“Điểm mặt” những sản vật nổi tiếng
Từ kho cá để làm thực phẩm ăn hằng ngày, đến nay người dân xã Hòa Hậu (Lý Nhân) đã mở rộng thành một trong những nghề chính cho thu nhập cao. Trung bình một năm người dân xã Hòa Hậu kho khoảng hơn 30.000 nồi cá xuất bán ra thị trường, trong đó một số xuất khẩu ra cả nước ngoài, đem lại doanh thu 18 - 20 tỷ đồng. Đặc sản cá kho Nhân Hậu hiện đã nổi tiếng toàn quốc, nhiều người mua cá bây giờ có thể đặt hàng qua mạng, gửi tiền vào tài khoản, người bán có trách nhiệm chuyển cá đến tận nơi. "Nếu như trước đây nghề kho cá chỉ tập trung vào dịp tết Nguyên đán, thì nay làm quanh năm. Chỉ cần đặt trước 24 giờ đồng hồ, kể cả trong Nam hay ngoài Bắc, chúng tôi đều phục vụ được. Gần thì gửi ô tô khách, xa thì gửi máy bay. Thậm chí có cả người Việt bên nước ngoài đặt mua cá, chúng tôi cũng có cách vận chuyển đến tận nơi’’. Anh Trần Văn Ngọc - chủ cơ sở kho cá Ngọc Nga ở xóm 13, xã Hòa Hậu chia sẻ.
Cũng theo anh Ngọc, nếu không đặt trước, người nào muốn mua một niêu, kể cả trong dịp Tết cũng không có. Bởi cá kho là hàng thực phẩm, thời gian bảo quản có hạn, giá trị nồi cá cao, nếu khách không đặt trước thì không có cơ sở nào dám kho để bán dần. Trung bình một năm cơ sở của anh kho khoảng 2.000 nồi cá, trong đó nguồn nguyên liệu đầu vào như nồi đất mua từ Nghệ An, vung nồi đặt ở Thanh Hóa, củi nhãn mua cả cây, chẻ để khô đun dần. Nguồn thực phẩm, cá trắm đen nhập từ các huyện Nghĩa Hưng, Vụ Bản (Nam Định), còn lại các nguyên liệu khác mua của lái buôn trong làng.
Không chỉ nổi tiếng với đặc sản cá kho, ở Hòa Hậu nhiều người còn biết đến với sản phẩm chuối ngự Đại Hoàng. Chuối ngự Đại Hoàng quả nhỏ, khi chín vàng, hương vị thơm ngon, nhiều nhà hàng, khách sạn đã lựa chọn làm đồ tráng miệng. Nhiều nhà hàng còn cẩn thận về tận nơi, đặt mua chuối của lái buôn và ký hợp đồng lấy hàng thường xuyên, trong đó yêu cầu chuối phải trồng ở khu vực đất Đại Hoàng, khi dấm chuối phải bằng lò. Trước ưu thế của sản phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ đã làm bảo hộ chỉ dẫn địa lý vùng trồng chuối ngự Đại Hoàng, xây dựng quy chế, quản lý sử dụng, chỉ giới địa lý vùng sản xuất chuối ngự Đại Hoàng, thành lập Hội sản xuất và tiêu thụ chuối ngự Đại Hoàng. Theo đó, vùng trồng chuối ngự Đại Hoàng thuộc làng Đại Hoàng, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân. Ông Trần Huy Hài - Chủ tịch UBND xã Hòa Hậu cho biết: Theo quy hoạch chỉ giới diện tích trồng chuối ngự Đại Hoàng khoảng 35 ha, nằm trong khu vực xen canh, xen cư. Sau khi được Nhà nước quan tâm, bảo tồn nguồn gen và quy hoạch chỉ giới địa lý, hầu hết diện tích trên bà con trồng chuối ngự, nếu thời tiết thuận lợi bình quân mỗi ha cho thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm. Vùng trồng chuối ngự Đại Hoàng ở Hòa Hậu hiện đã mở rộng thêm được hàng chục ha, song theo nhận xét của nhiều người dân trong làng cũng như các nhà khoa học thì vùng trồng chuối ngự ngon nhất, có được hương vị riêng chỉ tập trung trong khoảng diện tích 35 ha đã được quy hoạch.
