Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và doanh nghiệp

Doanh nghiệp - Hợp tác - Đầu tư Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp  
Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và doanh nghiệp
Sáng ngày 29/4/2016, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam có ông Nguyễn Xuân Đông - Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh; ông Vũ Đại Thắng - Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Tỉnh ủy viên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố cùng đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nam

Tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, trong khoảng thời gian 15 năm trở lại đây, kể từ ngày có Luật Doanh nghiệp, ở Việt Nam đã có 941.000 doanh nghiệp được đăng ký thành lập. Tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 513.000 doanh nghiệp còn hoạt động, 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể. Năm 2015 có hơn 80.000 doanh nghiệp giải thể và quý I/2016 có gần 23.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Ông đề xuất Chính phủ ban hành 01 nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ, bảo đảm thực hiện được hai yêu cầu xuyên suốt là củng cố niềm tin, vực dậy tinh thần, phục hồi và phát triển doanh nghiệp.

Cũng tại hội nghị, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ đề nghị Việt Nam sớm phê chuẩn Hiệp định TPP; mong muốn Việt Nam  đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính; áp dụng các giải pháp giảm thiểu giấy tờ trong các giao dịch hành chính, tiền tệ; áp dụng các chuẩn mực toàn cầu về kế toán; mong muốn sẽ được hợp tác thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, công nghiệp… Bên cạnh đó, hiệp hội mong muốn tiếp tục hợp tác với Chính phủ xử lý những vấn đề ô nhiễm môi trường không khí, nguồn nước, xử lý các vấn đề liên quan tới biến đổi khí hậu.

Tại hội nghị, đại diện các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp cũng như các đại biểu đại diện các bộ, ngành của trung ương và địa phương cũng nêu một số vấn đề cần thực hiện trong thời gian tới: Lấy năm 2016 là năm doanh nghiệp hội nhập; Chính phủ cần ban hành nghị quyết về chương trình hành động quốc gia phát triển doanh nghiệp; giảm tiền thuế sử dụng đất; tạo cơ chế khuyến khích các hiệp hội, nhà đầu tư xây dựng kho ngoại quan cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; có chương trình ưu đãi doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi sản xuất; tạo cơ chế khuyến khích phát triển các khu, cụm công nghiệp đảm bảo đủ cơ sở hạ tầng cho doanh nghiệp phát triển; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ công…

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Phát biểu kết thúc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam có truyền thống tôn vinh doanh nghiệp, tôn trọng doanh nhân. Trong lúc đất nước gặp khó khăn nhất, doanh nhân sẵn sàng bỏ ra hàng ngàn lượng vàng để cứu đói, diệt giặc dốt, kháng Pháp, cứu nước. Đảng, Nhà nước đã tập trung làm thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện để phục vụ doanh nghiệp phát triển. Thủ tướng lưu ý doanh nghiệp trong thời gian tới phải xây dựng được chiến lược hội nhập của mình, xây dựng văn hóa hội nhập, văn hóa doanh nhân, liêm chính trong phát triển. Nhà nước sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng, đảm bảo quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo sự ổn định lâu dài của chính sách để doanh nghiệp yêu tâm bỏ vốn đầu tư. Doanh nghiệp được hoạt động kinh doanh tất cả các loại hình, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Tất cả các doanh nghiệp không phân biệt quy mô, loại hình, thành phần kinh tế, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực như vốn, tài nguyên, đất đai, thị trường và cơ hội kinh doanh.../.