Theo “Việt sử lược” cuốn sử có niên đại lớn nhất còn tồn tại đến ngày nay: “Năm Đinh Hợi, hiệu Thiên Trù, năm thứ 7 (987) vua bắt đầu cày ruộng tịch điền ở Đội Sơn, được một lọ vàng bạc cày ở núi Bà Hối được một lọ nữa, vua đặt tên đất đó là ruộng Kim ngân”. Tiếp theo, “Đại Việt sử ký toàn thư” do Ngô Sĩ Liên biên soạn vào thế kỷ XV ghi chép về sự kiện này, cụ thể hơn về địa danh: “Đinh Hợi, năm thứ 8 (niên hiệu thiên phúc) năm 987. Mùa xuân vua cày ruộng ở núi Đọi được một chĩnh nhỏ vàng, lại cày ở núi Bàn Hải được một chĩnh bạc, vì thế đặt tên là ruộng Kim Ngân”. Đến thời Nguyễn, sách “Đại nam nhất thống chí” lại chỉ ghi nhận Lê Hoàn cày tịch điền ở núi Long Đọi bắt được một lọ vàng cốm nên gọi là Kim điền, chứ không nói đến cày tịch điền ở núi Bà Hối hay Bàn Hải.
Như vậy các cuốn sử cũ đều ghi chép Lê Hoàn là ông vua đầu tiên dưới chế độ phong kiến Việt Nam tiến hành lễ cày tịch điền, nhằm mục đích khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Nghi lễ này đã có từ rất lâu ở Trung Quốc, được Lê Hoàn vận dụng. Sử cũ không ghi chép chi tiết nhưng chắc rằng quy mô, nghi thức, Lê Hoàn không dập khuôn theo Trung Quốc, vì mỗi nước có hoàn cảnh lịch sử và văn hoá riêng.
Ruộng tịch điền thuộc quyền quản lý trực tiếp của triều đình, giống lúa cấy trên ruộng được chọn để cho loại gạo ngon dùng vào việc tế lễ, đặc biệt là tế thần nông và thần xã tắc.
Tuỳ theo quan niệm phong thuỷ và tâm linh của mỗi triều đình phong kiến mà chọn nơi đặt ruộng tịch điền. Tại sao Lê Hoàn lại đặt ruộng và tiến hành cày tịch điền ở khu vực núi Đọi? Trước khi lý giải vấn đề này cũng cần tìm hiểu về ruộng tịch điền của các triều đại phong kiến sau này. Thời Lý, ruộng tịch điền đều ở đồng bằng sông Hồng khá xa thành Thăng Long. Thời Trần, sử cũ chỉ cho biết một lần vua Trần Minh Tông sai tế thần. Thời Hậu Lê vào thời vua Lê Thánh Tông, lễ tịch điền tiến hành ở làng Hoàng Mai ngoại thành Thăng Long. Thời Nguyễn, dưới triều vua Gia Long, ruộng tịch điền ở phường Hoà Thái, Ngưỡng trị trong kinh thành, sau chuyển về hai phường Yên Trạch và Hậu Sinh.
Khác với thời Hậu Lê và Nguyễn Lê Hoàn không chọn ruộng tịch điền ở gần hay trong kinh thành mà giống thời Lý là đặt ruộng tịch điền ở đồng bằng sông Hồng cách khá xa kinh đô Hoa Lư. Song khác với thời Lý, Lê Hoàn lấy đất Trường Châu là quê quán để cày ruộng tịch điền. Sau nhiều lần tranh luận đến nay có thể khẳng định Lê Hoàn là người Trường Châu, ông nội là Lê Lộc sinh sống ở xã Bảo Thái (nay thuộc xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm).
Hơn nữa, ruộng tịch điền ở Đọi Sơn nằm trong cùng đất chịu sự quản lý trực tiếp của nhà Vua. Sử chép: Sau khi lên ngôi, Lê Hoàn lần lượt phong vương cho các con ruột, kể cả con nuôi rồi cử đi trấn trị ở các vùng đất thuộc đồng bằng bắc bộ và Thanh Hoá trừ Trường Châu. Còn một lý do nữa: Núi Đọi là núi thiêng. Căn cứ vào bia Sùng Thiện Diên Linh có thể suy luận vào thời Lê Hoàn núi có tên là Long Lĩnh, nghĩ là núi rồng. Các phát hiện khảo cổ học quanh Đọi Sơn đã minh chứng từ mộ thuyền văn hoá Đông Sơn, mộ Hán, đến mộ thời Hậu Lê, người chết đều được chôn quay đầu về núi Đọi. Cũng từ lâu đời đã lưu truyền phương ngôn:
Đầu gối núi Đọi
Chân dọi Tuần Vường
Phát tích đế Vương
Lưu truyền vạn đại
Núi Đọi thì đã rõ, còn Tuần Vường là khúc sông Hồng giáp với huyện Lý Nhân và huyện Mỹ Lộc Nam Định sóng to, gió lớn gây nhiều hiểm hoạ, thuyền bè rất sợ phải qua nơi này “Mười hai cửa bể cũng nể Tuần Vương”. Có việc bắt buộc phải qua thì phải làm lễ cúng thuỷ thần. Phải chăng bốn câu phương ngôn này là thể hiện triết lý âm dương: núi Đọi(dương), Tuần Vương (âm), âm dương hài hoà chế áp lẫn nhau thì mọi sự thuận vượng, nó thể hiện một ước vọng, nguyện cầu hơn là một thực tế hiển nhiên, minh nhiên.
