Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nam sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng nhằm nâng ca...

Tin theo lĩnh vực Kinh tế, xã hội  
Hà Nam sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng nhằm nâng cao nhận thức về chuyển dịch cơ cấu kinh tế
10 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hà Nam thực hiện các nghị quyết đại hội Đảng trong bối cảnh có nhiều thách thức, khó khăn. Thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã chủ động, sáng tạo, cụ thể hóa bằng các nghị quyết chuyên đề mang tính đột phá về kinh tế - xã hội, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, phát huy tiềm năng, lợi thế, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn quân, toàn dân, nỗ lực, phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, giành nhiều kết quả quan trọng; đã cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu các nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 02/4/2008 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng nhằm nâng cao nhận thức về chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh, các cấp ủy đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; thường xuyên tổ chức tuyên truyền, quán triệt sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng về mục đích, yêu cầu và nội dung chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các hội nghị, cuộc họp và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành xây dựng, triển khai các kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh, bền vững, đặc biệt là các đề án trong phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn.

May-mac.jpg

Công nghiệp may mặc thu hút nhiều công nhân nữ tham gia lao động góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế (Sản xuất hàng may mặc tại Công ty cổ Phần may Kinh Bắc - Cụm công nghiệp Cầu Giát huyện Duy Tiên)

Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao trên 10%/năm; cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Đến hết năm 2017, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ chiếm 10,6%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 59,7% và ngành dịch vụ chiếm 29,7%.  Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về thu ngân sách, thu hút đầu tư… được cải thiện rõ rệt. Năm 2017, toàn tỉnh có 626 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 28% so với năm 2016. Lũy kế đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 738 dự án còn hiệu lực (trong đó có 207 dự án FDI và 531 dự án trong nước) với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 2.386,7 triệu USD và 100.800,1 triệu đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp duy trì được mức tăng trưởng cao qua các năm. Năm 2008 đạt 5.275 tỷ đồng, đến năm 2017 đạt khoảng 39.300 tỷ đồng. Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng ngành công nghiệp khai thác. Đến năm 2017, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 97%. Hiện toàn tỉnh có 07 khu công nghiệp và 17 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Sự hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp có tác động lớn đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn tỉnh. Một số ngành, sản phẩm chủ lực, sản phẩm mới đầu tư vào tỉnh đã đóng góp lớn vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, làm tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu cũng như giải quyết lao động, mức thu nhập của công nhân như: Ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện, điện tử; thức ăn chăn nuôi; sản xuất xe gắn máy; nước giải khát… Theo số liệu thống kê, lao động làm trong các doanh nghiệp tăng từ 42.879 người năm 2008 lên 79.061 người vào năm 2013 và năm 2018 ước đạt 140.000 người. Giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng mạnh trong 10 năm qua, từ 141,5 triệu USD năm 2008 lên 582,8 triệu USD năm 2013 và năm 2018 ước đạt 2.070 USD. Như vậy tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh 10 năm qua đạt mức tăng 30,77%/năm.

Về chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2017 đạt 9.128,4 tỷ đồng. Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp trong những năm qua đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó tăng dần tỷ trọng lĩnh vực chăn nuôi - thủy sản, dịch vụ nông nghiệp và giảm dần tỷ trọng lĩnh vực trồng trọt. Cụ thể trồng trọt giảm từ 58,7% năm 2008 xuống còn 42,4% năm 2017; chăn nuôi tăng từ 32% năm 2008 lên 41% năm 2017; dịch vụ tăng từ 2,5% lên 7,6%. Riêng trong lĩnh vực trồng trọt cũng chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng lúa, tăng dần tỷ trọng của các cây công nghiệp, rau, củ, quả. UBND tỉnh đã xây dựng Đề án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Hà Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, quy hoạch 04 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích khoảng 503 ha để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp với các sản phẩm rau, củ, quả chất lượng cao. Đến nay đã thu hút được 02 doanh nghiệp đầu tư vào 02 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đã có sản phẩm bán ra thị trường. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp sạch làm vệ tinh, liên kết với các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

dua luoi.jpg

Hà Nam chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng lúa, tăng dần tỷ trọng của các cây công nghiệp, rau, củ, quả sạch, xuất khẩu (Mô hình trồng dưa lưới trong nhà lưới tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam, xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân)

Về chuyển dịch cơ cấu thương mại, dịch vụ, mạng lưới dịch vụ thương mại được mở rộng cả về loại hình và thị trường tiêu thụ. Một số trung tâm thương mại được hình thành. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội giai đoạn 2006 - 2016 đạt 105.861 tỷ đồng, bình quân tăng 20%/năm. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao, giai đoạn 2006 - 2016 đạt 5.485,5 triệu USD. Các hoạt động vận tải, bưu chính viễn thông, điện, cấp nước sạch có mức tăng trưởng khá, từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Hoạt động du lịch có chuyển biến tích cực. Những năm qua, Hà Nam tập trung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 30/6/2016 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch giai đoạn 2016 - 2025; bố trí huy động nguồn lực xây dựng các hạng mục hạ tầng, khu văn hóa tâm linh, khu làng Việt cổ…

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong quá trình lãnh đạo phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 13-CT/TU của Tỉnh ủy đã đi vào cuộc sống, nhận thức của cấp uỷ, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh được nâng lên, tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong nhân dân góp phần quan trọng để tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân./.