Theo lời kể của ông Trần Văn Lai, 85 tuổi, Trưởng ban Khánh tiết
đình đá: Tương truyền, Nguyệt Nga công chúa là con gái ông Nguyễn Văn Bình,
thôn An Mông và bà Mai Thị Sáng thôn Dưỡng Thọ (xã Tiên Phong). Lớn lên, nàng
Nga nổi tiếng xinh đẹp, lại giỏi cả văn lẫn võ, vì vậy nàng Nga được người dân
trong vùng yêu mến và quý trọng.
Thời ấy, nhà Hán đang cai trị nước ta, nghe tiếng nàng Nga xinh
đẹp, tài giỏi tên Thái thú Tô Định muốn bắt nàng về làm vợ. Quyết không chịu gả
con gái cho tên Thái thú tham lam, tàn bạo, cha nàng Nga đã bị giết. Căm phẫn
trước hành động ngang ngược, bạo tàn của quân xâm lược, nàng Nga đã chiêu mộ,
rèn luyện binh sỹ ngay trên mảnh đất quê hương. Khi nghe tin Hai Bà Trưng phất cờ
khởi nghĩa, nàng Nga cùng binh sĩ theo Hai Bà Trưng đánh giặc trả nợ nước, trả
thù nhà.
Sau khi thu phục được thành trì ở các châu, các huyện, giành độc
lập về cho nước nhà, Trưng Vương đã ban thưởng cho nhiều quân sỹ có công cùng
Hai Bà dẹp giặc. Nàng Nga được phong là Nguyệt Nga công chúa, được cử về làm
quan tại phủ Lý Nhân. Thời gian làm quan ở phủ Lý Nhân, Nguyệt Nga công chúa
thường về thăm quê. Thấy cảnh quê nghèo, người dân phải chịu đói, rét bà động
viên nhân dân cấy lúa lấy lương thực để ăn, đồng thời dạy dân nuôi tằm, dệt vải
may quần áo ấm để mặc. Biết ơn công lao của bà, người dân Tiên Phong coi bà là
bà tổ của nghề trồng dâu nuôi tằm ở địa phương.
Mái đình đá xã Tiên Phong (Duy Tiên) hiện đã xuống cấp, cần được
sửa chữa.
Khi nhà Hán xâm lược nước ta lần nữa, bà Nga lại đem quân về triều
nhận lệnh và được giao lên giữ thành Lạng Sơn. Tuy nhiên, do thế giặc quá mạnh,
quân ta không đủ sức chống trả, Trưng Vương đã tự vẫn trên dòng sông Hát,
Nguyệt Nga công chúa cùng quân sỹ nhanh chóng rút về quê hương. Bà tự vẫn ở ngã
ba sông Móng. Ghi nhớ công ơn với dân, với nước người dân Tiên Phong lập đền
thờ bà tại nơi ngày trước bà đã luyện rèn binh sỹ.
Cùng chúng tôi đi tham quan di tích đình đá, ông Trần Văn Lai chia
sẻ: Tôi nghe các cụ xưa nói lại, trước kia đền thờ Nguyệt Nga công chúa nhỏ hơn
bây giờ, được làm bằng gianh tre, vách đất. Năm 1936, các cụ cao niên trong
làng họp bàn và quyết định xây đình mới, bằng gỗ. Nhưng cuối cùng các cụ lại
quyết định mua đá nguyên khối từ Thanh Hóa, chở theo đường sông về làm
đình.
Đình đá Tiên Phong được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp
quốc gia năm 1994. Hiện, đình vẫn còn 6 cột hiên bằng đá. Trong đình còn 12 cột
trung, 12 cột cái bằng đá chạm long cuốn thủy hoặc chạm câu đối...
Nói về tục vồ cầu, ông Lê Đức Thắng, Phó ban Khánh tiết đình đá
cho biết: Năm nào cũng vậy, đúng ngày mùng 6 tháng Giêng lễ hội đình đá diễn ra
hết sức trang trọng, đông vui. Ngoài phần tế lễ cầu quốc thái dân an, cầu mưa
thuận gió hòa, mùa màng bội thu... phần hội có các trò chơi dân gian như: Kéo
co, chọi gà..., đặc biệt nhất là tục vồ cầu lấy may được tổ chức ngay trước sân
đình.
Quả cầu được làm bằng gỗ dùng trong hội vồ cầu lấy may đầu năm.
Để tục vồ cầu diễn ra tốt đẹp, trước Tết Nguyên đán, các cụ cao
niên trong làng thường xem ngày, chọn người tuổi tốt, tuổi lộc, gia đình văn
hóa là người đào lò (lò là một hố sâu khoảng 50 phân, rộng 40 phân). Tham gia
tục vồ cầu có hai đội, tương ứng là hai lò (phía Bắc một lò, phía Nam một lò),
mỗi đội ít nhất có 10 người, trong đó cử ra hai người trông lò. Người trông lò
ngồi trên thành lò để chân xuống hố.
Theo quy định, đội nào khéo léo, vượt qua các thành viên đội bạn,
bốc người trông lò lên, bỏ cầu vào hố, đội đó sẽ chiến thắng. Được biết, nhiều
năm, màn cầu giai (gồm các bạn thanh niên trong làng, trong xã – trước đó là
màn cầu lão, gồm các cụ từ 60 tuổi trở lên) kéo dài trong hàng tiếng đồng hồ
mới phân thắng bại.
Cũng theo các cụ truyền lại, tuy là trò chơi, nhưng vồ cầu chính
là cách ngày xưa Nguyệt Nga công chúa luyện rèn binh sỹ cho thêm tài mưu lược,
thêm sự tháo vát, nhanh nhẹn, linh hoạt… Ngày nay, tục vồ cầu được duy trì
chính là cách để các chàng trai luyện rèn sức khỏe, luyện rèn sự khéo léo, tính
kiên trì và lòng quyết tâm…, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và bảo
vệ quê hương thời kỳ đổi mới.
Lật giở tấm vải đỏ cho chúng tôi xem quả cầu, ông Thắng nói: Quả
cầu được làm bằng gỗ, nên rất cứng, trong lúc vồ cầu ai đó không may bị cầu va
vào đầu hoặc bất cứ đâu gây sưng hoặc trầy xước chỉ cần vào đình, cầu xin thánh
mẫu rồi lấy quả cầu xoa vào chỗ đau, chỗ đau sẽ khỏi. Chuyện này nghe có vẻ kỳ
lạ và khó lý giải nhưng thực tế ở làng đã có người từng bị cầu văng vào và
nhanh chóng được chữa khỏi bằng cách trên.
Nhờ có sự đóng góp, ủng hộ của người dân và những người con xa
quê, trải qua bao biến thiên của thời gian, đình đá Tiên Phong đã được tu sửa,
tôn tạo nhiều lần. Tuy nhiên, hiện nay, mái đình đá có nhiều chỗ bị dột. Các cụ
trong Ban khánh tiết nói riêng, người dân Tiên Phong nói chung mong ngành chức
năng có cơ chế hỗ trợ để sửa lại mái đình. Mái đình được tu sửa sẽ góp phần
quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử - văn hóa độc
đáo của đình đá Tiên Phong.