Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đồng loạt kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT về nồng độ cồn

Đã uống rượu - bia không lái xe  
Đồng loạt kiểm tra, xử lý vi phạm TTATGT về nồng độ cồn
Các địa phương đang đồng loạt triển khai kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ cuối năm 2014 và các dịp lễ, Tết Nguyên đán 2015.

Trong các vụ tai nạn giao thông dịp Tết, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn là do lái xe lấn làn, chạy quá tốc độ, mất kiểm soát, trong đó có một phần nguyên nhân là tài xế sử dụng chất kích thích thần kinh, mà cụ thể là uống rượu, bia.

Dịp Tết Nguyên đán và các sự kiện như lễ hội, lễ Giáng sinh đang đến gần. Bởi vậy, việc tăng cường phòng, chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu, bia là một nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của các địa phương từ nay đến cuối năm 2014 và đầu năm 2015.

Theo kế hoạch của Thành phố Hà Nội, Thành phố sẽ  tập trung cao điểm truyền thông gắn với 3 đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ cuối năm 2014 và Tết Nguyên đán Ất Mùi.

Cụ thể: Đợt 1, từ ngày 15-31/12/2014; đợt 2, từ ngày 15-31/1/2015; đợt 3, từ ngày 15-28/2/2015. Thông điệp của chiến dịch truyền thông: “Tính mạng con người là trên hết”, “Đã uống rượu, bia - không lái xe”.

Công an tỉnh Gia Lai cũng đã chỉ đạo đến các địa phương nhằm huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp công tác góp phần kiềm chế, làm giảm tai nạn giao thông trong các dịp lễ, tết; đồng thời tập trung xử lý, ngăn chặn kịp thời các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật khác hoạt động trên tuyến giao thông, đảm bảo cho nhân dân đi lại an toàn, thuận lợi.

Điểm mới trong đợt triển khai kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn lần này là sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng riêng biệt như: Cảnh sát Giao thông, Cảnh sát Bảo vệ-Cơ động, Cảnh sát Hình sự và lực lượng chuyên trách tại các địa phương để hỗ trợ tối đa về nhân lực cho việc triển khai tổ xử lý vi phạm trên tuyến quốc lộ. Trong đó, từng cá nhân đảm trách công việc nhất định từ lắp đặt biển báo, hướng dẫn, tiếp xúc người điều khiển phương tiện, kiểm tra nồng độ cồn, xử lý vi phạm. Thời điểm kiểm tra sẽ tập trung hàng ngày vào các giờ trưa và chiều tối, đây là thời gian nhiều người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia.

Cùng với cả nước, thành phố Hải Phòng cũng triển khai 3 đợt cao điểm kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an thành phố và công an các quận, huyện đồng loạt tổ chức kiểm tra các trường hợp người lái xe cơ giới đường bộ nghi sử dụng rượu, bia; ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng tiền và áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với người vi phạm nồng độ cồn điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông.