Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lễ hội đền Trúc

Lịch sử - Văn hóa Lễ hội  
Lễ hội đền Trúc
Đền Trúc thờ danh tướng Lý Thường Kiệt. Hàng năm, nhân dân Quyển Sơn mở cửa đền mở hội từ ngày 1 tháng giêng đến 1 tháng hai âm lịch. Lễ hội được mở vào những ngày nông nhàn nên dân quanh vùng và du khách thập phương nô nức kéo về dự hội. Không gian lễ hội từ xưa mở rộng từ đình Trung đến đền Trúc, chùa Thi và ven núi Cấm.

Đền Trúc
Đền Trúc nằm ở thôn Quyển Sơn, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam.

Đền Trúc thờ danh tướng Lý Thường Kiệt. Hàng năm, nhân dân Quyển Sơn mở cửa đền mở hội từ ngày 1 tháng giêng đến 1 tháng hai âm lịch. Lễ hội được mở vào những ngày nông nhàn nên dân quanh vùng và du khách thập phương nô nức kéo về dự hội. Không gian lễ hội từ xưa mở rộng từ đình Trung đến đền Trúc, chùa Thi và ven núi Cấm.

Từ sáng sớm, đoàn rước kiệu từ đền đã về tới cửa đình làm lễ dâng thương. Sau đó, các đội tế trong trang phục tế đủ màu làm lễ tạ ơn Trời Phật. Sau nghi lễ cáo trời đất, thành hoàng chừng 3 tiếng đồng hồ thì đến các trò chơi như thi kéo co, đấu vật, chọi gà, chơi cờ bỏi… Song nét đặc sắc nhất của lễ hội đền Trúc phải kể đến là múa hát dậm và đua thuyền.

Sáng mùng 1 tháng 2 âm lịch, làng chính thức mở hội rước tượng Phật cùng bài vị thờ Lý Thường Kiệt từ đền về đình làng. Sau phần lễ là đến phần múa hát thờ. Hát dậm được biểu diễn liên tục 6 ngày. Đến sáng mùng 7 lại rước tượng Phật cùng bài vị của Lý Thường Kiệt về đền, hát dậm vẫn tiếp tục trong 3 ngày nữa (gọi là hát yên vị) và đến 10 tháng 2 thì đóng cửa đền, vãn hội.

Múa hát dậm là lối múa hát tương truyền Lý Thường Kiệt bày cho dân trong vùng khi ông thắng trận trở về dừng lại nghỉ ở đất này. Từ đó, vào dịp hội đền, nhân dân tổ chức múa hát dậm để tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Sáng mùng 1 tháng 2 âm lịch, làng chính thức mở hội rước tượng Phật cùng bài vị thờ Lý Thường Kiệt từ đền về đình làng. Sau phần lễ là đến phần múa hát thờ. Hát dậm được biểu diễn liên tục 6 ngày. Đến sáng mùng 7 lại rước tượng Phật cùng bài vị của Lý Thường Kiệt về đền, hát dậm vẫn tiếp tục trong 3 ngày nữa (gọi là hát yên vị) và đến 10 tháng 2 thì đóng cửa đền, vãn hội.

