiều tổ chức quần chúng như: Hội Tương tế, Hội Phụ nữ, Hội Hiếu hỉ, Hội Bóng đá được thành lập.
Tháng 11/1929, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến trở thành một trong 6 đảng viên đầu tiên và là Bí thư Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của huyện Duy Tiên, gồm: Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Doãn Chấp, Vũ Văn Uyển (Vũ Uyển), Nguyễn Hữu Trạc, Phạm Văn Tô, Phạm Văn Bình.
Tháng 9/1930, Ban Tỉnh ủy lâm thời Hà Nam được thành lập, gồm 3 đồng chí: Lê Công Thanh, Nguyễn Duy Huân và đồng chí Nguyễn Hữu Tiến, do đồng chí Lê Công Thanh làm Bí thư; đồng chí Nguyễn Hữu Tiến được phân công phụ trách công tác Tuyên huấn. Ban Tỉnh ủy quyết định lập cơ sở in và ra báo Đảng lấy tên là báo “Dân cày", cơ sở in đặt tại nhà đồng chí để thuận tiện in ấn tài liệu tuyên truyền. Đồng chí trực tiếp viết nhiều bài báo vạch mặt những thói hư tật xấu, hoạt động tham nhũng của bọn hương lý, kỳ hào; tuyên truyền lòng yêu nước, giáo dục quần chúng chống thực dân, phong kiến... Báo “Dân cày" và nhiều khẩu hiệu, truyền đơn đã được in, cất giấu và phát hành bí mật phục vụ đắc lực công tác tuyên truyền của Ban Tỉnh ủy.
Tháng 9/1930, đồng chí tham gia tổ chức và lãnh đạo cuộc mít tinh tại đền Lảnh (nay thuộc xã Mộc Nam) gây được tiếng vang lớn, tập hợp đông đảo quần chúng tham gia. Cuộc mít tinh đã biến thành cuộc tuần hành rầm rộ, góp phần thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân trong toàn tỉnh lên một bước mới, thanh thế cách mạng ngày càng sâu rộng.
Tháng 01/1931, tại Hội nghị đại biểu Đảng bộ Hà Nam họp tại thôn Lũng Xuyên, bầu Ban Tỉnh ủy chính thức gồm 7 thành viên; đồng chí Nguyễn Hữu Tiến được phân công phụ trách công tác tuyên truyền và huấn luyện của đảng bộ. Đồng chí đã chủ động tổ chức in lại tờ báo “Búa Liềm" của Trung ương Đảng, cuốn sách “Bước đầu của chủ nghĩa cộng sản" và xuất bản tờ báo “Đỏ" của Đảng bộ tỉnh Hà Nam làm tài liệu tuyên truyền.
Ngày 22/5/1931, đồng chí cùng đồng chí Phạm Văn Tô và Nguyễn Duy Huân bị mật thám vây bắt cùng một số lãnh đạo các tỉnh Bắc Kỳ tại số nhà 165 phố Gia Long - Hà Nội, đưa đi giam giữ ở Nam Định, Hỏa Lò, Sơn La. Trong tù, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến tích cực tham gia đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, đòi cải thiện đời sống cho anh em, chống đánh đập và bắt làm việc nặng nhọc; đồng thời tranh thủ thời gian học tập, nâng cao trình độ lý luận cách mạng, bồi dưỡng thêm kiến thức văn hóa. Các kỳ báo “Lao tù tạp chí", các bài thơ do đồng chí tham gia chắp bút và sáng tác trong thời gian này là những tài liệu quan trọng góp phần cổ vũ, động viên anh em chốn lao tù giữ vững ngọn lửa đấu tranh cách mạng.
Ngày 05/12/1933, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Hữu Tiến và gần 150 tù chính trị như đồng chí: Lê Duẩn, Nguyễn Duy Huân, Phạm Văn Tô... đày ra Côn Đảo. Tại Côn Đảo, đồng chí được cử vào Ban lãnh đạo của chi bộ nhà tù. Tháng 01/1935, đồng chí được chi bộ Đảng nhà tù Côn Đảo bố trí cho vượt ngục trở về đất liền hoạt động, nhưng do gió thổi mạnh nên bị lạc hướng, thuyền lại dạt vào đảo và bị địch bắt, trừng phạt trong hầm xay lúa, phải chịu nhiều cực hình vì tội trốn tù.
Tháng 4/1935, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cùng các đồng chí Tống Văn Trân, Phạm Hồng Thái, Tạ Uyên, Nguyễn Văn Trọng, Phạm Văn Thắm, Trần Quang Tặng được chi bộ Đảng tạo điều kiện vượt ngục lần thứ 2 và cập bến Vĩnh Châu, Bạc Liêu an toàn, được phân công về hoạt động ở vùng Long Xuyên. Trong vai thầy giáo, đồng chí về dạy học ở ấp Long Điền với bí danh Huế Lâm và lấy nơi đây làm chỗ dừng chân để thực hiện chủ trương “Tự đốt lửa" của chi bộ nhà tù Côn Đảo.
