Dự hội nghị có ông Phạm Sỹ Lợi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Xuân Đông - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh; ông Vũ Đại Thắng - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố; lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cùng trên 130 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Các đại biểu dự hội nghị
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2015 và 06 tháng đầu năm 2016 của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, phức tạp về kinh tế, bất ổn về chính trị, nền kinh tế trong nước có dấu hiệu phục hồi nhưng nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Đứng trước khó khăn trên, UBND tỉnh Hà Nam luôn sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, chủ động thực hiện nghiêm 10 cam kết đối với các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tính đến tháng 06/2016, toàn tỉnh có 3.926 doanh nghiệp được đăng ký thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Công tác thu hút đầu tư được đẩy mạnh, tập trung vào các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, các doanh nghiệp lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lũy kế đến 30/6/2016, toàn tỉnh có trên 570 dự án đầu tư còn hiệu lực (169 dự án FDI và 407 dự án trong nước). Toàn tỉnh thu hút được 41 dự án đầu tư trong đó có 14 dự án FDI và 27 dự án trong nước với số vốn đầu tư là 79,8 triệu USD và gần 25.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp hoạt động khá hiệu quả, số doanh nghiệp kinh doanh có lãi chiếm trên 63%, chủ yếu ở các lĩnh vực may mặc, sản phẩm điện tử, nước giải khát… Năm 2015, khối doanh nghiệp đóng góp 57,1% GDP toàn tỉnh, nộp ngân sách gần 2.650 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp 06 tháng đầu năm ước đạt trên 24.200 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ 2015.
Ông Đinh Văn Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam tổng hợp một số khó khăn và đề xuất của các doanh nghiệp
Thảo luận tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp nêu một số khó khăn vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: Lương tối thiểu vùng tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và người lao động; bất cập trong thu phí đường bộ; tình hình vay vốn để sản xuất của các doanh nghiệp gặp khó khăn, nên có chính sách hỗ trợ về vốn đối với doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; ngành chăn nuôi đang đối mặt với dịch bệnh, việc sử dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi; nguyên liệu đầu vào của một số doanh nghiệp phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài…
Thay mặt lãnh đạo các sở, ngành, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tổng hợp và giải đáp một số vướng mắc của doanh nghiệp.
Cũng tại hội nghị, ông Vũ Đại Thắng quán triệt Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Theo đó, mục tiêu của Chương trình hành động là: Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng tốc độ phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần nâng cao tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có khoảng 5.500 doanh nghiệp hoạt động, đóng góp khoảng 60% GRDP; tạo thêm trên 10.000 chỗ làm mới/năm; hàng năm có khoảng 70% doanh nghiệp được hỗ trợ thông tin và tư vấn doanh nghiệp; 50% doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đông phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Xuân Đông ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời khẳng định tỉnh luôn lấy phương châm hiệu quả của doanh nghiệp là sự thành công của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của trung ương và của tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp để giải quyết kịp thời các kiến nghị thuộc thẩm quyền, gửi thông báo bằng văn bản tới các doanh nghiệp; tiếp tục nghiên cứu các cơ chế, chính sách phù hợp và thông thoáng hơn nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình kinh tế và thị trường, quan tâm kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để cung cấp sản phẩm phụ trợ cho các doanh nghiệp này, đồng thời quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh…/.