Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam: Triển khai hiệu quả công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền

Thông tin tuyên truyền, phổ biến  
Hà Nam: Triển khai hiệu quả công tác bảo vệ, đấu tranh về nhân quyền
Ngay sau khi thành lập ngày 24/10/1945, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua “Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền” vào ngày 10/12/1948. Bản Tuyên ngôn với 30 điều khoản ngắn gọn là nền tảng cho bộ luật Nhân quyền quốc tế, gồm hai Công ước cơ bản về quyền con người (Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa) được Liên Hợp quốc thông qua vào năm 1966.

Năm 1950, Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua Nghị quyết 423 (V), tại phiên họp thứ 317, chính thức kêu gọi mọi quốc gia thành viên và các tổ chức quan tâm kỷ niệm ngày 10/12 - Ngày Nhân quyền (Human Rights Day) - bằng các phương thức khác nhau. Hàng năm, Ngày Nhân quyền 10/12 được kỷ niệm ở nhiều quy mô khác nhau tại khắp nơi trên thế giới.

Tại Việt Nam, các nguyên tắc và giá trị về quyền con người, về tự do, dân chủ được quy định và thể hiện ngay trong bản Hiến pháp năm 1946 - trước khi Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế được thông qua năm 1948. Tuy nhiên, trong các bản Hiến pháp sau này, từ Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 đã quy định và thể hiện rõ nét hơn các nguyên tắc và giá trị phổ quát về quyền con người được cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Sự ra đời của bản Hiến pháp năm 1946, hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đánh đấu một bước tiến quan trọng về thực hiện dân chủ và quyền con người, quyền công dân trên một đất nước đã hơn 80 năm bị thực dân, phong kiến đô hộ, mọi quyền tự do dân chủ của con người và của dân tộc bị chà đạp. Quyền con người và quyền dân tộc trong tư tưởng Hồ Chí Minh bắt nguồn từ truyền thống dân tộc Việt Nam qua bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Sự gắn bó giữa cá nhân và cộng đồng dân tộc trong đấu tranh chống thiên nhiên khắc nghiệt và chống kẻ thù xâm lược. Người đã từng khẳng định, dân tộc ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì tinh thần đó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, nó lướt qua mọi thử thách gian nan, nó nhấn chìm tất cả bè lũ bán nước và cướp nước.

Tôn trọng và bảo vệ nhân quyền là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta từ trước tới nay. Từ ngày thành lập nước đến nay, chúng ta đã tham gia đầy đủ các hoạt động bảo vệ nhân quyền do Liên Hợp quốc và các Tổ chức quốc tế như: Tham gia ký Công ước quốc tế về quyền trẻ em; chăm sóc bảo vệ người cao tuổi; tham gia tích cực các hoạt động chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ môi trường sinh thái, tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc... Đảng và Nhà nước ta luôn luôn xác định quyền con người là giá trị chung của nhân loại; con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; bảo đảm và thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững. Theo đó, những tiêu chuẩn về quyền con người càng được củng cố và phát triển, đời sống của người dân ngày càng thay đổi và được nâng cao. Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người như: Công ước về quyền dân sự và chính trị, Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Công ước chống tra tấn về các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người… Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc và thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc; ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc (nhiệm kỳ 2023 - 2025) đã thể hiện mong muốn trong việc đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Đó là sự ghi nhận và đánh giá cao của quốc tế đối với Việt Nam trong việc bảo đảm, thực thi quyền con người.

Đặc biệt, ngày 03/4/2023, tại Trụ sở Văn phòng Liên Hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc đã đồng thuận thông qua Nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền (UDHR) và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên (VDPA) do Việt Nam đề xuất và soạn thảo. Việc Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc thông qua nghị quyết là dấu ấn nổi bật của Việt Nam ngay trong khóa họp đầu tiên đảm nhận cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Tại Hà Nam, ngày 20/6/2023, Ban Chỉ đạo về nhân quyền tỉnh ban hành Kế hoạch số 57/KH-BCĐ triển khai hoạt động tuyên truyền thành tựu bảo đảm quyền con người nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Nhân quyền thế giới (10/12/1948 - 10/12/2023). Việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tầm quan trọng của công tác bảo vệ và đấu tranh về quyền con người; góp phần đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền để vu cáo, xuyên tạc chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Nâng cao trách nhiệm và tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan chí trong công tác thông tin, tuyên truyền thành tựu của Việt Nam đã đạt được trên các lĩnh vực đảm bảo quyền con người.