Ngoài cá kho Nhân Hậu, chuối ngự Đại Hoàng ở tỉnh ta còn một số nhiều đặc sản nổi tiếng như: Bánh đa nem làng Chều, xã Nguyên Lý; Quýt hương, xã Văn Lý (Lý Nhân); rượu Vọc, xã Vũ Bản (Bình Lục); rau Sắng Ba Sao (Kim Bảng). Tuy nhiên, nhiều đặc sản ở Hà Nam có nguy cơ bị mai một hoặc có giá trị kinh tế nhưng lại chưa được nhân rộng. Do vậy, một trong những vấn đề đang được các cấp, ngành quan tâm hiện nay là bảo tồn và phát huy giá trị của những đặc sản truyền thống của địa phương.
Hướng bảo tồn và phát huy giá trị
Vào cuối năm 2011, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện Nuôi trồng thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thực hiện Dự án Bảo tồn giống cá Trối tại khu vực thị trấn Ba Sao (Kim Bảng). Cá Trối là đặc sản quý hiếm, trước đây chủ yếu sinh sản tự nhiên, sau một năm có thể phát triển đàn rất nhanh chóng. Loài cá này bề ngoài trông giống cá Chuối, mỗi con có trọng lượng từ 0,6 - 0,7 kg, với ưu điểm thịt cá rắn chắc và thơm, có thể chế biến được nhiều món như: lẩu, nướng, kho, nấu canh chua. Sau nhiều năm người dân trong vùng dùng các biện pháp đánh bắt hủy diệt, giống cá Trối có nguy cơ tuyệt chủng. Được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Nuôi trồng thủy sản, Sở Khoa học và Công nghệ đã thực hiện Dự án Bảo tồn giống cá Trối ở Ba Sao. Cá Trối đã được đưa về Viện Nuôi trồng thủy sản để nghiên cứu, cho sinh sản ở khu vực nuôi khảo nghiệm. Thành công bước đầu tại Viện Nuôi trồng thủy sản, giống cá Trối được đưa về ao nuôi của các hộ gia đình ở thị trấn Ba Sao. Thật bất ngờ sau một thời gian ngắn, đến nay nhiều hộ gia đình ở thị trấn Ba Sao đã nuôi thành công giống cá Trối sinh sản. Sau khi cho sinh sản tự nhiên thành công, Viện Nuôi trồng thủy sản đã cho quy hoạch nuôi thả 20.000 con cá Trối ở đầm Tam Chúc, ao, hồ ở thị trấn Ba Sao nhằm nhân đàn cá Trối. Hiện đàn cá Trối phát triển nhanh chóng, ở một số ao nuôi người dân đã có thể khai thác cung ứng ra thị trường quanh vùng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng khuyến cáo, mặc dù cá Trối phát triển nhanh chóng song người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ đàn, không nên dùng biện pháp đánh bắt hủy diệt và bắt các loại cá còn trong thời kỳ sinh trưởng.
Ở thị trấn Ba Sao còn nổi tiếng với loại rau Sắng. Giống rau Sắng ở Ba Sao có 02 loại, song nổi tiếng vẫn là rau Sắng thân gỗ. Rau Sắng thân gỗ trước đây chủ yếu phát triển tự nhiên, mọc ở ven khu vực núi đá có những cây có tuổi thọ gần 100 năm. Theo các chuyên gia nghiên cứu lá rau Sắng thân gỗ có nhiều chất dinh dưỡng, mỗi kg có giá trị từ 500 - 600 nghìn đồng. Tuy nhiên, hiện nay giống rau Sắng thân gỗ lâu năm, rất khan hiếm, chỉ còn có ở khu vực chùa Hương và hằng năm nhiều người dân trong vùng vẫn thu hoạch đem bán ra thị trường. Để bảo tồn giống rau Sắng thân gỗ, Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu, ngâm ủ hạt giống sau đó đem trồng ở các trang trại. Qua gần 04 năm thực hiện dự án, đến nay rau Sắng thân gỗ ở Ba Sao đã cho thu hoạch, cung cấp sản phẩm ra thị trường. Riêng rau Sắng dây leo trồng dễ dàng hơn, có thể sau một năm đã cho thu hoạch, giá mỗi kg chỉ có 50 - 60 nghìn đồng. Sản phẩm rau Sắng ở Ba Sao đã được một số siêu thị, cửa hàng rau sạch ở Hà Nội về đặt hàng mua lâu dài. Theo khảo sát của các ngành chức năng, tại khu vực rừng núi ở huyện Kim Bảng và Thanh Liêm có 200 - 300 ha có thể trồng được rau Sắng. Qua đó, chính quyền các địa phương có thể tìm hiểu tuyên truyền nhân rộng vừa tăng thu nhập cho người dân, vừa bảo tồn được sản phẩm đặc sản của quê hương.
