Cơ sở vật chất, trang thiết bị được tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng theo hướng chuẩn hoá, kiên cố hoá, hiện đại hoá. Đến nay, toàn tỉnh có trên 75% số phòng học được kiên cố hoá; 274 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 65,3%. Hầu hết các trường học đều đảm bảo đủ diện tích theo tiêu chuẩn. Tỷ lệ trường có đủ phòng học chức năng, bộ môn, thiết bị và khu hành chính quản trị khá cao. 100% trường phổ thông có đủ danh mục thiết bị tối thiểu; 100% trường tiểu học được trang bị thiết bị tối thiểu và phòng học ngoại ngữ. Trên 70% số trường phổ thông có thư viện đạt chuẩn. 100% cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT được nối mạng Internet và sử dụng mạng trong công tác quản lý điều hành và cập nhật thông tin.
Công tác phổ cập giáo dục cũng được đặc biệt quan tâm và đã giành được nhiều kết quả đáng tự hào. Hà Nam là 01 trong 04 tỉnh đầu tiên của cả nước được công nhận phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (tháng 11/1999); là 01 trong 10 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở (tháng 01/2002).
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực, tiến bộ rõ rệt và vững chắc ở tất cả các cấp học. Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đại học, cao đẳng, thi học sinh giỏi quốc gia luôn ở trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc. Để thực hiện chủ trương đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, Hà Nam đã triển khai dạy chương trình Tiếng Anh theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân cho 100% học sinh lớp 3, lớp 4 và 5. Mặt khác, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của tỉnh cũng đủ về chủng loại, cơ cấu, chất lượng từng bước được nâng cao.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả, tạo đà cho quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, nhưng giáo dục và đào tạo năm 2013 vẫn còn một số bất cập như: Chất lượng giáo dục toàn diện chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội trong thời kỳ phát triển; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực còn hạn chế…
Quyết tâm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Hà Nam đã đưa ra định hướng cụ thể về phát triển giáo dục trong thời gian tới. Trong giai đoạn 2013 - 2015, mỗi xã phường, thị trấn chỉ còn 01 trường mầm non, tiểu học và THCS công lập; giải thể 04 trường THPT dân lập; sáp nhập, tổ chức lại các trung tâm giáo dục thường xuyên với trung tâm dạy nghề cấp huyện thành trung tâm giáo dục và dạy nghề do UBND huyện quản lý trực tiếp; sáp nhập Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Hà Nam và Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp tỉnh Hà Nam do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Trong giai đoạn 2015 đến 2020, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ ổn định quy mô các trường mầm non, tiểu học công lập sau năm 2015, tăng cường đầu tư để phát triển nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục công lập; đối với cấp THCS, các trường có quy mô nhỏ (dưới 10 lớp) có thể căn cứ vị trí địa lý phù hợp để sáp nhập thành trường theo mô hình trường THCS liên xã; mỗi huyện, thành phố có một trường THCS chất lượng cao, tuyển sinh trong toàn huyện./.