Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiệu quả từ dòng vốn đầu tư Hàn Quốc vào Hà Nam

Doanh nghiệp - Hợp tác - Đầu tư Thu hút, xúc tiến đầu tư  
Hiệu quả từ dòng vốn đầu tư Hàn Quốc vào Hà Nam
Nếu như năm 2008, tỉnh Hà Nam mới chỉ có 17 doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào đầu tư thì đến nay đã có 207 dự án, với tổng vốn đầu tư vượt mốc 2 tỷ 400 triệu USD. Con số này đã đưa Hà Nam trở thành một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Trong số này, đóng góp lớn nhất vẫn là dòng vốn của các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hà Nam có 108 dự án vốn đầu tư đến từ Hàn Quốc còn hiệu lực, với tổng nguồn vốn đăng ký là 1 tỷ 250 triệu USD, chiếm 50,8% tổng vốn FDI toàn tỉnh. Đa phần các DN Hàn Quốc trên địa bàn tỉnh sản xuất: Hàng điện, điện tử, dây đồng, hàng mỹ ký, đồ chơi...  Các DN có vốn đầu tư lớn, dây chuyền công nghệ cao, sản xuất kinh doanh hiệu quả như: Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) KMW, Công ty Seoul Semiconductor, Công ty TNHH ACE Antenna Việt Nam, Công ty Anam Electronics… Điều khiến những nhà đầu tư Hàn Quốc quyết định chọn Hà Nam để triển khai dự án chính là chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nam rất hấp dẫn, môi trường đầu tư luôn thông thoáng, cởi mở và hỗ trợ kịp thời cho DN.

Theo ông Yoo Kee Man - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Hankook Al Tec Vina, sau 04 năm đầu tư vào Hà Nam, ông đã có cái nhìn tổng thể và khách quan hơn về môi trường đầu tư của tỉnh Hà Nam. Dù trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty còn gặp phải một số khó khăn như: Vấn đề tuyển dụng lao động, tình trạng cắt, cúp điện vẫn còn xảy ra. Thế nhưng, khi đem những thực tế này so sánh với nhiều tỉnh, thành khác ở Việt Nam, ông mới nhận thấy việc chọn Hà Nam để đầu tư phát triển là hoàn toàn đúng đắn. Bởi, khó khăn trong tuyển dụng lao động hiện nay là tình trạng chung của các tỉnh, thành, nhất là các tỉnh, thành đang có độ thu hút đầu tư mạnh. Ông Yoo Kee Man cũng cho biết: 04 năm đầu tư tại tỉnh Hà Nam công ty của ông luôn nhận được sự giúp đỡ từ UBND tỉnh Hà Nam, Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh. Nhận thấy môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi hiện công ty cũng đã xây dựng xong nhà máy số 02 cũng tại KCN Đồng Văn I  và đã đi vào hoạt động được gần 01 năm. Môi trường đầu tư tốt, người lao động chăm chỉ nhờ vậy mà công ty hoạt động rất ổn định.

11 (2).JPG

Một góc dây chuyền sản xuất tại Công ty ACE ANTENNA (Hàn Quốc), khu Công nghiệp Đồng Văn II

DN Hàn Quốc khi đầu tư vào tỉnh có ưu điểm là giải ngân nhanh, có công nghệ hiện đại và tuân thủ tốt các quy định của pháp luật Việt Nam. Đầu tư tại Hà Nam, các DN Hàn Quốc cảm nhận rõ nhất về những ưu đãi, quan tâm tháo gỡ khó khăn, đồng hành của tỉnh đối với họ. Tìm hiểu thực tế, các DN Hàn Quốc đều khẳng định: Chủ trương đồng hành cùng DN để ại ấn tượng sâu sắc nhất đối với họ. Hàng năm, thông qua các Hội nghị tiếp xúc, gặp mặt DN FDI, những đề xuất, kiến nghị của các DN đã được lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành quan tâm, lắng nghe và từ đó có những điều chỉnh kịp thời, tạo môi trường đầu tư thân thiện, ấn tượng. Đây là điều kiện thuận lợi để DN đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Các DN Hàn Quốc đầu tư vào tỉnh đều hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, doanh thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong đó điển hình như Công ty TNHH Anam Electronics Việt Nam. Ông Park Hyeon Su - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anam Electronics Việt Nam cho biết: Sản xuất kinh doanh của công ty năm 2017 tăng gấp 2 lần năm 2016, xuất khẩu đạt 150 triệu USD và dự kiến năm 2018 này sẽ là 200 triệu USD. Do sản xuất tăng nên ngoài lực lượng lao động đang làm việc trong nhà máy, công ty phải sử dụng cả nhân lực thời vụ, lên đến 2.500 người. Công ty đang xây dựng thêm 01 nhà máy nữa ở KCN Đồng Văn IV, công ty mong muốn UBND tỉnh, Ban quản lý các KCN tiếp tục ủng hộ và giúp đỡ công ty, nhất là về vấn đề tuyển dụng lao động.

Trong số 108 dự án vốn đầu tư Hàn Quốc đang đầu tư trên địa bàn tỉnh, có trên 90 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, tương đương 90% tổng số dự án. Các DN Hàn Quốc đầu tư tại Hà Nam đến nay được tập hợp vào Hiệp hội DN Hàn Quốc tại tỉnh Hà Nam, do ông Kim In Chul - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Myeong Sung Vinam làm Chủ tịch Hiệp hội. Ông cho biết, hiện có 75/108 DN đang sinh hoạt tại hiệp hội. Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Hà Nam được thành lập dựa trên tinh thần tự nguyện. Sau khi đi vào hoạt động, các DN đã rất tích cực hỗ trợ nhau, như: DN thiếu nguyên liệu sản xuất, DN có thể mượn DN khác trong hiệp hội để sản xuất. Ông Kim In Chul cũng khẳng định sẽ tiếp tục mời gọi các DN Hàn Quốc chưa vào hiệp hội, thời gian tới sẽ vào sinh hoạt. Hiệp hội DN Hàn Quốc cũng đang tích cực quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh Hà Nam về bên Hàn Quốc để các DN Hàn Quốc biết và đến tỉnh Hà Nam đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Năm 2017, giá trị sản xuất CN của các DN Hàn Quốc đạt 14.299 tỷ đồng chiếm 30,7% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của các DN FDI trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng trong những tháng đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của các DN Hàn Quốc đạt 4.093 tỷ đồng, tăng 334% so với cùng kỳ năm 2017. Các DN Hàn Quốc đã thu hút và tạo việc làm cho gần 25 nghìn lao động, chiếm 54,8% tổng số lao động đang làm việc trong các DN FDI. Có thể khẳng định các dự án vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào tỉnh thời gian là rất hiệu quả, mối quan hệ lao động trong các DN cũng luôn ổn định, bình đẳng, hài hòa, thân thiện và tiến bộ.

Để nâng cao hiệu quả thu hút DN Hàn Quốc, theo ông Trần Xuân Dưỡng  - Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Hà Nam, thời gian tới UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc, chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN; củng cố, nâng cao chất lượng dịch vụ công phục vụ các KCN; đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng các KCN, nhất là KCN Đồng Văn IV để tiếp tục thu hút các DN Hàn Quốc vào đầu tư; thực hiện tốt 10 cam kết của UBND tỉnh với nhà đầu tư; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên lắng nghe ý kiến để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN.../.