Từ Long Đĩnh thời Tiền Lê, đến thời Lý Nhân Tông núi có tên là Long Đội Sơn (hàng rồng). Sách “Đại nam nhất thống chí” biên soạn dưới triều Nguyễn chép: “Dưới chân núi có chín ngọn suối, lại có huyệt đã gọi là huyệt Hàm Rồng”. Theo thuyết âm dương ngũ hành của triết học phương đông cổ đại, số chín là số thiêng, đó là con số cực dương, biểu tượng của sự sinh sôi, phát triển thuận lý (cửu đỉnh, cửu trùng, cửu thiên…).
Thời Hậu Lê, núi đổi thành núi Đọi Sơn. Đọi là từ thuần việt, nghĩa cổ là cái bát (“Ăn không nên đọi, nói không nên lời”, “lời nói đọi máu”). Có lẽ vì hình dáng ngọn núi giống cái bát lộn ngược, nên mới có tên như thế. Các sách địa chí thời Nguyễn gọi núi là Long Đội, Long Đọi Sơn. Ngày nay nhân dân quen gọi là núi Đọi, còn tên xã là Đọi Sơn. Truyền thuyết dân gian vẫn ghi nhớ sự kiện cách đây 1010 năm. Cánh đồng vua Lê cầy tịch điền nằm sát chân núi phía tây, trên cánh đồng này còn lưu lại các địa danh: nhà hiến (nơi dân chúng dân thức ăn lên nhà vua), dinh trong (nơi vua ở), dinh ngoài (nơi ở của các quan), sứ tàu ngựa (chuồng ngựa của vua và các quan).
Như vậy, Lê Hoàn cày tịch điền ở khu vực núi Đọi thì đã rõ, còn một địa điểm nữa cho đến nay vẫn là một tồn nghi của sử học. Trở lại ghi chép trong “ Việt sử lược”- Cuốn sử gần mới sự kiện nhất, có một số chi tiết đáng chú ý. Theo đó, sau khi cày ở Đội Sơn thì chuyển sang cày ở núi Bà Hối. Bà Hối là từ Hán, Bà có nghĩa là bạc, trắng, còn hối là của cải. Kết hợp với ghi chép của “Đại Việt sử ký toàn thư” thì nhà vua cày ở núi Đọi được một lọ, một chĩnh vàng, cày ở núi Bà Hối được một lọ (chĩnh) bạc nên gọi chung là ruộng kim ngân.
Rõ ràng việc cày tịch điền của vua Lê Hoàn ở hai nơi là kế tiếp nhau trong một khoảng cách gần nhau. Theo “Đại Nam nhất thống chí”: “Gần đấy (núi Đọi ) có Điệp sơn, cũng gọi là núi Kim ngưu, hình dáng giống như con trâu nằm, trên núi có chùa, đằng trước trông ra sông, phong cảnh đẹp”. Trên thực địa thì cả hai núi Đọi Sơn và Điệp Sơn đều nhìn ra sông Châu.
Con trâu từ bao đời là biểu tượng của nền văn hoá lúa nước (con trâu là đầu cơ nghiệp). Cái tên Kim Ngưu (trâu vàng) rất có khả năng ảnh hưởng đến những ghi chép của sử cũ khi nói đến sự kiện Lê Hoàn cày tịch điền .
