Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Duy Tiên trên chặng đường trở thành huyện trọng điểm phát triển công nghiệp

UBND các huyện, thành phố Huyện Duy Tiên  
Duy Tiên trên chặng đường trở thành huyện trọng điểm phát triển công nghiệp

“… Tận dụng mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, coi công nghiệp là khâu đột phá để thực hiện đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh…” - Trích Nghị quyết Đại hội BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.

Từ một huyện thuần nông, phấn đấu trở thành một huyện trọng điểm phát triển CN thật sự là một cuộc cách mạng đầy thử thách nhưng cũng là trách nhiệm, vinh dự, là nguyện vọng và sự quyết tâm chuyển mình đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Duy Tiên trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ 9 của Đảng.

Thành tựu bước đầu

Nằm ở vị trí “cửa ngõ” phía Bắc của tỉnh với các đầu mối giao thông quan trọng: đường sắt, đường thuỷ (sông Hồng, sông Nhuệ, sông Châu), quốc lộ 1A và 38, tỉnh lộ 9710, 9711… lại có nhiều ngành nghề truyền thống: dệt Nha Xá (Mộc Nam), mây giang đan Ngọc Động (Hoàng Đông), trống Đọi Tam (Đọi Sơn); sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển tương đối toàn diện, vững chắc… nên Duy Tiên có nhiều điều kiện giao lưu với các vùng kinh tế phát triển của đất nước, đẩy mạnh phát triển CN-TTCN địa phương, tạo bước chuyển động nhanh trong phát triển KT-XH, thực hiện thắng lợi mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.

 Những năm gần đây, Duy Tiên đã nỗ lực phát huy các nhân tố thuận lợi, khắc phục khó khăn, không ngừng đổi mới tư duy kinh tế, thực hiện nhất quán chính sách kinh tế nhiều thành phần, huy động được nhiều nguồn lực tập trung cho phát triển kinh tế nói chung, CN-TTCN nói riêng và bước đầu đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là từ sau khi có Nghị quyết số 08/NQ-TU ngày 2/5/2003 của BCH Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh phát triển CN-TTCN. Trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai đã có 17/21 xã, thị trấn có quy hoạch cụm CN-TTCN, dịch vụ với tổng diện tích 188,49 ha, trong đó cụm CN-TTCN chiếm 166 ha; 4 cụm đã được hình thành là: cụm CN xã Tien Tân, cụm CN-TTCN Cầu Giát, cụm TTCN làng nghề Ngọc Động (xã Hoàng Đông) và cụm TTCN làng nghề Nha Xá (xã Mộc Nam).

Số lượng các DN sản xuất CN-TTCN cũng tăng nhanh, năm 2003 có 25 doanh nghiệp đến năm có 38 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong tổng số 72 doanh nghiệp trên địa bàn; ngành nghề sản xuất cũng khá đa dạng: VLXD, cơ khí, đồ gỗ, dệt, thực phẩm… Trong sản xuất TTCN, ngành nghề được mở rộng, phát triển cả về quy mô và số lượng lao động tham gia. Ngoài việc duy trì, phát triển các nghề truyền thống hiện có, Duy Tiên còn chú trọng phục hồi lại nghề cũ và tiếp nhận nghề mới như: song mây kéo kén, ươm tơ, cót ép định hình. Một số ngành nghề đang có xu hướng phát triển tốt, thu nhập cao ổn định: mây giang đan, thêu ren, ươm tơ, dệt lụa, nhất là nghề mây giang đan, 19 xã, thị trấn có nghề này, thu hút 13.616 lao động trong tổng số 22.550 lao động có nghề hiện nay, góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất và giá trị thu nhập từ CN-TTCN.

Nếu như năm 2000, tỷ trọng thu nhập từ vài ngành kinh tế của huyện chỉ chiếm 15,5%, thì năm 2003 tỷ lệ đó là 21,6%, 6 tháng đầu năm 2004 là 23,14%. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người lao động, năm 2003 bình quân thu nhập đầu người đạt 3,7 triệu đồng, tăng 4,2% so kế hoạch và tăng 9,7% so với năm 2002.

Qua thực tiễn phát triển CN-TTCN của Duy Tiên thời gian qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau.

