Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ước nguyện tri ân đã thành hiện thực

Lịch sử - Văn hóa Di tích lịch sử - văn hóa  
Ước nguyện tri ân đã thành hiện thực
55 năm trước, ngày 21 - 5 - 1954 tại mặt trận đồng bằng, một trận chiến đấu bi hùng đã diễn ra giữa bộ đội ta với quân Pháp tại núi Chùa, thôn Chanh Chè,  xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Ðây cũng là trận các đơn vị ở đồng bằng "chia lửa" với Ðiện Biên Phủ. Trong trận chiến đấu ngày ấy, gần 200 cán bộ, chiến sĩ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích đã anh dũng hy sinh.

Cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa (khu vực núi Chanh Chè, xã Thanh Tâm, Thanh Liêm, Hà Nam).
 55 năm trước, ngày 21 - 5 - 1954 tại mặt trận đồng bằng, một trận chiến đấu bi hùng đã diễn ra giữa bộ đội ta với quân Pháp tại núi Chùa, thôn Chanh Chè,  xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm (Hà Nam). Ðây cũng là trận các đơn vị ở đồng bằng "chia lửa" với Ðiện Biên Phủ. Trong trận chiến đấu ngày ấy, gần 200 cán bộ, chiến sĩ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích đã anh dũng hy sinh.

Từ cụ già mái tóc bạc phơ, hàm răng móm mém đến các cháu thiếu nhi của thôn Chanh Chè đều biết hoặc nghe kể về sự kiện này. Núi Chanh Chè trong ký ức của người dân nơi đây luôn gắn với một trận chiến đấu bi hùng của các chiến sĩ quân đội, du kích địa phương. Cũng suốt 55 năm qua, hố bom sau trận chiến ác liệt vẫn còn nguyên, vùng núi Chanh Chè, chùa Trà Châu là nơi nâng giấc cho hàng trăm liệt sĩ chưa xác định được tên, đơn vị, quê quán. Sự hy sinh của các chiến sĩ trong chiến đấu và do bị bom địch "rải thảm" vẫn được các du kích quân giờ đã ở tuổi 70, 80 kể lại đến từng chi tiết. Cụ Bùi Xuân Miêng, nguyên du kích xã Thanh Tâm kể lại sự kiện này: "8 giờ ngày 21- 5 - 1954 (tức 19 - 4 Âm lịch) địch tập trung hỏa lực, máy bay ném bom, xe lội nước, xe cóc các cỡ từ bốt Cõi dọc theo dãy núi đất, chúng đến Chanh Chè thì bị hỏa lực của bộ đội ta chiến đấu rất anh dũng ngăn lại. Sau đó chúng chiếm được núi cao, đồng ruộng để phát huy lợi thế trên bắn xuống, ngoài bắn vào. Từ 8 giờ đến 12 giờ trưa, quân ta mới chiếm được đỉnh núi cao. Ðịch bị thua, bộ đội ta đuổi đánh chúng từ Trà Châu đến Chanh Chè. Sau đó chúng cho máy bay ném bom để phá hủy đền và chùa Trà Châu. Một bộ phận bộ đội ta xuống khe sâu bị trúng bom địch, nhiều đồng chí bị vùi lấp".

Cụ Ðâu, cụ Phượng, những người đã trực tiếp nấu cơm tiếp tế cho đơn vị bộ đội trong trận đánh tại núi Chùa kể: "Sáng 21 - 5 - 1954, hai chúng tôi lúc ấy là du kích vo gạo thổi cơm; thức ăn cho bộ đội chỉ có mắm tép và rau. Việc tiếp tế rất bí mật, chúng tôi giả như đi làm đồng; khi chuẩn bị mang cơm vào núi thì máy bay, xe cóc địch ập đến". Giọng cụ như nghẹn lại: Gần trưa 21 - 5, tạm ngớt tiếng bom đạn, tôi mang cơm vào khu vực núi Chùa. Một cảnh tượng bi thương bởi bom đạn, nhiều đồng chí bộ đội hy sinh...