Đầu năm 1937, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến được Liên Tỉnh ủy Long Xuyên điều về Chợ Mới, nơi có phong trào cách mạng hoạt động mạnh nhất tỉnh, với bí danh Huế Tiến. Đồng chí tham gia tổ chức nhiều cuộc mít tinh, tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh công khai, hợp pháp đòi tự do dân chủ, cơm áo, hòa bình. Qua đó, tập hợp lực lượng, phát triển tổ chức làm cho nhân dân tin tưởng, tham gia cách mạng.
Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (9/1939), đồng chí Nguyễn Hữu Tiến được cử thay đồng chí Nguyễn Kim Nha làm Bí thư Liên Tỉnh ủy Long Xuyên gồm các tỉnh: Châu Đốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Rạch Giá, Sa Đéc (nay thuộc các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu).
Tháng 3/1940, đồng chí được điều về hoạt động ở Xứ ủy Nam Kỳ, là Xứ ủy viên, Thành ủy viên Thành ủy Sài Gòn - Gia Định với bí danh Hai kỹ sư; phụ trách cơ quan ấn loát của Đảng, tham gia in ấn nhiều tài liệu quan trọng và có nhiều đóng góp cho công tác tuyên truyền của Xứ ủy, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Đồng chí tham gia làm báo Dân chúng với tên mới là Trương Xuân Chinh.
Trong thời gian này, có nhiều ý kiến cho rằng đồng chí cùng các đồng chí trong Xứ ủy được giao nhiệm vụ vẽ Lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh, được sử dụng trong khởi nghĩa Nam Kỳ tháng 11/1940. Một trong số những bài thơ của mình, đồng chí đã nêu bật ý nghĩa Lá cờ đỏ sao vàng, rất thiêng liêng, là biểu hiện máu đỏ, da vàng của người Việt, là sự đoàn kết của các tầng lớp sĩ, công, nông, thương, binh... là ngọn cờ kêu gọi, hiệu triệu, tập hợp, khích lệ tinh thần những người yêu nước trong cuộc đấu tranh chống ách thống trị của thực dân, phong kiến.
Tối ngày 30/7/1940, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cùng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định đến làm việc tại một cơ sở cách mạng ở làng Chà Và giáp nội thị Sài Gòn, 2 đồng chí bị mật thám Pháp vây bắt. Khi bị bắt, đồng chí định cắn lưỡi tự tử để bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Địch đã dùng nhiều cực hình tra tấn hết sức dã man, nhưng đồng chí vẫn kiên cường chịu đựng, giữ trọn khí tiết người cộng sản. Không khai thác được gì, chúng đã chuyển đồng chí sang Khám Lớn Sài Gòn.
Ngày 17/5/1941, thực dân Pháp mở phiên tòa xét xử, buộc đồng chí Nguyễn Hữu Tiến cùng một số đồng chí lãnh đạo khác của Đảng về tội “có trách nhiệm tinh thần đối với cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ" và kết án tử hình. Những ngày chờ thi hành bản án của chính quyền thực dân, đồng chí vẫn thể hiện rõ tinh thần lạc quan cách mạng: tập thể dục đều đặn, mượn sách, báo về đọc, nghiên cứu, kể chuyện, dạy văn hóa và lý luận cách mạng cho một số anh em, đồng chí như: Nguyễn Văn Cung (tức Ba Cung, Ba Xê, là cán bộ Xứ ủy Nam Kỳ)...
Trước lúc ra pháp trường, đồng chí còn nhắn nhủ lại anh em, đồng chí bằng những lời thơ đầy xúc động và tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cách mạng. Những vần thơ da diết ấy đã in sâu trong tâm trí những người đồng chí, đồng đội cho đến tận mãi sau này:
“Từ biệt hôm nay có mấy lời
Gửi cùng đồng chí khắp nơi nơi
Tinh thần gửi lại cho non nước
Thù hận ghi sâu khắp đất trời
Án chém Hà Nam đã rũ sạch
Khổ sai Côn Đảo đã qua rồi
Anh em đi trọn con đường nhé
Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai"
Ngày 28/8/1941, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến ngã xuống tại trường bắn ở Ngã tư Giếng nước, Hóc Môn, Gia Định (nay là Trung tâm y tế huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) cùng với các đồng chí: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Võ Văn Tần tức Biện Tần, Nguyễn Thị Minh Khai tức Cô Duy, Nguyễn Văn Tây và Nguyễn Văn Huân với tiếng hô bất tử: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!
Tấm gương cống hiến trọn đời và hy sinh anh dũng của đồng chí Nguyễn Hữu Tiến mãi mãi đi vào lịch sử của Đảng, của dân tộc và cho các thế hệ học tập và noi theo. Tên tuổi và những cống hiến to lớn của đồng chí là hình tượng cao cả, đẹp đẽ của người cộng sản Việt Nam, mãi mãi là niềm tự hào của Đảng và dân tộc ta./.