Múa hát dậm được tổ chức ngay tại sân đền. Phường múa hát có từ 30 con dậm trở lên. Đây là những cô gái tuổi từ 13-15, thanh tân, xinh đẹp, có tài múa hát. Ai có chồng hoặc có tang không được hát. Đứng đầu phường hát là cụ trùm, vừa cao tuổi, vừa có tài hát, đặc biệt là tài nhớ bài, chỉ đạo múa hát. Cụ trùm thuộc lòng tất cả các làn điệu hát múa, trực tiếp điều khiển con dậm thực hiện chương trình tiết mục. Khi diễn xướng, cụ trùm mặc áo thụng vàng, vấn khăn vàng, đi dép cong, các con dậm mặc áo mớ ba nhiễu đỏ trong cùng rồi the xanh, the đen bên ngoài, yếm đỏ, váy lĩnh, khăn đỏ, mũ tiên đính ngọc... Trong múa hát dậm, điệu múa có các động tác mô phỏng các động tác chèo thuyền, lúc đứng hát cũng như khi quỳ lạy (gọi là chèo thuyền và chèo quỳ). Đây được coi là phần lễ gắn bó mật thiết với phần hội là hội đua thuyền trên sông Đáy. Cụ trùm được coi là một “quan chức” trong làng, được ưu tiên ưu đãi. Các con dậm thì chẳng được gì, lại còn phải đóng góp thêm. Nhưng được làm con dậm đã là một vinh dự chẳng phải ai cũng có. Bài bản hát dậm được ghi lại bằng chữ Nôm, có tên là: “Lý Đại vương bình Chiêm sự tích diễn ca”. Hát dậm có 30 tiết mục với hơn một nghìn câu thơ. Múa dậm kết hợp với hát, mô phỏng động tác dậm chân chèo thuyền (vì thế mới gọi là hát dậm). Ngoài hát dậm, hội đền Trúc còn có hát bỏ bộ, hát đúm. Trai gái đến tuổi trưởng thành, còn son đều đến hát với nhau trước cửa đền. Tối tối, họ đến đền lễ tạ rồi tản ra chung quanh, vào rừng, lên núi, dưới bóng cây, bãi đất... hát đối đáp tỏ tình...

Hội đua thuyền được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng 2. Ngược với hát dậm, chỉ có nam giới mới được tham gia cuộc đua này. Số lượng thuyền đua tùy theo từng năm, thường có 3 thuyền dự thi. Ba đội đua với trang phục có màu sắc khác nhau. Thuyền đua được đóng bằng gỗ, dài khoảng 8m, đầu và thuyền được đóng vuông. Phía trên đầu thuyền có gắn đầu rồng bằng gỗ và cắm một lá cờ hội nhỏ. Đoạn đường đua dài gần 3km trên sông Đáy. Điểm xuất phát từ trước cửa đền Trúc, đua đến chân cầu Quế rồi vòng trở lại. Mỗi thuyền đua gồm 18 người: 1 người lái thuyền, 16 tay chèo, 1 người gõ nhịp chỉ huy. Mỗi nhịp gõ, mỗi câu hò là một nhịp chèo tạo nên sự nhịp nhàng rất cao, Khán giả đến xem cổ vũ rất đông, tiếng hò reo vang dội cả một vùng. Kết thúc cuộc thi, đội thắng cuộc sẽ nhận được phần thưởng.

Đoạn sông Đáy, nơi thường tổ chức đua thuyền
Cuộc đua thuyền trên sông Đáy này mang rất nhiều tầng ý nghĩa. Ngoài ý nghĩa là một cuộc đua mang tính thể thao nó còn là một nghi lễ tưởng niệm cuộc hành quân của Lý Thường Kiệt trên sông trong lần tiễn phạt quân Chiêm Thành. Và cổ xưa hơn nữa, đây là một hoạt động tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước thể hiện khát vọng thoát khỏi thiên tai lũ lụt, cầu mong mưa thuận gió hoà cho mùa màng tốt tươi. Hơn nữa, không khí sôi nổi và cuốn hút của lễ hội đền Trúc được tạo ra từ màn múa hát thờ do các cô gái thể hiện trong sân đền và cuộc đua thuyền do nam giới tiến hành trên đoạn sông Đáy trước cửa đền chính là sự diễn tả lại không khí khải hoàn ca thắng lợi của cuộc bình Chiêm nức lòng trong lịch sử dân tộc.

Lễ hội hát dậm và đua thuyền đền Trúc là một hoạt động đầy sức sống của dân gian, ca ngợi chiến công của Lý Thường Kiệt, ca ngợi quê hương đầy ắp không khí lịch sử, truyền thống văn hóa.