Một là, tổ chức quán triệt, học tập, triển khai kịp thời, nghiêm túc, rộng rãi trong các tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội các Nghị quyết của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ Duy Tiên về đẩy mạnh phát triển CN-TTCN. Từ đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, Đảng viên và quần chúng nhân dân, tạo ra động lực to lớn để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đồng thời căn cứ vào đặc điểm của địa phương để có hoạch định phương hướng phát triển thích hợp với từng vùng và toàn huyện xác định bước đi phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, đề ra chương trình hành động cụ thể cho từng năm, xác định biện pháp hợp lý để thực hiện có hiệu quả cao.

Hai là, trong lãnh đạo, điều hành cùng với việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, Huyện uỷ, UBND huyện cùng với ban chỉ đạo đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho người sản xuất kinh doanh trong giải quyết thủ tục hành chính, trong vay vốn.

Ba là, sự hỗ trợ, giúp đỡ của tỉnh và các ngành, các cấp, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong huyện có ý nghĩa hết sức to lớn và quan trọng. Nhờ vậy, hàng chục công trình được đầu tư và đưa vào sử dụng, sản xuất kinh doanh làm cho sức sản xuất và diện mạo CN-TTCN Duy Tiên ngày thêm khởi sắc.

Mấy vấn đề đặt ra hiện nay

Xét trên tổng thể và nhất là ở một số lĩnh vực cụ thể của sản xuất CN-TTCN, Duy Tiên đã đạt được kết quả bước đầu khả quan, nhưng phải thừa nhận rằng, sự phát triển CN-TTCN của huyện vẫn bộc lộ một số tồn tại cần khắc phục. nhiều cơ sở sản xuất CN-TTCN quy mô sản xuất còn nhỏ bé, sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh về mẫu mã, chất lượng, thị trường tiêu thụ. Một số ngành nghề phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương, chưa tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Việc tổ chức, củng cố, phát triển các hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết trong sản xuất CN-TTCN, còn chậm, chưa tạo ra tiền đề vững chắc cho CNH, HĐH nông thôn. Tiến độ thi công một số cụm CN-TTCN, công tác đền bù GPMB ở một số dự án lớn của TW và của tỉnh còn kéo dài về thời gian đã ảnh hưởng không chỉ đến việc đẩy nhanh tốc độ phát triển sản xuất CN-TTCN mà còn làm nảy sinh những vấn đề mới về an ninh trật tự xã hội. Nguyên nhân của những tồn tại trên là do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tác dụng của phát triển CN-TTCN trước yêu cầu mới, nên trong định hướng lãnh đạo, kế hoạch chỉ đạo phát triển CN-TTCN còn chung chung, chưa xác định được những giải pháp, kế hoạch cụ thể.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 08 của BCH Đảng bộ tỉh và Nghị quyết số 15/NQ-HU ngày 5-6-2003 của BCH Đảng bộ huyện về phát triển CN-TTCN, dịch vụ trên địa bàn, phấn đấu trở thành huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh, Duy Tiên ở tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau: Chú trọng mở rộng nghề truyền thống, tích cực đưa nghề mới vào địa bàn; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất kinh doanh, mở rộng các hình thức chế biến nông sản thực phẩm; đẩy mạnh việc đào tạo nghề, đặc biệt là ở những địa phương có diện tích đất canh tác nông nghiệp thu hồi để xây dựng KCN, cụm CN-TTCN, dịch vụ và phát triển đô thị, xây dựng giao thong. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các cụm CN-TTCN, giải quyết các tồn tại về công tác GPMB cụm CN Hoàng Đông cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp về hỗ trợ, xây dựng và sử dụng có hiệu quả quỹ khuyến công, kích cầu, tạo lập hành lang hợp lý để phát triển dịch vụ gắn liền với quy hoạch phát triển đô thị theo hướng quy hoạch và quản lý quy hoạch của tỉnh. Phát huy tính năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kết hợp tốt hơn nữa giữa phát huy sức mạnh tổng hợp của địa phương với sự hỗ trợ, giúp đỡ có hiệu quả của tỉnh, của các ngành.

Quyết tâm thực hiện tốt những điều đó, Duy Tiên tin tưởng CN-TTCN sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực của huyện và huyện sẽ trở thành huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh.