Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Thúc đẩy chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt

Tin theo lĩnh vực Chuyển đổi số  
Thúc đẩy chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt
Hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài. Bởi vậy, ngành ngân hàng đang tích cực đẩy mạnh những chính sách, hoạt động nhằm giúp người dân hiểu và trải nghiệm nhiều hơn các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trong giao dịch sinh hoạt hằng ngày.

Nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Thời gian qua, NHNN Việt Nam tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho sự ra đời, phát triển các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán số, đổi mới tiện ích, ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ.

Theo đó, NHNN Việt Nam đã xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định TTKDTM; xây dựng sửa đổi bổ sung các thông tư, hướng dẫn Nghị định TTKDTM; xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng; ban hành quy định mở tài khoản thanh toán trực tuyến dựa trên định danh khách hàng bằng phương thức điện tử (eKYC); ban hành áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn trong lĩnh vực thanh toán...".

Ngoài ra, các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán đã tích cực nghiên cứu, đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, tích hợp kết nối các dịch vụ khác trong nền kinh tế; thiết lập hệ sinh thái số và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, tiện ích, nâng cao sự trải nghiệm, sự hài lòng của khách hàng.

Nhiều phương thức, giải pháp thanh toán mới, hiện đại, tiết kiệm chi phí đã ra đời với những tiện ích, an toàn bảo mật, đem lại lợi ích to lớn và giá trị thiết thực cho khách hàng.

Những cố gắng đó đã được phản ánh qua số liệu tăng trưởng, cụ thể: Thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng mạnh hằng năm, 90% về số lượng và 150% về giá trị; nhiều ngân hàng đạt hơn 90% giá trị giao dịch thực hiện trên kênh số hóa.

Trong 9 tháng năm 2021, thanh toán qua Mobile Banking tăng 76,2% về số lượng và 88,3% về giá trị; thanh toán qua Internet Banking tăng 51,2% về số lượng và 29,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ từ tháng 3/2021 đến nay đã có thêm hơn 1,8 triệu tài khoản thanh toán được mở trực tuyến theo phương thức mới eKYC trong số hơn 100 triệu tài khoản thanh toán đang hoạt động tại Việt Nam.

Ông Đỗ Quang Vinh, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng số Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cho rằng: "Nhu cầu của khách hàng ngày càng thay đổi theo hướng đa dạng, tinh tế hơn. Do vậy, ngân hàng không chỉ dừng lại ở việc bán những sản phẩm dịch vụ sẵn có, mà quan trọng là bán những thứ mà khách hàng mong muốn.

Trên cơ sở đó, việc chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng cần thiết phải bám sát nhu cầu khách hàng, bám sát những tác động từ thị trường trong hiện tại và tương lai với sự hỗ trợ của những công nghệ ngày càng hiện đại".

Theo Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) Phùng Duy Khương: Hiện tại, 100% sản phẩm và dịch vụ của VPBank đều có thể được cung ứng qua các kênh số hóa để trải nghiệm khách hàng tốt hơn.

Đối với khách hàng cá nhân hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc mở tài khoản trực tuyến qua các ứng dụng ngân hàng như VPBank NEO, VPBank NEOBiz trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn rất nhiều nhờ phương thức eKYC.

Khách hàng cũng hoàn toàn có thể mở thẻ tín dụng hoặc đăng ký vay tín chấp và được giải ngân hoàn toàn qua ứng dụng với thời gian chỉ vài phút, thay vì phải đến các phòng giao dịch truyền thống như trước đây.

Bảo đảm an toàn trong thanh toán

Đánh giá về quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, Phó thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết: "Phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng là mục tiêu chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025 và định hướng năm 2030.

Mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2025 là 50% nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; 50% người trưởng thành sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử; 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện thông qua các kênh số; 50% quyết định giải ngân cho vay của ngân hàng thương mại, công ty tài chính đối với khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của cá nhân được số hóa...". 

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra tại Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu NHNN Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tập trung, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy TTKDTM đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt việc triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ mới.

Đồng thời, tiếp tục chủ động triển khai thực hiện các hoạt động thông tin tuyên truyền và giáo dục tài chính đến người dân, doanh nghiệp để mọi người có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và yên tâm trải nghiệm sử dụng dịch vụ TTKDTM một cách an toàn.

Nguyễn Anh Việt

​​https://www.qdnd.vn/kinh-te/tai-chinh/thuc-day-chuyen-doi-so-va-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-679112

​ 


Theo Báo điện tử Quân đội nhân dân