            Những năm qua, Hà Nam đã triển khai hiệu quả các mặt công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền; triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống của người dân và đảm bảo các quyền cơ bản của công dân, thực hiện tốt công tác đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo…, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Năm 2023, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức; nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh và sự nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể; sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp; sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, tỉnh Hà Nam đã cơ bản hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 65/NQ-HĐND về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của HĐND tỉnh đã đề ra. Tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,41% (đứng thứ 5 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 8 toàn quốc). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Thu cân đối ngân sách nhà nước gần đạt kế hoạch (13 nghìn tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu người đạt 96,3 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,49%.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực. Hoạt động xúc tiến đầu tư đạt nhiều kết quả. Chương trình phát triển đô thị được đẩy mạnh (huyện Kim Bảng đã được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV). Thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi và có bước phát triển. Hoạt động du lịch đạt kết quả cao; tổng lượt khách du lịch đạt trên 4,3 triệu lượt (tăng 38,8%); doanh thu ước đạt trên 3,3 nghìn tỷ đồng (tăng 57,1% so với năm 2022). Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Chương trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu vượt kế hoạch đề ra. Dự kiến hết năm 2023, toàn tỉnh có 39/89 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu. Công tác xây dựng, hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Hệ thống hạ tầng khung kết nối liên vùng và các tuyến đường giao thông trọng điểm; hệ thống kênh mương tưới, tiêu, thoát nước được quan tâm đầu tư xây dựng, tu bổ. Ô nhiễm môi trường được tập trung chỉ đạo xử lý, từng bước giảm thiểu, nhất là ở khu vực Tây Đáy. Công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng tiến độ các dự án đầu tư trọng điểm. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến. Chất lượng Giáo dục - đào tạo được duy trì; giáo dục mũi nhọn đạt nhiều kết quả nổi bật. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được quan tâm; dịch bệnh được kiểm soát. An sinh xã hội được đảm bảo; đời sống của Nhân dân từng bước được cải thiện. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường. Tổ chức thành công Cuộc diễn tập Khu vực phòng thủ tỉnh năm 2023. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác cải cách hành chính; chuyển đổi số; tiếp dân, giải quyết đơn thư; phòng chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chuyển biến. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án bảo đảm đúng quy định. Nhiều tồn tại, khuyết điểm, vi phạm được tập trung khắc phục, chấn chỉnh, xử lý.

Trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam tiếp tục quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhân quyền. Triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân; tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trong các lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin truyền thông, Internet. Kịp thời phát hiện ngăn chặn những thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng tạo sơ hở để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Thông tin, tuyên truyền về những thành tựu đảm bảo quyền con người ở địa phương trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, trong đó tập trung làm nổi bật các thành tựu trên các lĩnh vực mà các thế lực thù địch, phản động đang lợi dụng chống phá như: Tự do ngôn luận, lập hội, tôn giáo, dân tộc, quyền khiếu nại, tố cáo; kết quả xử lý các đối tượng chống đối chính trị, số đối tượng mãn hạn tù, cầm đầu khiếu kiện phức tạp lợi dụng tôn giáo, dân tộc xâm phạm an ninh quốc gia. Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ các thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kịp thời phát hiện ngăn chặn những thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng tạo sơ hở để các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc các chủ trương, chính sách của Đảng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, Thực hiện nghiêm túc quy định của UBND tỉnh về phát ngôn, đảm bảo thông tin trung thực, khách quan theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng. Các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình cụ thể ở đơn vị, địa phương, bằng nhiều hình thức, nhiều ngôn ngữ khai thác thế mạnh của nền tảng số, mạng xã hội nhằm truyền tải kịp thời thông tin chính thống đến người dân trong và ngoài nước. Chủ động thông tin những thành tựu phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao ý thức cảnh giác trước thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá ta, góp phần bảo vệ nhân quyền và đấu tranh, bác bỏ các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch./.