Năm 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 155 vụ TNGT, làm chết 92 người, bị thương 93 người (giảm 11 vụ, 7 người chết, 7 người bị thương so với năm 2014). Có được kết quả trên là nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị. Theo đó, công tác chỉ đạo điều hành của các sở, ngành, đơn vị, địa phương có nhiều đổi mới, chủ động, thiết thực, cụ thể. Trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được chú trọng. hoạt động tuần tra, kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm được tăng cường. Ngoài lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đóng vai trò nòng cốt, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng khác cùng tham gia phối hợp bảo đảm TTATGT. Trong năm, lực lượng thanh tra giao thông (Sở Giao thông Vận tải) đã tập trung kiểm tra điều kiện bảo đảm TTATGT về kinh doanh vận tải, kiểm soát trọng tải và quản lý kỹ thuật phương tiện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATGT tiếp tục được đẩy mạnh, đa dạng hóa về nội dung, hình thức, tạo được sự chú ý, ghi nhận của xã hội. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phục vụ giao thông tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp, nhất là các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Tuy nhiên, qua phân tích, đánh giá, công tác bảo đảm TTATGT vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Số vụ vi phạm bị xử lý tăng nhiều hơn so với năm trước (lực lượng chức năng đã xử lý 16.080 trường hợp, tước giấy phép lái xe có thời hạn 896 trường hợp, phạt tiền trên 20 tỷ đồng). Điều đó cho thấy, một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa có ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông. Mặt khác, nếu như giao thông đường bộ giảm cả 03 tiêu chí, hạn chế đáng kể số người chết và bị thương thì trong năm 2015 TNGT đường sắt lại tăng cao (tăng 10 vụ, 10 người chết, 02 người bị thương). Qua phân tích từ ngành chức năng, nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu vẫn là do ý thức của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông còn kém, không chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT. Các vi phạm dẫn đến TNGT chủ yếu vẫn là: Đi không đúng phần đường, tránh vượt sai quy định, không chú ý quan sát, sử dụng rượu bia quá liều lượng cho phép…
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình TNGT, Ủy ban ATGT quốc gia chọn chủ đề năm 2016 “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”. Mục đích hướng tới là nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường hiệu lực, kỷ cương của lực lượng thực thi công vụ. Coi bảo đảm TTATGT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục đối với mỗi cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể. Chủ đề ATGT năm nay tiếp tục đặt ra nội dung trọng tâm “Xây dựng văn hóa giao thông” để mỗi người có ý thức tự giác chấp hành luật lệ khi tham gia giao thông và ứng xử với nhau có văn hóa, tình người. Cùng với xây dựng văn hóa giao thông cũng phải nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ. Theo đó, lực lượng CSGT, thanh tra giao thông và các cơ quan hữu quan cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong TTKS, xử lý vi phạm; kiểm tra phương tiện, tải trọng, điều kiện kinh doanh vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
Tại lễ phát động “Năm ATGT 2016”, Ban ATGT tỉnh đề ra mục tiêu tiếp tục phấn đấu giảm từ 5% trở lên đối với cả 03 tiêu chí. Để đạt được chỉ tiêu này, Ban ATGT tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ, siết chặt quản lý chi phí và chất lượng hoạt động đầu tư xây dựng, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng giao thông; nghiên cứu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, phù hợp với hạ tầng; lập lại hành lang ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; rà soát, lắp đặt hệ thống biển báo giao thông phù hợp với quy chuẩn; khắc phục kịp thời các “điểm đen”, vị trí mất ATGT, Cùng đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, TTKS, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT, nhất là các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến TNGT. Mặt khác, tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, đặc biệt là đối với nhóm những người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện.
Như vậy, để có thể kéo giảm cả 03 tiêu chí về TNGT, đặc biệt là giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tính mạng người tham gia giao thông vì mục tiêu tính mạng con người là trên hết đòi hỏi nỗ lực rất cao từ phía các lực lượng chức năng cũng như của cả hệ thống chính trị./.