Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Làng văn hóa Vạn Thọ

Lịch sử - Văn hóa  
Làng văn hóa Vạn Thọ
Vừa qua, tại tỉnh Thái Bình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất năm 2009 nhằm giới thiệu, tôn vinh bản sắc văn hóa các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng.

Vừa qua, tại tỉnh Thái Bình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất năm 2009 nhằm giới thiệu, tôn vinh bản sắc văn hóa các địa phương vùng đồng bằng sông Hồng. Trong khuôn khổ ngày hội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết 20 năm xây dựng thôn, làng văn hóa khu vực phía Bắc. Tại hội nghị này, tỉnh Hà Nam vinh dự có 03 Làng văn hóa tiêu biểu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen: làng Vạn Thọ, xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân; làng Đồng Lạc, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng; thôn Dương Xá, xã Thanh Hà, huyện Thanh Liêm. Website Hà Nam trân trọng giới thiệu 3 Làng văn hóa tiêu biểu của tỉnh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng.

Làng Vạn Thọ, xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân là một làng có bề dầy truyền thống cách mạng với 810 hộ và 3.200 nhân khẩu. Xưa kia, Vạn Thọ là làng có kinh tế kém phát triển, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ đời sống dân sinh còn nhiều thiếu thốn, đời sống văn hóa nghèo nàn, còn nhiều tập tục ma chay, cưới xin lạc hậu. Thời gian đầu khi  triển khai thực hiện Cuộc vận động xây dựng dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, nhiều người dân Vạn Thọ không thực sự hiểu xây dựng Làng văn hóa là gì, không ai nghĩ làng mình sẽ xây dựng thành công Làng văn hóa. Được cấp trên tuyên truyền vận động: có xây dựng làng văn hoá, các phong trào phát triển đi lên thì đời sống của bà con mới có sự đổi thay, thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu, nhân dân làng Vạn Thọ đã quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt các tiêu chí của phong trào để tạo nên sự khởi sắc mới cho quê hương mình.

 Quyết tâm làm giàu cho quê hương bằng chính sức mình, Chi bộ, lãnh đạo thôn bàn nhau tìm thầy, học bạn, mạnh dạn tích cực chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất thâm canh, tăng vòng quay của đất từ một vụ thành ba vụ chính với 5 cánh đồng có diện tích 75 ha cho thu nhập từ 70 - 90 triệu đồng/ha/năm, qua đó góp phần tăng năng suất lúa đạt 123 tạ/ha/năm… Bên cạnh đó, Vạn Thọ đã mở rộng diện tích vụ Đông trên đất hai vụ lúa đạt trên 90%, mạnh dạn đưa các giống cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao như dưa bao tử, bí xanh, đậu tương, cà chua xuất khẩu vào sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện nay, ở Vạn Thọ, bình quân lương thực đầu người đạt 700 - 750kg/người/năm; giá trị thu nhập bình quân đầu người năm 2008 đạt 9,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 6%, không còn hộ đói, số hộ có nhà xây kiên cố chiếm 50 - 60%, còn lại là nhà ngói bền vững, không có nhà tranh vách đất…

Về Vạn Thọ hôm nay mới cảm nhận được sự đổi thay của làng quê này. 100% đường làng, ngõ xóm nơi đây được bê tông hóa, 100% các xóm có nhà văn hóa (tổng kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản của làng trong những năm qua ước tính hàng chục tỷ đồng, trong đó 90% do nhân dân đóng góp). Vạn Thọ có một sân vận động rộng 800 m2, sân tập luyện thể dục thể thao, sân cầu lông, bóng chuyền và hệ thống loa truyền thanh phục vụ công tác tuyên truyền, sinh hoạt của nhân dân. Đội bóng đá thiếu niên, đội bóng chuyền hơi người cao tuổi và các câu lạc bộ (cờ tướng, văn nghệ người cao tuổi, phụ nữ với pháp luật, gia đình hội nông dân phát triển bền vững...) luôn duy trì hoạt động thường xuyên và có hiệu quả. Thông qua các câu lạc bộ và tủ sách cộng đồng (với 100 đầu sách), ban đại diện làng phối hợp với hợp tác xã, các hội đoàn thể của xã, trung tâm học tập cộng đồng mở các lớp dạy nghề chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, mở lớp học tình thương cho trẻ em khuyết tật; tuyên truyền sâu rộng chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, hương ước của làng tới mọi tầng lớp nhân dân.

