Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khoa học và công nghệ Hà Nam - động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển nhanh và bền vững

Các ngành kinh tế Khoa học - Công nghệ  
Khoa học và công nghệ Hà Nam - động lực thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển nhanh và bền vững
Giai đoạn 2004 - 2014, khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Hà Nam tiếp tục đóng vai trò là động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Các nhiệm vụ khoa học được triển khai đã bám sát các chương trình, đề án trong Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành tỉnh Đảng bộ và Chương trình công tác của UBND tỉnh hàng năm. Nhiều kết quả nghiên cứu trên tất cả các lĩnh vực đã được áp dụng vào sản xuất, đời sống, được duy trì, nhân rộng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội rõ rệt.

Với định hướng gắn nghiên cứu với thực tiễn, giai đoạn 2004 - 2014 Hà Nam đã triển khai trên 150 nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh và trung ương trên tất cả các lĩnh vực như: Công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường... Với hoạt động sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, nhiều dự án trong lĩnh vực này đã ứng dụng tiến bộ KH&CN mới vào sản xuất và đời sống, với cơ chế hỗ trợ phù hợp đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo được những đột phá mới trong quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện, liên tục và bền vững.

Giai đoạn này, nhiều mô hình đã được duy trì, khuyến khích đầu tư và được nhân rộng, điển hình như: Dự ánXây dựng mô hình sản xuất, sử dụng một số tổ hợp lúa lai F1 có năng suất, chất lượng cao tại tỉnh Hà Nam; Dự án “Sản xuất các loại hoa trong nhà lưới và ngoài tự nhiên tại các vùng đất 2 lúa” đã tăng giá trị thu nhập từ 50 - 60 triệu đồng/ha lên 150 - 200 triệu đồng/ha đối với mô hình trồng hoa ngoài tự nhiên, 300 - 500 triệu đồng/ha đối với mô hình hoa trồng trong nhà lưới. Một số dự án mang tính ứng dụng cao phù hợp với thực tế ở các địa phương cũng đã được triển khai như: Dự án “Nghiên cứu bảo tồn, ứng dụng và phát triển cá Trối tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng”; Dự án “Xây dựng mô hình phát triển cây rau sắng tại vùng đồi núi huyện Kim Bảng và Thanh Liêm. Đặc biệt là Dự án Ứng dụng tiến bộ KHCN trong xây dựng mô hình chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Mô hình sử dụng đệm lót sinh học đã chứng minh sự hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi và bảo vệ môi trường nông thôn bền vững. Tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh có khoảng hơn 3.000 mô hình, với 55.000 m2 đệm lót được xây dựng, nuôi được 35.000 - 36.000 con lợn trên nền đệm lót sinh học. Trong năm 2014, toàn tỉnh sẽ tiếp tục duy trì các mô hình đã có, xây dựng mới 1.500 mô hình để phấn đấu đến hết năm 2014 có khoảng trên 4.500 mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, với khoảng 75.000 m2 đệm lót được xây dựng.

 Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp tại tỉnh Hà Nam”. Là đơn vị chủ trì thực hiện dự án, Công ty TNHH Mây tre Xuất khẩu Ngọc Động đã tiếp nhận chuyển giao công nghệ nhân giống nấm, làm chủ công nghệ từ cấp I đến cấp III, quy trình nuôi trồng các loại nấm theo chương trình của dự án, quy trình chế biến nấm muối (nấm rơm và nấm mỡ), quy trình sấy khô (nấm sò, nấm mộc nhĩ); mở 20 lớp tập huấn cho 600 hộ nông dân. Qua 2 năm triển khai cho thấy, doanh thu từ việc trồng nấm cao hơn rất nhiều so với một số loại cây trồng khác.

Từ năm 2006 đến nay, Hà Nam đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều dự án thuộc Chương trình Hỗ trợ Phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình 68) cho các đặc sản của địa phương như: Dự án “Xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể bánh đa nem làng Chều cho sản phẩm bánh đa nem của làng Chều (Lý Nhân), trống Đọi Tam (Duy Tiên); Dự án “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Nam”.  

Từ hiệu quả của chương trình 68, Sở KH&CN đã tham mưu với UBND tỉnh triển khai các dự án bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm làng nghề truyền thống lấy nguồn từ kinh phí sự nghiệp khoa học của tỉnh. Qua đó một số dự án đã được triển khai và thực hiện như: Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể rượu Vọc (Bình Lục), gốm Quyết Thành (Kim Bảng), cá kho Nhân Hậu (Lý Nhân).

Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và giao thông, các đề tài, dự án được triển khai đã tập trung nghiên cứu các vấn đề cơ bản phục vụ cho công tác quản lý của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Các nghiên cứu trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường cũng đã đề xuất được các giải pháp quản lý tổng hợp, giải pháp bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Những kết quả nghiên cứu khoa học về ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông đã đem lại những hiệu quả rõ rệt phục vụ có hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, các hoạt động tác nghiệp chuyên môn nghiệp vụ của các cấp, các ngành, phục vụ người dân và doanh nghiệp như: Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hộ nghèo”; Dự án “Xây dựng hệ thống giao ban trực tuyến từ tỉnh đến huyện, thành phố tỉnh Hà Nam”...

Giai đoạn 2004 - 2014, các đề tài, dự án được triển khai trong lĩnh vực giáo dục, y tế đã tập trung giải quyết những vấn đề cấp thiết của địa phương. Tiêu biểu như: Đề tài Nghiên cứu xây dựng quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và mạng lưới các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Hà Nam làm cơ sở để xác định nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các đề tài trong lĩnh vực y tế đã tạo điều kiện cho các đơn vị thuộc ngành Y tế nghiên cứu các vấn đề về chăm sóc sức khoẻ nhân dân, điển hình như Đề tài “Xây dựng mô hình cấp cứu trước bệnh viện tại Hà Nam”. Kết quả đề tài cho thấy, việc xây dựng mô hình này là hết sức cần thiết, giảm tỷ lệ tỷ vong và tăng cơ hội sống cho bệnh nhân.  

Các đề tài về khoa học xã hội và nhân văn đã có những đóng góp quan trọng trong việc sưu tầm, nghiên cứu các vấn đề về lịch sử, văn hoá, xã hội và con người Hà Nam để biên soạn Địa chí Hà Nam và làm tư liệu cho các cơ quan nghiên cứu khai thác, sử dụng, nhằm phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, quê hương Hà Nam.

Giai đoạn từ năm 2004 - 2014, hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm đúng mức và từng bước phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, tạo động lực trong lao động sản xuất, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh đã có trên 3.000 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề tài, kinh nghiệm giảng dạy được công nhận, áp dụng, có 62 giải pháp, công trình, đề tài đạt giải tỉnh; 10 giải trung ương. Đặc biệt, giải pháp Cặp phao cứu sinh của em Lê Trọng Hiếu, ở xã Nhật Tân (Kim Bảng) đã đạt giải quốc tế. Các sáng kiến được áp dụng trong sản xuất, đời sống không chỉ mang lại lợi ích to lớn về mặt kinh tế mà còn mang lại giá trị, lợi ích thiết thực về mặt xã hội. Ngoài những tác giả sáng kiến là cán bộ, kỹ sư còn có những người nông dân chất phác xuất phát từ lao động thực tế cũng có những sáng kiến được áp dụng hiệu quả trong sản xuất, tiêu biểu trong phong trào này là ông Đinh Công Viên ở xã Khả Phong, anh Trần Văn Lượng, ở xã Nhật Tựu, (Kim Bảng), hay ông Nguyễn Văn Lãm ở xã Thanh Nguyên (Thanh Liêm).

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động KH&CN giai đoạn 2004 - 2014 vẫn còn một số tồn tại: Các nghiên cứu mang tầm chiến lược, có tính chất đột phá và sản phẩm có sức cạnh tranh trong các lĩnh vực sản xuất, đời sống chưa nhiều. Chất lượng các kết quả nghiên cứu, chuyển giao thành tựu KH&CN nhìn chung chưa cao. Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa thực sự quan tâm đến nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hoạt động nghiên cứu khoa học còn mang tính phong trào. Nhiều đơn vị chưa được thành lập Hội đồng KH&CN hoặc có thành lập nhưng hiệu quả hoạt động chưa cao.

Trong thời gian tới, KH&CN của tỉnh sẽ tập trung đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH&CN; phát huy vai trò, hiệu quả của các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trọng điểm; đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai, ứng dụng công nghệ; phát triển hợp lý, đồng bộ trên các lĩnh vực. Trong đó, tập trung nghiên cứu, ứng dụng KH&CN gắn với yêu cầu phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao...

Với những kết quả to lớn đã đạt được trong giai đoạn 2004 - 2014, tin chắc rằng trong giai đoạn tiếp theo hoạt động KH&CN Hà Nam sẽ còn đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa, thực sự là động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng quê hương Hà Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh./.