Được biết, để phát huy giá trị những sản vật nổi tiếng trong tỉnh, ngoài việc bảo tồn giống, Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể một số sản phẩm như: Bánh đa nem làng Chều, rượu Vọc Vũ Bản, sản phẩm gốm Quyết Thành. Một số sản phẩm đang triển khai đến năm 2015 - 2016 sẽ hoàn thành như: Trống Đọi Tam; cá kho Nhân Hậu; gà móng Tiên Phong; lụa Nha Xá; thêu ren Thanh Hà. Theo quy định thì tất cả các thành viên khi tham gia hiệp hội sản xuất các sản phẩm trên phải tuân thủ những quy định mà hiệp hội đưa ra như sản xuất đúng quy trình, cam kết đạt chất lượng chuẩn khi cung ứng đến người tiêu dùng nhằm hỗ trợ bà con tiêu thụ, quảng bá sản phẩm và bảo vệ quyền lợi cho hội viên khi cung ứng sản phẩm ra thị trường.
Cần tiếp tục có cơ chế hỗ trợ người dân
Thực tế cho thấy, sau một thời gian dài quảng bá, khôi phục, bảo tồn và phát triển, những sản phẩm đặc sản của địa phương đã từng bước được nhiều người tiêu dùng biết đến. Nhiều sản phẩm đặc sản như: Chuối ngự Đại Hoàng, cá kho Nhân Hậu, bánh đa nem làng Chều, rượu Vọc Vũ Bản… đã có thương hiệu riêng trên thị trường. Một số sản phẩm đã phát triển nhanh chóng và trở thành nghề cho thu nhập chính của người dân. Điển hình như nghề nấu rượu Vọc ở Vũ Bản hiện có tới 200 hộ tham gia, một năm cung ứng ra thị trường hàng chục nghìn lít rượu, giải quyết việc làm cho 300 - 400 lao động. Nghề kho cá ở Nhân Hậu cũng có hàng trăm hộ tham gia. Tuy nhiên, trong mấy năm qua nhờ sự nỗ lực của chính người dân làng nghề, cộng với sự quan tâm của Nhà nước trong việc quảng bá, đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhiều sản phẩm đặc sản của tỉnh đã phát triển một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh đó trong quá trình sản xuất các sản phẩm đặc sản có những lúc, những nơi vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Nhiều người dân trong các làng nghề do “thương mại hóa’’ đã sản xuất ra những sản phẩm chất lượng không bảo đảm theo đúng cam kết, quảng bá tới khách hàng. Có những sản phẩm người dân sản xuất ra xuất bán giá khá thấp, song các thương lái cung ứng tới người tiêu dùng giá tăng gấp 3- 5 lần, chưa khuyến khích các hộ dân, những người trực tiếp làm ra sản phẩm.
Theo ông Trần Thăng Long - Trưởng Phòng Quản lý khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ): Để nâng cao giá trị và mở rộng thị trường tiêu thụ cho những đặc sản truyền thống của tỉnh, ngoài sự quan tâm của Nhà nước, đòi hỏi chính người dân trong vùng, trong các làng nghề sản xuất sản phẩm phải theo đúng quy trình đăng ký, nguyên liệu đầu vào của sản phẩm, chế biến bảo quản tuân thủ theo quy trình chung, công khai quy trình chế biến sản phẩm tới khách hàng. Tránh tình trạng nguyên liệu đầu vào một kiểu lại công bố một kiểu. Ví dụ như nghề kho cá ở Nhân Hậu, nguyên liệu cá trắm trắng phải công bố cá trắm trắng với giá phù hợp, tránh tình trạng kho cá trắm trắng lại công bố sản phẩm cá trắm đen để đánh lừa người tiêu dùng, gia tăng lợi nhuận. Hay sản phẩm bánh đa nem làng Chều, quy trình sản xuất phải chặt chẽ, không sử dụng hóa chất bảo quản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng. Đối với những hộ gia đình phải thực hiện nghiêm ngặt những quy định trên mới kết nạp vào hiệp hội sản xuất ở các làng nghề và vùng cây con đặc sản. Nếu vi phạm hiệp hội sẽ không cấp tem dán bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần quan tâm đến việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con, giảm tối đa khâu trung gian để người sản xuất có lời cao hơn thì mới khuyến khích được vùng đặc sản, nghề sản xuất những sản phẩm đặc sản phát triển./.