Đại biểu dự buổi lễ
Về dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Lê Thị Thủy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Bùi Thị Thơm - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các cục, vụ của trung ương; Nguyễn Văn Lượng - Tỉnh ủy viên - Bí thư Thị ủy - Chủ tịch HĐND thị xã Duy Tiên; Trịnh Thị Hằng - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Duy Tiên; Ngô Văn Liên - Phó Bí thư Thị ủy - Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên - Trưởng Ban Tổ chức lễ hội; ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh; đại biểu các tỉnh bạn; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố cùng đông đảo Nhân dân và du khách thập phương…
Lễ Tịch điền ghi dấu nơi cách đây 1037 năm (987 - 2024) vua Lê Đại Hành đã về cày ruộng để khuyến khích nhân dân sản xuất nông nghiệp, mở ra điển lễ để các đời sau noi theo. Lễ hội văn hóa truyền thống mang ý nghĩa khuyến nông, trọng nông sâu sắc “Dĩ nông vi bản", " Phi nông bất ổn". Tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng cùng với những sá cày “đánh thức đất đai, khai xuân động thổ" đã trở nên quen thuộc và may mắn, cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.
Màn biểu diễn múa trống, múa rồng tại lễ hội
Chào mừng lễ hội là màn biểu diễn múa trống, múa rồng do dân làng Đọi Tam, Đọi Tín thể hiện. Tiếng trống da trâu từ muôn đời xưa đã gióng lên cầu nhân khang, vật thịnh, mùa màng bội thu. Hình ảnh rồng múa lượn như thể hiện lòng mong ước cho khởi đầu một năm mới tốt đẹp để cả năm làm gì được nấy.
Thay mặt nhân dân địa phương và du khách thập phương, nghệ nhân Phạm Chí Khang đọc văn trình tại buổi lễ
Các đại biểu thực hiện nghi lễ dâng hương
Sau màn múa rồng, đọc văn trình trước linh vị vua Lê Đại Hành, các đại biểu thực hiện nghi lễ dâng hương mở đầu mỹ tục khuyến khích phát triển nông nghiệp, mong cho nhà nhà no đủ, đất nước mạnh giàu, quê hương yên bình.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, đồng chí Ngô Văn Liên nhấn mạnh: Với hơn 8.000 lễ hội cả nước nói chung, 200 lễ hội của tỉnh Hà Nam nói riêng; trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đa phương, song phương, xen lẫn thời cơ và nhiều thách thức, tỉnh Hà Nam, thị xã Duy Tiên thường niên tổ chức Lễ tịch điền nhằm bảo tồn và phát huy có chọn lọc những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ Tịch điền đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt đời sống cộng đồng, nhắc lại truyền thống văn hoá lịch sử của dân tộc Việt Nam: nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn là cơ sở vững chắc, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước; giáo dục truyền thống yêu nước, cần cù lao động cho tất cả chúng ta và thế hệ mai sau.
'
Tái hiện hình ảnh nhà vua xuống đồng cày ruộng
Sau đó là một cụ già đức cao, vọng trọng được chọn lên nhập linh khí Vua Lê Đại Hành khoác long bào dắt trâu cày những sá đầu tiên.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi lễ tịch điền Tiếp đó, lãnh đạo tỉnh Hà Nam, thị xã Duy Tiên và xã Tiên Sơn đã mở những đường cày, gieo những hạt mầm đầu tiên mở đầu một năm mùa màng tốt tươi, bội thu, nhân khang vật thịnh./.
Nhóm PV