Không chỉ chú trọng đến phát triển kinh tế, làng Vạn Thọ luôn quan tâm xây dựng cơ sở vật chất trường học khang trang, mở rộng các loại hình học tập, học tập cộng đồng, đẩy mạnh việc khuyến học từ gia đình, dòng họ, có chương trình khuyến khích học tập cụ thể; tích cực vận động, tạo điều kiện cho 100% con em trong độ tuổi đều được đến trường, không có tình trạng bỏ học giữa kỳ. Hội khuyến học của làng được thành lập và duy trì nguồn quỹ để khen thưởng học sinh giỏi, học sinh thi đỗ vào đại học và học sinh nghèo vượt khó. Hiện nay, làng có 2 dòng họ xây dựng được quỹ khuyến học từ 2 đến 5 triệu đồng, qua đó kịp thời động viên giáo viên, học sinh có thành tích trong giảng dậy và học tập. Hằng năm, tỉ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng của Vạn Thọ khá cao; các hoạt động y tế thôn xóm, truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình, các chương trình y tế được thực hiện nghiêm túc (100% trẻ em trong độ tuổi được được tiêm chủng theo quy định, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 14,8%).

Bắt tay xây dựng Làng văn hóa, Vạn Thọ biết chọn lọc các yếu tố tích cực trong hương ước, tục làng để xây dựng một bản quy ước quy định cụ thể các mặt sinh hoạt đời sống cộng đồng từ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe, phát triển giáo dục, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đến duy trì phát triển thuần phong mỹ tục, ứng xử trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, bài trừ các tệ nạn xã hội... Đổi thay trước hết là trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày, không còn những lời lẽ thô tục, nói năng tuỳ tiện, to tiếng với nhau. Hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày có nền nếp, khoa học hơn. Trong làng, người dân chấp hành và thực hiện nghiêm túc quy ước xây dựng Làng văn hóa, đời sống tinh thần được chú trọng; sinh hoạt câu lạc bộ gia đình văn hóa được đông đảo người dân tham gia; vai trò của các bậc cao niên trong làng được phát huy, nêu cao tính gương mẫu cho thế hệ trẻ sống có đạo lý, biết vượt khó vươn lên, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương; xóa bỏ những tập tục, hủ tục lạc hậu, thói hư tật xấu, tập trung chí thú làm ăn. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần chỉ thị 27 của Trung ương, làng Vạn Thọ đã đưa nội dung này vào quy ước xây dựng làng văn hóa và thực hiện nghiêm túc.

Được công nhận là Làng văn hóa cấp tỉnh năm 1998, trong những năm qua, làng Vạn Thọ vinh dự được các cấp khen thưởng: Bộ Văn hóa - Thông tin tặng Bằng khen là đơn vị thực hiện tốt Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội 5 năm (1998 - 2003); năm 2004 được UBND tỉnh Hà Nam tặng Bằng khen là đơn vị có thành tích xuất sắc trong việc xây dựng phong trào không có tội phạm và tệ nạn xã hội, là một trong hai làng được tham dự Hội nghị Biểu dương khu dân cư tiêu biểu toàn quốc lần thứ II về thành tích trong việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” giai đoạn (1995 - 2004), được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; là một trong 3 làng văn hóa tiêu biểu của tỉnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tôn vinh trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất năm 2009…

 Vui mừng với những thành tích đã đạt được, làng Vạn Thọ nêu quyết tâm phải tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa cuộc vận động này, giữ vững các danh hiệu văn hóa đã được công nhận. Vạn Thọ xác định, trước hết, phải tiếp tục phát triển đồng đều các phong trào, tránh nặng về hình thức, tránh bệnh thành tích có “đỉnh” nhưng chưa có “nền”. Nhân dân làng Vạn Thọ luôn mong muốn được chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, được giao lưu học hỏi tại các Làng văn hóa điển hình trong và ngoài tỉnh… để nơi đây trở thành Làng văn hóa tiêu biểu của toàn quốc./.