Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh

Tin theo lĩnh vực Công thương  
Đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh
Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 19/5/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết với nhiều giải pháp trọng tâm và phù hợp với thực tiễn. Nhờ vậy, hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh có nhiều khởi sắc, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân.

Xác định phát triển thương mại, dịch vụ là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết vấn đề việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, trong những năm gần đây tỉnh Hà Nam đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp lĩnh vực thương mại, dịch vụ vào đầu tư. Do đó, số doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, trong đó phát triển mạnh nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu, tài chính - ngân hàng, lương thực, thực phẩm, điện tử, viễn thông.

Đặc biệt, xác định chuyển đổi số cũng là một trong những “mắt xích" quan trọng nhằm góp phần phát triển thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại, trong đó tỉnh đã duy trì vận hành và khai thác sàn giao dịch thương mại điện tử; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, quốc gia và quốc tế. Các sở, ngành, địa phương đang tập trung phát triển thương mại điện tử và các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa; triển khai phương án chuyển đổi số toàn ngành, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân tiếp cận kỹ năng phát triển thương mại điện tử, kết nối xúc tiến thương mại điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Sendo. Xây dựng và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, ứng dụng các phần mềm quản lý thông tin khách hàng, quản lý bán hàng thông minh, đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người dân theo hướng văn minh, hiện đại

tm2012.jpg

Khách hàng mua sắm tại cửa hàng Winmart+, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý

Bên cạnh đó, UBND tỉnh ban hành và triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam và Ngày thương hiệu Việt Nam năm 2023; tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định của Chính phủ và UBND tỉnh để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Năm 2023, mặc dù phải đối mặt với tình hình khó khăn chung nhưng hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng khá. Dự kiến hết năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 7,4 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2022, đạt 116,0% kế hoạch năm; tổng giá trị nhập khẩu ước đạt 6,4 tỷ USD, tăng 37,5% so với năm 2022, đạt 115,1% kế hoạch năm. Tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ cả năm ước đạt 46.375 tỷ đồng, tăng 12,5% so với thực hiện năm 2022, đạt 97,2% kế hoạch năm. Các hoạt động vận tải, bưu chính viễn thông, cấp nước sạch, điện lực tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Đồng thời, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm đối với hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; tập trung kiểm tra các cơ sở kinh doanh thực phẩm trong các dịp lễ, tết trong năm, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế vi phạm trong phòng, chống dịch.

Hoạt động du lịch đạt kết quả cao, tổng lượt khách du lịch ước đạt 4.380 nghìn lượt khách, tăng 38,8% so với năm 2022, đạt 115,26% kế hoạch năm. Doanh thu du lịch ước đạt 3.382 tỷ đồng, tăng 57,1% so với năm 2022, đạt 108,7% kế hoạch năm 2023.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng phát triển thương mại, dịch vụ, tỉnh Hà Nam tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển thương mại dịch vụ theo hướng hiện đại; tuyên truyền các hộ dân kinh doanh mở rộng các loại hình dịch vụ, đa dạng mẫu mã sản phẩn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong Nhân dân; tạo điều kiện cho các hộ chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ; quan tâm tìm kiếm ngành nghề phù hợp với điều kiện của địa phương. Khuyến khích các hộ cá thể, các doanh nghiệp liên doanh, liên kết xây dựng chuỗi sản xuất, đảm bảo cung ứng và tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn. Phối hợp với các ngành có liên quan đẩy mạnh công tác đào tạo nghề trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị - xã hội của địa phương./.

PN