Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Bài phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Khang

Tin tức - Sự kiện Sự chỉ đạo, điều hành của Bí thư Tỉnh ủy  
Bài phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Khang
Sáng ngày 27/6/2018, Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Khang đã chủ trì và phát biểu kết luận hội nghị. Cổng Thông tin điện tử tỉnh xin trích đăng bài phát biểu của đồng chí tại hội nghị.

Kính thưa toàn thể các đồng chí dự hội nghị!

Hôm nay, Đảng bộ tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trước hết, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy tôi trân trọng gửi tới toàn thể các đồng chí về dự hội nghị lời chúc mạnh khỏe và hạnh phúc.

Kính thưa các đồng chí!

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, ngày 11/4/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 66 để lãnh đạo, chỉ đạo việc tổng kết thực hiện Nghị quyết từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đầu tháng 6/2018, Đoàn khảo sát của Ban Chỉ đạo tổng kết của Trung ương do đồng chí Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương đã về khảo sát, đánh giá tình hình triển khai tổng kết và kết quả thực hiện Nghị quyết tại tỉnh.

anh-dang-trong-bai-pb-sua.jpg

            Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Khang phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị hôm nay, qua các báo cáo tổng kết và các ý kiến tham luận của các đại biểu tham dự tại hội nghị, có thể khẳng định: Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện về phát triển nông nghiệp và nông thôn. Nét nổi bật là:

1. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành các kế hoạch, chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết đến các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ. Các cấp ủy, chính quyền trong toàn Đảng bộ đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt Nghị quyết của Trung ương và các kế hoạch, chương trình, đề án của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; đặc biệt là việc cụ thể hóa ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 03, ngày 21/4/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XVIII) về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, Nghị quyết số 05, ngày 08/4/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa (XIX) về đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2035 gắn với các mục tiêu Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn đề ra đảm bảo phù hợp với thực tiễn của từng địa phương; đem lại những kết quả và chuyển biến tích cực.

Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nhiều chuyển biến, tạo khí thế quyết tâm chính trị cao, sức lan tỏa rộng, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia.

 2. Các cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư ưu tiên cho xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn được chú trọng. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh đã phê duyệt 15 chương trình, đề án phát triển nông nghiệp và hiện nay đang tiếp tục chỉ đạo ban hành 5 chương trình, dự án, đề án về phát triển sản xuất nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội  (điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, hệ thống đường nội đồng, kênh mương tưới tiêu...) ở khu vực nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

3. Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh được triển khai, thực hiện quyết liệt với sự đồng thuận tham gia hưởng ứng tích cực của người dân; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện, khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày một thu hẹp. Đến nay, tỉnh đã có 02 huyện và 78/98 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến năm 2020 có 98/98 xã và 6/6 huyện, thành phố về đích xây dựng nông thôn mới, vượt mục tiêu Nghị quyết 26 và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.

4. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức và xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại. Chỉ đạo thực hiện chủ trương thí điểm tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả đã được phát triển, nhân rộng như: Mô hình tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các xã Nhân Khang, Nhân Bình, Xuân Khê, huyện Lý Nhân (từ đó đã nhân rộng được 55 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại 46 xã với tổng diện tích 578 ha của 1.885 hộ tham gia sản xuất lúa, rau củ quả tham gia chuỗi sản xuất nông sản hàng hóa. Chương trình hợp tác xã, nhóm hộ liên kết sản xuất nông sản sạch (gạo, rau quả) với các doanh nghiệp như Công ty VinEco (tập đoàn Vingroup); các mô hình chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi trang trại tập trung gắn với xử lý môi trường như mô hình nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học, mô hình liên kết 04 nhà trong cung ứng thức ăn gia súc, mô hình chăn nuôi bò sữa tại xã Mộc Bắc, xã Trác Văn, huyện Duy Tiên; mô hình nuôi lợn sạch ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục; mô hình chăn nuôi dê núi tại huyện Kim Bảng... Bên cạnh đó đã tập  trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội.

5. Thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, tăng cường, gần dân, sát dân; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước và vai trò, sức mạnh của các đoàn thể chính trị xã hội ở cơ sở nhất là ở vùng nông thôn đã được nâng lên.

Có thể khẳng định sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông ghiệp, nông dân, nông thôn; chúng ta đã đạt được những kết quả nổi bật và những chuyển biến lớn, nhiều bài học thực tiễn về sự đồng thuận, niềm tin, sức mạnh đoàn kết gắn bó, mang lại nhiều lợi ích thiết thực: Nông nghiệp tăng trưởng và phát triển toàn diện, diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc; đời sống dân cư vùng nông thôn không ngừng được cải thiện; vai trò chủ thể của người nông dân ngày càng được phát huy.

Tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp giai đoạn 2008 - 2018 đạt bình quân 2,3%/năm. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2008 là 26%, đến năm 2017 đã giảm xuống còn 10,6%. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2017 (theo giá so sánh năm 2010) đã đạt trên 7.640 tỷ đồng, tăng gấp 1,37 lần năm 2008.

Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp cũng có sự chuyển dịch tích cực: Tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản năm 2008 là 34,5%, năm 2018 dự kiến tăng lên 50,7%; dịch vụ từ 2,7% tăng lên 8,3%; trồng trọt - lâm nghiệp từ 62,8% giảm xuống còn 41%.

Tỷ lệ lao động nông nghiệp trên tổng lao động năm 2017 là 31,97%, giảm 25,4% so với năm 2008, dự kiến đến năm 2020 giảm còn 30%, đạt mục tiêu Nghị quyết 26 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2017 tăng gấp 4 lần so với năm 2018, vượt mục tiêu nghị quyết 26-NQ/TW. Tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh đến năm 2017 đều vượt mục tiêu Nghị quyết số 26.

Những kết quả tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn đã tạo nền tảng vững chắc, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thể hiện rõ 10 năm qua, kinh tế - xã hội của tỉnh luôn phát triển với tốc độ cao bền vững và ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt bình quân trên 10%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, thu hút đầu tư đạt kết quả tốt, thu ngân sách tăng cao, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Thưa toàn thể hội nghị!

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề như trong báo cáo đã nêu.

Để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiệm vụ và giải pháp trong báo cáo tổng kết đã nêu, đồng thời lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là các Nghị quyết hội nghị Trung ương khóa XII gắn với chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các chương trình hành động, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm trong Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, nhất là Nghị quyết số 05 về công nghiệp hóa nông nghiệp, tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến 2035 cụ thể:

Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện các chương trình, đề án, mô hình trong phát triên nông nghiệp của tỉnh, trong đó, xác định cụ thể trách nhiệm của từng địa phương, đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện; rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển để có giải pháp phù hợp, hiệu quả, đảm bảo sát với tình hình thực tiễn của địa phương. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển nhiều các mô hình có hiệu quả, cách làm hay, các ngành công nghiệp, dịch vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Đa dạng hóa các nguồn lực, lựa chọn nội dung, mức độ huy động phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ có hiệu quả. Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, phát huy tính chủ động sáng tạo của người dân trong phát triển nông nghiệp, nhất là các hộ dân tham gia tích tụ ruộng đất, làm vệ tinh, liên kết sản xuất nằm trong chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Quan tâm công tác xúc tiến, thu hút đầu tư; khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào khâu chế biến nông sản và hợp tác, liên kết với doanh nghiệp trong nước đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất nông nghiệp. Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh. Quan tâm phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản để tìm đầu ra bền vững đối với sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất xây dựng trung tâm kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản để tìm đầu ra bền vững đối với sản phẩm nông nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất xây dựng trung tâm kết nối sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu nông sản an toàn.

Kính thưa các đồng chí!

Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã thực hiện được 10 năm. Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đề nghị các đồng chí, nhất là những người đứng đầu cấp ủy phải luôn chăm lo, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thật tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Một lần nữa, kính chúc các đồng chí đại biểu khách cùng toàn thể các đồng chí dự hội nghị mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!