Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với động lực là sự phát triển về khoa học - công nghệ. Trung tâm của cuộc cách mạng này là công nghệ thông tin và Internet kết nối vạn vật, không chỉ giúp con người giao tiếp với con người, mà con người giao tiếp với máy, với đồ vật và đồ vật giao tiếp với nhau. Ngày nay, tự động hóa đã ăn sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội: Từ sản xuất hàng hóa, thiết bị đến vận hành, quản lý chuyên môn. Lợi ích của tự động hóa mang lại cho các DN là nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí nhân công. Trong đó có một số công đoạn như đóng gói, bốc xếp hàng, 01 con robot có thể làm việc thay cho cả trăm lao động. Ngoài ra là hệ thống máy móc tự động của DN có thể giảm từ 50% đến 75% số lao động trong mỗi DN, nhưng vẫn làm ra được lượng sản phẩm tương ứng, thậm chí là nhiều hơn. Nắm bắt kịp xu thế này, Công ty dệt Hà Nam đã đầu tư hệ thống máy móc thiết bị hiện đại, có tính tự động hóa cao để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Theo ông Trương Công Kiên - Giám đốc Nhà máy 3, Công ty Dệt Hà Nam: Để sản xuất được 60 tấn cúi/ngày, trước đây công ty phải sử dụng đến gần 100 máy chải bông, nhưng nay với công nghệ hiện đại, khu đầu chuyền này giảm xuống còn 36 máy, nhưng công suất lên đến 80 tấn cúi/ngày, lượng công nhân trực máy cũng chỉ cần vài người.
Dây chuyền sản xuất sợi xuất khẩu tại Công ty
Dệt Hà Nam
Cùng ứng dụng công nghệ này, Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi Nasaco Hà Nam tại Khu công nghiệp Hòa Mạc cũng là nhà máy đầu tiên của Tập đoàn Dabaco Việt Nam tiên phong ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất. Dây chuyền công nghệ và thiết bị của Nhà máy được đầu tư đồng bộ, hiện đại với tỷ lệ tự động hóa đạt trên 90%. Từ khâu lấy mẫu, nhập nguyên liệu, nghiền, giãn nở, ép viên, đóng gói, xếp bao được vận hành thông qua hệ thống điều khiển trung tâm từ xa. Rõ nét nhất của sự hiện diện công nghệ 4.0 trong nhà máy này chính là 02 robot đóng gói và bốc xếp sản phẩm với công suất 20 tấn/giờ. Từ hệ thống cung cấp nguyên liệu, dây chuyền tự động đóng bao, may viền túi và bốc xếp, hoàn toàn không có sự tác động của bàn tay con người. Do vậy, chất lượng của sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ và đạt tới độ chính xác cao.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ phát triển mạnh mẽ thời gian tới do nhu cầu tìm kiếm phương thức sản xuất mới hiệu quả, bền vững hơn. Trong bối cảnh nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc hoàn tất nhiều hiệp định thương mại tự do quy mô lớn. Việc tiếp cận thành tựu cách mạng sản xuất mới sẽ tạo ra công cụ đắc lực giúp các DN Việt Nam tham gia hiệu quả chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Với các DN trên địa bàn tỉnh Hà Nam, hiện nay tỷ lệ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất đang tăng dần. Tuy nhiên quy mô và phạm vi vẫn còn hạn chế. Việc ứng dụng công nghệ tự động chỉ thực hiện đối với một số khâu sản xuất chứ chưa thay thế toàn bộ dây chuyền do khó khăn về tài chính, năng lực quản trị, điều hành DN. Nhận định về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều DN, nhất là DN vừa và nhỏ cho rằng: Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức đối với DN như: Tiềm lực cơ sở vật chất, trình độ và tay nghề của người lao động…
Robot vận chuyển thức ăn gia súc sau khi đóng bao
tại Nhà máy chế biến thức
ăn chăn nuôi Nasaco Hà Nam
Tự động hóa là xu thế tất yếu trong sản xuất, nền tảng công nghệ 4.0 đã và đang mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DN Hà Nam nói riêng có thể kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, với quy mô đa phần là DN nhỏ và vừa, năng lực tài chính, quản trị DN và tiếp cận công nghệ còn hạn chế, việc để DN bắt kịp làn sóng công nghệ mới đòi hỏi DN cần nỗ lực thay đổi trình độ quản trị DN, sẵn sàng đón làn sóng công nghệ mới và biến nó thành động lực phát triển, đem lại lợi ích cho chính DN của mình. Với người lao động đòi hỏi cần phải nhanh chóng tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ; làm chủ được thiết bị, máy móc để nâng cao năng suất lao động./.