Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Tiến sĩ khoa học Trần Mai Thiên - Người mê cá chép Việt

Lịch sử - Văn hóa Danh nhân Hà Nam  
Tiến sĩ khoa học Trần Mai Thiên - Người mê cá chép Việt

Tiến sĩ khoa học Trần Mai Thiên (con trai nhà văn Nam Cao), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, nghiên cứu cá chép từ năm 1965, khi là sinh viên năm thứ ba tại khoa Sinh Trường đại học Tổng hợp Leningrad của Liên Xô trước đây. Ông được đánh giá là người mở ra không gian mới về lai và chọn giống cá chép.

Năm 1969 - 1970, nghề nuôi cá chép ở Việt Nam xuống dốc không phanh vì hai yếu tố: nuôi chay và giống thoái hóa. Cá giống không còn bán được, không còn người nuôi. Ông nhớ lại: "Đó là thời gian rất mỏi mệt của nghề nuôi cá chép". Tốt nghiệp với kết quả đặc biệt xuất sắc, ông được ở lại làm nghiên cứu sinh. Về sau, ông đã bảo vệ cả luận án phó tiến sĩ và tiến sĩ tại Nga.

Từ năm 1972 - 1998, ông nghiên cứu chủ yếu về cá chép. Hàng chục năm liền vất vả, tiến sĩ hay công nhân đều phải tự tay làm mọi việc từ dọn ao, tháo nước... để có kết quả chính xác. Các ao thí nghiệm y như ao làng, cá từ ao nọ tùy thích nhảy sang ao kia. 

Khi ấy, cả viện có khoảng bảy chục cái ao thì công trình chọn giống và lai cá chép chiếm mấy chục! Công sức bỏ ra thật là kinh khủng! Chọn giống không chỉ là cân đo đong đếm, mà phải "soi" trực tiếp bằng mắt để chọn những con giống ưu tú nhất.

Đến đề tài lai kinh tế cá chép Hung và cá chép Việt, ông hợp tác cùng đồng nghiệp Phạm Mạnh Tưởng  và một tập thể từ năm 1972 đánh dấu thành công bằng báo cáo năm 1977. Từ đó, ngành nuôi cá chép bắt đầu khởi sắc. Giống bán chạy nên nhiều khi "cháy" hàng. Lại có người trộn cá đề tài với cá thường để bán kiếm lời. Cá đề tài bị thoái hóa do người nuôi đánh bắt sạch dòng thuần chủng F1, rồi chọn cá đã lai tạp, gây giống nên hiệu quả kinh tế về sau thấp. Ông và cộng sự lại bắt tay vào tạo giống bằng cách chọn giống.

Ông cho lai từ ba loài: chép vàng thịt cơ bụng mỏng, có thể còn có mầu hồng hồng, vàng nhạt, đôi khi pha một chút đen nguồn gốc từ Indonesia; chép Việt lưng xám bụng trắng thịt ngon nhất nhưng quá chậm lớn và chép Hung thịt thơm ngon nhưng hơi nhiều mỡ mới được nhập vào Việt Nam cách đây mấy năm.

Đề tài kết thúc năm 1997. Sau đó, tác giả được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh từ công trình "Nghiên cứu nâng cao chất lượng di truyền của một số loài cá nuôi ở nước ngọt” năm 2000. Chép chọn giống đã được phổ cập khắp nơi, nhất là vùng đồng bằng Bắc Bộ với trọng lượng trên dưới 1 kg.

Ông bảo: "Mình không chỉ chọn giống cá chép mà cả cá mè rồi di giống thuần hóa những loài khác này  nghiên cứu di truyền cơ bản. Đầu tháng 12-2003, ông có dịp đi công tác ở huyện Triệu Phong, ven biển Quảng Trị. Người dân đề nghị được cung cấp giống cá chép và rô phi để nuôi thủy sản nước ngọt. Họ bảo lợi nhuận không cao bằng nuôi tôm nhưng có tính ổn định và đây là mô hình lấy ngắn nuôi dài để xóa đói giảm nghèo rất hiệu quả. Nhiều nơi khác cũng vẫn yêu cầu được cung cấp giống chép thuần chủng chỉ viện mới có.

Bây giờ, nhiều nơi đã sản xuất được cá chép giống. Ông không sợ mất bản quyền mà chỉ mong phát triển được rộng rãi nghề nuôi cá chép.

Một ngày làm việc bình thường của ông sau khi về hưu hơn một năm vẫn sáng 5 giờ 30 dậy, hơn 7 giờ đến viện làm việc đến 17 giờ. Ông vẫn bận rộn bởi công việc của dự án "Nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo và khuyến ngư cho Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1" kéo dài đến hết năm 2006.

Ông mơ ước có thời gian rảnh để đọc thật nhiều sách, viết sách. Nhưng nghĩ về công việc bộn bề, ông lại thở dài...

Đề tài công nghệ môi trường biến đổi giới tính của ông tuy chưa đi vào sản xuất nhưng đã mở ra nhiều hướng nghiên cứu và đã tách ra một số đề tài viện đang thực hiện như: tôm càng xanh, công nghệ biến đổi giới tính rô phi...

 Thời học lớp 7 ông có viết truyện ngắn và được thầy Hà Vĩ khen hay nhưng không đồng ý cho đăng vì sợ trẻ con sớm nổi tiếng sẽ bất hạnh suốt đời. Một số truyện viết tay khác của ông đã thất lạc sau nhiều lần rời nhà đi học xa. Ông cũng không còn giữ được kỷ vật gì của nhà văn Nam Cao – thân sinh ra ông, vì toàn bộ thư của người cha đã bị kẻ gian lấy cùng với bọc quần áo mới được may để đi học Liên Xô.