Cũng không phải tình cờ mà khi kinh lý, vua Lê Thánh Tông đã đến thăm núi Điệp và sáng tác thơ đề vịnh:
Kinh Điệp Sơn
Giang nhân triều thướng hoàng lưu hợp
Liễu đắc xuân đa thuý sắc minh
Thi khách kỷ hội thương vãng sự
Nghi chu thạch bạn vấn sơn danh
Dịch nghĩa:
Qua Điệp Sơn
Sông thờ thuỷ triều lên hợp với dòng vàng
Liễu đượm màu xuân càng thêm vẻ biếc
Khách thơ mấy độ xót chuyện đã qua
Bèn ghé thuyền sát vách đá vôi hỏi thăm tên núi
“Xót chuyện đã qua” có lẽ nhắc đến việc Lê Hoàn cày tịch điền ngày xưa không còn lưu dấu tích. Sau này, Nguyễn Du có bài thơ Đường luật “Vị Hoàng Danh” mà câu kết thúc là: “Điệp Sơn bất cải cựu thời thanh” (Núi Điệp không đổi vẫn một màu xanh cũ).
Núi Điệp có phải là nơi Lê Hoàn cày tịch điền hay không, đây mới là giả thiết cần được chứng minh thêm bằng dữ liệu khảo sát thực địa và truyền thuyết dân gian.
Nói theo nhà Vua khởi nghiệp nhà Tiền Lê, triều đình nhà Lý rất quan tâm đến khuyến khích sản xuất nông nghiệp, không chỉ có cày tịch điền, các vua nhà Lý công lập đà xã tắc, tổ chức hội chọi Trâu cầu được mùa, kinh lý xem dân gặt lúa , gieo hạt… Ruộng tịch điền thời Lý đặt ở Ô Lộ, Tín Hương, Bố Hải Khẩu, Kha Lãm, Ứng phong và Lợi Nhân trong vùng đồng bằng sông Hồng và ở gần sông, gần biển. Ở Hà Nam, ruộng tịch điền không còn ở khu vực Đọi Sơn nữa mà chuyển đến khu vực hành cung Lợi Nhân, nay là khu vực Uỷ ban nhân dân xã Phú Phúc (Lý Nhân) thuộc thôn Lý Nhân xưa, ngay bên hữu ngạn sông Hồng.
Như đã lý giải ở trên, sản phẩm của ruộng tịch điền dành cho việc tế lễ. Vào thời vua Lý Thái Tông trên núi Đọi đã có chùa, đến thời vua Lý Nhân Tông cho xây dựng Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh, hoàn thành năm 1121. Thái Hậu Nguyên phi Ỷ Lan cúng 72 mẫu ruộng cho nhà chùa dành cho lễ Phật. Lúc ấy núi Đọi, tháp Sùng Thiện Diên Linh là đại danh lam, kiêm hành cung. Vì thế ruộng tịch điền của triều đình không còn đặt ở khu vực này nữa cũng là điều dễ hiểu.
Còn tại sao nhà Lý lại chọn khu vực hành cung Lợi (Lỵ) Nhân làm ruộng tịch điền ?
Theo ghi chép của sử cũ thì trước đời vua Lý Thái Tông đã có hành điện Lỵ Nhân. Nhưng có lẽ liên quan trực tiếp đến ruộng tịch điền là kể từ khi vua Lý Thái Tông đi đánh Chiêm Thành vào năm 1044, sử chép: “Tháng 9, khi đến hành điện lỵ nhân, nhà vua sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê là phi của Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua. Mỵ Ê phẫn uất lắm, ngầm lấy chăn chiên quấn mình vào nhảy xuống sông chết. Vua khen là trinh tiết, phong làm Hiệp chính Hựu thiên phu nhân.”
Truyền thuyết ở địa phương cho biết, sau đó vua Lý Thái Tông cho lập đền thờ Mỵ Ê tổ chức quốc tế, các vua nhà Lý sau này noi theo.
Trong thời Lý, sử cũ ghi chép nhiều lần nhà vua về đất Lợi Nhân để khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Tháng 6 năm 1067 vua Lý Thái Tông xem gặt lúa và đua thuyền. Lý Thái Tông hai lần đến xem gặt lúa vào tháng 10 năm 1077 và tháng 8 nhuận năm 1080, một lần đến xem dân gieo hạt vào tháng 6 năm 1101.Vua Lý Anh Tông vào tháng 2 năm 1146 và mùa xuân năm 1148 về cày tịch điền. Vua Lý Thần Tông đi Lỵ Nhẫn xem gặt lúa vào tháng 10 năm 1137. Ngày Giáp Dần, tháng 11 năm 1217, vua Lý Huệ Tông về Đội Sơn xem dân bắt cá. Cày tịch điền dưới thời phong kiến là một trong những biện pháp khuyến nông. Người khai mở chính là nhà vua sáng lập nhà Tiền Lê: Lê Hoàn, góp phần vào truyền thống tốt đẹp của dân tộc một mỹ tục được tiếp nối dài lâu.