1. Điều kiện tự nhiên
|
Núi Cấm - Ngũ động sơn ở Kim Bảng |
Vị trí địa lý: Kim Bảng là huyện nằm ở phía tây bắc của tỉnh Hà Nam, cách Hà Nội khoảng 60 km, phía bắc giáp các huyện Ứng Hoà, Mỹ Đức tỉnh Hà Tây, phía tây giáp huyện Lạc Thủy tỉnh Hòa Bình, phía đông giáp huyện Duy Tiên và thị xã Phủ Lý, phía nam giáp huyện Thanh Liêm; gần trục quốc lộ 1A, 21A, 21B, 38B. Toàn huyện có 18 xã và 1 thị trấn.
Đặc điểm địa hình: Kim Bảng nằm trong vùng tiếp xúc giữa vùng trũng đồng bằng sông Hồng và dải đá trầm tích ở phía tây nên có địa hình đa dạng. Phía bắc sông Đáy là đồng bằng thấp với các dạng địa hình ô trũng, phía nam sông Đáy là vùng đồi núi có địa hình cao, tập trung nhiều đá vôi, sét.
Khí hậu: Ở Kim Bảng khí hậu mang những đặc điểm của khí hậu đồng bằng sông Hồng: nhiệt đới gió mùa, mùa đông lạnh và mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều. Nhiệt độ trung bình năm là 230C nhiệt độ trung bình thấp nhất vào tháng 1 là 160C và cao nhất vào tháng 7 là 290C. Lượng mưa trung bình trong năm là 1.800-2.200 mm, trong đó thấp nhất là 1.300 mm và cao nhất là 4.000 mm.
2. Tài nguyên thiên nhiên
Tàí nguyên đất: Tổng diện tích đất của huyện là 18.487,2 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 42,3%; đất lâm nghiệp 32%; đất chuyên dùng 12,5%; đất khu dân cư 3,3% và đất chưa sử dụng 9,8%. Vùng đồng bằng có đất phù sa được bồi, đất phù sa không được bồi và đất phù sa gley. Vùng đồi có đất nâu vàng trên phù sa cổ, đất đỏ vàng trên đá phiến sét, đất nâu đỏ trên đá vôi. Đất vùng gò đồi còn nhiều tiềm năng để chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp và phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng.
Tài nguyên rừng: Rừng ở Kim Bảng có cây tự nhiên thưa, không tốt, mọc trên đồi núi đá Những năm gần đây, nhân dân đã đầu tư trồng rừng bằng các loại cây ăn quả như nhãn, na. Diện tích rừng trồng đền nay là 1.184,1 ha, diện tích rừng tự nhiên khoanh nuôi là 1.890 ha.
|
Công trường khai thác đá ở Kim Bảng |
Tàí nguyên khoáng sản: Kim Bảng có tài nguyên khoáng sản tương đối phong phú, cho phép khai thác và chế biến trên quy mô công nghiệp. Trữ lượng đá vôi có khoảng 162 triệu tấn, tập trung ở các mỏ Hồng Sơn và Bút Phong, là nguồn nguyên liệu dồi dào cho sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng. Ngoài ra, ở Tân Sơn, Thanh Sơn còn có mỏ đôlômit, trữ lượng gần 100 triệu tấn. Ở Ba Sao có vùng than bùn với diện tích 2 km2 nằm dưới lớp sét dày 0,5 - 1,5m, mỏ sét Trầm Tích trữ lượng hơn 30 triệu m3, nguồn nước khoáng lạnh và vàng cám.
Nguồn nước: Nhiều xã ở Kim Bảng đã khai thác được nguồn nước ngầm phục vụ cho sinh hoạt như Nhật Tân, Nhật Tựu, Văn Xá, Đồng Hóa... Ngoài ra, Kim Bảng còn có nguồn nước mặt sông Đáy rất dồi dào, đủ phục vụ cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đời sống dân sinh, đáp ứng yêu cầu phát triển của huyện trong những năm tới.
3. Kết cấu hạ tầng
Cấp điện: 100% số xã, thị trấn ở Kim Bảng đã có lưới điện quốc gia với tỷ lệ hộ dùng điện là 99,6%. Toàn huyện có 59 trạm biến áp với tổng công suất 10.930 KVA. Trong những năm qua hệ thống lưới điện hạ thế đã được chú trọng đầu tư, cải tạo, nâng cấp, góp phần giảm tổn thất điện năng, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
Cấp nước: Hiện nay, 8 xã trong huyện đã có trạm cung cấp nước sạch tập trung là Đồng Hóa, Văn Xá, Nguyễn Úy, Hoàng Tày, Nhật Tựu, Nhật Tân, Lê Hồ, thị trấn Quế. Tỷ lệ số người sử dụng nước sạch trên địa bàn huyện đạt trên 80%.
Giao thông: Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện gồm mạng lới đường bộ, đường thủy và đường sắt. Tổng chiều dài đường bộ là 825,52 km, trong đó có 42 km đường quốc lộ chia làm ba tuyến là quốc lộ 21A, 21B và 38B; 43,7 km tỉnh lộ; 23,5 km huyện lộ và 716,322 km đường giao thông nông thôn. Huyện có tuyến đường sắt chuyên dùng dài 1,5 km qua địa bàn xã Thanh Sơn, chủ yếu phục vụ cho việc vận chuyển vật liệu của Nhà máy xi măng Bút Sơn. Mạng lưới đường thủy nội địa dài 27 km qua hai tuyến sông Đáy và sông Nhuệ.
Thông tin liên lạc: Mạng lưới viễn thông được trang bị hiện đại với 4 tổng đài kỹ thuật số dung lượng 4.500 số, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, chất lượng cao. Toàn huyện có 100% thôn, xóm sử dụng máy điện thoại với tỷ lệ 2,3 máy 100 dân. 100% số xã, thị trấn có đài truyền thanh cơ sở; 98% số dân được nghe đài truyền thanh bốn cấp.
4. Tiềm năng du lịch
|
Khu du lịch Bát cảnh sơn |
Kim Bảng có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thám hiểm hang động, lễ hội... với tài nguyên du lịch tương đối độc đáo đa dạng, trong đó nổi bật là hệ thống hang động như Ngũ Động Sơn, Cô Đôi, động Thuỷ, động Bà Lê, hồ Tam Trúc, cụm du lịch Đền Trúc - Ngũ Động Thi Sơn và tuyến du lịch trên sông Đáy... Ngoài ra còn có chùa bà Đanh, núi Ngọc, đền thờ bà Lê Chân và đi tích lịch sử văn hóa Núi Cấm với nhiều huyền thoại hấp dẫn.
5. Nguồn nhân lực
Năm 2003, dân số toàn huyện là 132,5 nghìn người, mật độ dân số trung bình là 718 người/km2. Dân cư phân bố không đều giữa hai vùng tả ngạn và hữu ngạn sông Đáy. Nhân khẩu trong độ tuổi lao động hiện nay có 70,4 nghìn người, chiếm 53,16% dân số, trong đó lao động nông nghiệp là 52,8 nghìn người, còn lại là lao động phi nông nghiệp. Lực lượng lao động có trình độ khoa học kỹ thuật còn thấp. Tỷ lệ người có trình độ sơ cấp, công nhân kỹ thuật là 3,05%; trung cấp: 2,52%: cao đẳng: 0,8%: đại học trở lên: 0.41%.