Sau trận chiến đấu ấy, chính quyền và nhân dân địa phương đã mai táng chu đáo, đưa hài cốt các liệt sĩ vào nghĩa trang. Thế nhưng trong lòng đất, còn bao nhiêu liệt sĩ nữa thì không ai biết. Chỉ biết rằng khi mưa to, nước trong khe Chùa chảy xuống mang theo mầu máu đỏ của các anh hàng tháng trời.

Cứ mỗi trận mưa lớn, từ dòng nước ngầm ở khe núi Chùa lại đẩy ra ngoài những thi hài liệt sĩ, lúc đầu còn nguyên vẹn nhưng về sau chỉ là một phần thân thể. Cứ mỗi lần phát hiện như thế, nhân dân địa phương lại thu lượm và chôn cất vào nghĩa trang liệt sĩ của xã. Ðến nay, tại nghĩa trang liệt sĩ của xã Thanh Tâm có hơn 200 ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định được tên, đơn vị, quê quán.

Cụ Bùi Ngọc Sách, 85 tuổi, nguyên du kích của xã lúc bấy giờ bùi ngùi: "Các lão du kích chúng tôi đứng ở hố bom này kể lại sự kiện năm xưa, có linh hồn các liệt sĩ chứng giám. Sau trận mưa lớn, thấy thi thể bộ đội trôi ra nhiều, lại hầu hết không còn nguyên vẹn, chúng tôi không ai cầm được nước mắt, bởi quang cảnh rất đau thương. Du kích đưa anh em đi chôn cất tại các ngôi mộ tập thể ven làng. Thi thể các anh đã nằm lâu dưới đất, bị phân hủy, chúng tôi chỉ kịp đào các hố rộng bằng nửa gian nhà, đặt thi hài bộ đội xuống rồi phủ đất lên. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh, nên hơn 20 anh em du kích cùng nhân dân làm việc ròng rã suốt một ngày mới cơ bản hoàn thành công việc".

Sau rất nhiều công sức tìm hiểu, xác minh tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, tháng 5 - 2009, phóng viên một số cơ quan báo chí cùng chính quyền địa phương, với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng đã xác định chính xác các đơn vị bộ đội chủ lực của ta tham gia trận chiến đấu bi hùng ngày 21 – 5 - 1954 là Trung đoàn 95 (Ðại đoàn 325), Trung đoàn 48 (Ðại đoàn 320) và du kích, nhân dân xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm.

Bao năm qua, khi các anh ngã xuống, dù không biết về tên tuổi của các liệt sĩ, nhưng chính quyền và người dân địa phương vẫn tổ chức chu đáo việc chôn cất, hương khói, chăm sóc phần mộ của các liệt sĩ. Ngày 21- 5 - 2009, nhân kỷ niệm tròn 55 năm trận đánh Chanh Chè, cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự huyện Thanh Liêm phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức "Gặp mặt nhân chứng tìm về lịch sử trận chiến đấu chống càn tại Chanh Chè", cùng nhiều hoạt động trang trọng tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ, người dân... đã ngã xuống vì độc lập, tự do Tổ quốc. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam đã thống nhất chủ trương quy hoạch, phê duyệt dự án xây dựng khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại núi Chùa. Ðồng chí Ðinh Văn Cương, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Ðây là việc làm có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa" của cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương. Khu tưởng niệm là công trình văn hóa, lịch sử để thân nhân các liệt sĩ, các cựu chiến binh, nhân dân và thế hệ mai sau ghi nhớ công lao của bộ đội, du kích, nhân dân đã đổ xương máu, ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Cuối tháng 4 - 2009, trong chuyến công tác tại tỉnh Hà Nam, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã về thăm chiến trường xưa, thắp hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ. Ðồng chí cũng ghi nhận các hoạt động thiết thực của địa phương trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống, thực hiện tốt công tác "Ðền ơn đáp nghĩa"... Cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã, các lão du kích, cựu chiến binh và người dân địa phương rất vui vì sau 55 năm, trận đánh bi hùng không bị lãng quên, mà còn được tái hiện đầy đủ, chính xác, sống động với nhiều nhân chứng lịch sử. Nguyện vọng của địa phương xây dựng khu tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ nay đã thành hiện thực./.