Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Phủ Lý - sự phát triển của một thành phố trẻ

UBND các huyện, thành phố Thành phố Phủ Lý  
Phủ Lý - sự phát triển của một thành phố trẻ
Sau khi tái lập tỉnh năm 1997, thị xã Phủ Lý đã nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tiến hành quy hoạch để chính thức trở thành đô thị loại 3 vào ngày 01 tháng 01 năm 2007 và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Hà Nam vào ngày 09 tháng 6 năm 2008 theo nghị định 72/2008/NĐ-CP. Đây là sự kiện rất quan trọng đánh dấu sự phát triển của một thành phố trẻ.

Sau khi tái lập tỉnh năm 1997, thị xã Phủ Lý đã nỗ lực phấn đấu, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tiến hành quy hoạch để chính thức trở thành đô thị loại 3 vào ngày 01 tháng 01 năm 2007 và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Hà Nam vào ngày 09 tháng 6 năm 2008 theo nghị định 72/2008/NĐ-CP. Đây là sự kiện rất quan trọng đánh dấu sự phát triển của một thành phố trẻ.

Thành phố Phủ Lý có diện tích tự nhiên 3.426,77 ha và 121.350 nhân khẩu với 12 đơn vị hành chính, gồm các phường: Minh Khai, Hai Bà Trưng, Lương Khánh Thiện, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Hồng Phong và các xã Thanh Châu, Liêm Chính, Lam Hạ, Phù Vân, Liêm Chung, Châu Sơn.

Kể từ sau khi tỉnh Hà Nam được tái lập đến nay, Phủ Lý đã có nhiều thay đổi với tốc độ phát triển nhanh. Những ngôi nhà mới, con đường mới đang nối tiếp nhau mọc lên. Nhiều công trình được đầu tư xây dựng như trường học, công viên, siêu thị, Khu đô thị mới Nam Trần Hưng Đạo, Trung tâm Thương mại Minh Khôi, Nhà thi đấu thể thao, cầu và các tuyến đường ven quốc lộ 1A… Năm 2006 - 2007 công viên Nguyễn Khuyến, công viên Nam Cao được quy hoạch, cải tạo với kiến trúc đẹp và không gian hợp lý, là nơi thư giãn của người dân sau những giờ lao động căng thẳng.

Nhờ có quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết, các tuyến phố, trục đường giao thông đã được cải tạo, nâng cấp thông thoáng, hiện đại hơn. Đến nay, vỉa hè các tuyến đường chính như Biên Hoà, Lê Công Thanh, Trường Chinh, Nguyễn Văn Trỗi, Châu Cầu, Trần Hưng Đạo, Quy Lưu, Nguyễn Viết Xuân đã được đầu tư cải tạo. Gần 100% tuyến đường, ngõ đều đã được trải nhựa, đổ bê tông. Hệ thống các cống thoát nước đã được cải tạo, xây mới, từng bước khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ thường xuyên diễn ra trước đây. Nhiều diện tích đất canh tác, đất hoang hóa, đầm ao đã được san lấp để hình thành nên những công sở, nhà máy, khu đô thị.

Phủ Lý cũng đã thu hút nhiều công ty vào đầu tư, mở ra cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mới Nam Châu Sơn. Ngoài ra, nền sản xuất nông nghiệp ở Phủ Lý đang phát triển theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao và bảo vệ môi trường; coi trọng phát triển kinh tế trang trại và các mô hình sản xuất VAC, nhất là trong chăn nuôi. Phủ Lý có lợi thế là đầu mối giao thông, gần thủ đô Hà Nội, là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có đủ điều kiện để phát triển tổng hợp ngành kinh tế dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống, đưa ngành dịch vụ thành ngành kinh tế quan trọng.

Hơn 10 năm kể từ khi tái lập tỉnh, thành phố Phủ Lý đã có những thay đổi đáng mừng. Nhân dân tỉnh Hà Nam nói chung, nhân dân thành phố Phủ Lý nói riêng tự hào về những gì thành phố có được hôm nay. Tuy nhiên, hiện nay chất lượng, thẩm mỹ nhiều công trình chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc quy hoạch, quản lý vẫn còn đang bộn bề, nhiều công trình vẫn còn đang dang dở, hiện tượng ngập úng vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Hy vọng những điều trăn trở trên sớm được tháo gỡ để thành phố Phủ Lý ngày càng hiện đại, giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với tên gọi thành phố Phủ Lý mà Chính phủ đã trao./.