Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Ngày Sách Việt Nam 21/4: Hà Nam chú trọng phát triển văn hóa đọc

Tin theo lĩnh vực Ngày sách Việt Nam  
Ngày Sách Việt Nam 21/4: Hà Nam chú trọng phát triển văn hóa đọc
Trong đời sống tinh thần của con người, sách là sản phẩm văn hóa, là kho tàng tri thức đóng vai trò rất quan trọng, thắp sáng trong mỗi chúng ta nguồn tri thức vô tận. Ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học và đọc sách là một trong những phương pháp để hoàn thiện nhân cách, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Cha ông ta đã coi việc đọc sách là một hành vi văn hóa cao đẹp. Đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện là một phần của việc hình thành văn hóa đọc. Văn hóa đọc là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Nhân dịp kỷ niệm 87 năm ngày phát hành cuốn “Đường cách mệnh" của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam, đồng thời hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền Thế giới 23/4, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách Việt Nam.

Ngày Sách Việt Nam được tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức và kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ, quảng bá sách; nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng và các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam.

Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6, nhiều địa phương đã ban hành Kế hoạch tổ chức Ngày Sách Việt Nam năm 2019 với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng diễn ra trong tháng 4, trọng tâm từ ngày 18 đến ngày 24/4. UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Kế hoạch số 984/KH-UBND ngày 12/4/2019 về tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6 năm 2019 trên địa bàn tỉnh Hà Nam với nhiều hoạt động: Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về Ngày sách Việt Nam, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng; tổ chức khai mạc Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6 năm 2019 trên địa bàn tỉnh Hà Nam; trưng bày, giới thiệu, giao lưu tác giả - tác phẩm - bạn đọc; giới thiệu các kỷ lục về sách; trao tặng sách...; giới thiệu và tôn vinh các tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ, tủ sách hậu phương quê hương chiến sỹ; tổ chức giới thiệu sách, hướng dẫn kỹ năng tìm kiếm thông tin và kỹ năng đọc sách, chọn sách cho phù hợp tại các thư viện trong tỉnh; tổ chức “Ngày hội đọc sách" theo từng chủ đề tại các trường học; phát động phong trào đọc sách trong thư viện nhà trường; tổ chức các câu lạc bộ về sách với các hoạt động ngoại khóa nhằm xây dựng văn hóa đọc cho học sinh, sinh viên.

Cùng với chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam trong cả nước, các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6 của tỉnh Hà Nam hết sức có ý nghĩa, bởi đây cũng chính là hoạt động thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất Tổ quốc, kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ…

Hà Nam hiện có một hệ thống phục vụ văn hóa đọc rộng khắp từ tỉnh đến cấp xã, bao gồm: Hệ thống thư viện cấp tỉnh, cấp huyện và thư viện trường học; hệ thống bưu điện phát hành sách báo cấp tỉnh, cấp huyện và các điểm bưu điện văn hóa xã; hệ thống phát hành sách với đơn vị chủ lực của tỉnh là Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hà Nam và khoảng 20 cơ sở phát hành sách tư nhân. Với một hệ thống như vậy đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đọc, xem, mua sách, báo của người dân. Tuy nhiên, việc đọc sách trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng vẫn còn những hạn chế, đó là: Đa số người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên chưa tạo được thói quen đọc sách, báo mỗi ngày; việc đọc, tiếp cận sách điện tử trên mạng Internet chưa phổ biến; số lượng bạn đọc, đặc biệt là học sinh thường xuyên đến thư viện còn hạn chế; chưa có nhiều phụ huynh đặt mua sách, báo thường xuyên cho con em mình; các cơ sở phát hành sách còn ít và chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố.

Để khắc phục những hạn chế này, đồng thời, nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh Hà Nam như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện tốt những nhiệm vụ: Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh quản lý tốt hoạt động xuất bản - in - phát hành trên địa bàn, trong đó chú trọng tham mưu tổ chức thực hiện Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 16/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tham mưu xây dựng kế hoạch và các chính sách thúc đẩy hoạt động xuất bản, in, phát hành của địa phương; phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động xuất bản - in - phát hành xuất bản phẩm trên địa bàn tỉnh. Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn công tác thông tin tuyên truyền trên các ấn phẩm báo chí, phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và phối hợp tuyên truyền bằng các hình thức khác về vai trò, tầm quan trọng của sách; tôn vinh giá trị của sách, xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Chỉ đạo xây dựng, phát triển phong trào đọc sách tại các xã thông qua hệ thống điểm bưu điện văn hóa xã. Chỉ đạo hệ thống thư viện các cấp trên địa bàn tỉnh nâng cao chất lượng phục vụ, thường xuyên bổ sung sách, báo và cập nhật thông tin phục vụ bạn đọc phù hợp với từng đối tượng, đồng thời, tăng cường công tác phục vụ sách lưu động tại các trường học, các khu vực công cộng trong các ngày lễ, kỷ niệm lớn của tỉnh, đất nước. Quan tâm chăm lo phát triển các đầu sách, nâng cao chất lượng phục vụ của các thư viện trong nhà trường. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích các hoạt động tìm hiểu về sách, đọc sách trong nhà trường, đặc biệt là thông qua thư viện nhà trường, các câu lạc bộ về sách, các hoạt động ngoại khóa. Nghiên cứu tổ chức xây dựng chương trình giáo dục kỹ năng đọc cho nhân dân, đặc biệt là những người trẻ. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến vai trò, tầm quan trọng của việc đọc sách tới cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên...

Với sự quan tâm của các cấp, các ngành cũng như sự hưởng ứng tích cực của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên, trong thời gian tới, phong trào đọc sách, báo trên địa bàn tỉnh sẽ có chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng văn hóa đọc trở thành một nét đẹp không thể thiếu được trong đời sống của người dân Hà Nam./.