Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Nông thôn Hà Nam đổi mới

Các sở ban ngành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  
Nông thôn Hà Nam đổi mới
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trong những năm qua đã tạo nên những chuyển biến đầy khởi sắc ở những vùng quê nông thôn Hà Nam. Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã được tỉnh vận dụng đầu tư lồng ghép để cải thiện thực trạng địa phương về kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, điện, chợ, hình thức tổ chức sản xuất và còn huy động tốt sức dân chung tay đóng góp cho nông nghiệp, nông thôn, tạo tiền đề cho tương lai đổi mới từng ngày.

Từ khi tiến hành xây dựng NTM, người dân những vùng quê  Hà Nam đã có điều kiện hơn trong việc phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Kết quả đạt được là sự ghi nhận nỗ lực của cả tập thể từ tỉnh tới đến cơ sở trong đó có sự cố gắng vươn lên của chính những người dân tại các xã cùng chung tay, góp sức. Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn (GTNT) được tỉnh chọn là khâu đột phá trong xây dựng NTM, làm sức bật để đổi mới, phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Tính đến ngày 26/2/2014, tỉnh đã hỗ trợ cho các xã trên 314.157 tấn xi măng và đã xây dựng được 1.740 km đường giao thông thôn, xóm, hơn 159 km đường trục chính nội đồng. Riêng năm 2013 triển khai xây dựng được 858 km đường giao thông nông thôn, 75 km đường trục chính nội đồng (bê tông hóa được 38,1 km). Phong trào làm đường GTNT được cán bộ và nhân dân trong tỉnh đồng tình hưởng ứng. Nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, chặt cây, phá cổng, dỡ tường rào mở rộng mặt đường theo quy hoạch; góp công, góp của làm nền đường và cống thoát nước. Nhân dân toàn tỉnh đã hiến 413.126 m2 đất để làm đường GTNT; 1.617 m2  đất làm đường thuỷ lợi nội đồng.  Đến nay có 19 xã đạt chuẩn về tiêu chí giao thông, tăng 17 xã so với năm 2012.

Bên cạnh đó, thời gian qua Hà Nam cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân như: Hỗ trợ cho các xã triển khai mua 26 máy gặt đập; 34 máy làm đất để thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Các địa phương đã thực hiện dồn đổi ruộng đất nông nghiệp, chỉnh trang quy hoạch lại đồng ruộng, hiện tại các xã đang khẩn trương triển khai chia ruộng ngoài thực địa để đảm bảo thời vụ sản xuất; tổng diện tích đã dồn đổi xong ngoài thực địa đến cuối ngày 26/02/2014 là  hơn 25.785 ha. Tỉnh đã đào tạo nghề cho trên 8.000 lao động nông thôn, số lao động nông thôn có việc làm tăng dần qua các năm; xây dựng  được  2.633 mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, hơn 234 mô hình trồng nấm mộc nhĩ và nấm rơm, 10.000 ha  lúa gieo thẳng và hàng trăm mô hình khuyến nông. Đến nay có 32 xã đạt tiêu chí thu nhập, tăng 26 xã so với năm 2012.

Tuy nhiên xây dựng NTM trong thời kỳ mới đang đặt ra nhiều vấn đề  như: Cần tập trung các nguồn lực của cả Nhà nước và nhân dân để giải quyết những vấn đề cấp bách, đồng thời tạo ra tiền đề cho những giai đoạn tiếp theo, trong đó có việc phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn và thu nhập của người dân những nhiệm vụ cần đặt lên hàng đầu.

Năm 2014 Hà Nam tiếp tục hoàn thiện việc dồn đổi ruộng đất gắn với chỉnh trang đồng ruộng và chuẩn bị tích cực việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tập trung tổng kết, đánh giá, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh để nâng cao thu nhập cho người dân; phấn đấu đến năm 2015 đạt mức thu nhập bình quân của người  dân nông thôn là 29 triệu đồng/ người/năm; tích cực làm tốt tiêu chí môi trường, phấn đấu không còn xã dưới 10 tiêu chí; huy động nguồn lực và sử dụng tốt nguồn vốn cho xây dựng NTM.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng Hà Nam đang từng bước vươn lên thực hiện có hiệu quả các chính sách tam nông để thoát nghèo, xây dựng NTM bền vững./.

MP